Việc lực lượng dân quân Yemen tự phong tỏa một phần vùng biển Biển Đỏ đối với các tàu thương mại của Israel, Mỹ và 'có liên quan đến Israel' trong năm qua đã làm giảm uy tín của siêu cường quân sự Mỹ. Washington đã triển khai tàu chiến của phương Tây và các nỗ lực "làm suy yếu" năng lực của lực lượng dân quân Houthi nhưng cho đến nay đều không mang lại kết quả.
Trong bài phân tích mới nhất, Business Insider cho rằng, quân đội Mỹ đang bị mắc kẹt trong thế bế tắc nguy hiểm khi đối đầu với Houthi, chứng tỏ Mỹ "không thể ngăn chặn hiệu quả phiến quân tấn công tàu thuyền" và đồng thời "không có khả năng" được toàn quyền tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại nhóm này.
“Quân đội Mỹ đã dẫn đầu một liên minh hải quân phương Tây tham chiến chống lại Houthi để ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của họ, nhưng một năm giao tranh ác liệt đã không đưa Mỹ đến gần hơn với việc chấm dứt mối đe dọa do phiến quân gây ra" - Business Insider dẫn quan điểm đặc phái viên hàng đầu về Yemen của chính quyền Mỹ Joe Biden và các chuyên gia phân tích Mỹ.
Tờ báo cho rằng, quân đội Mỹ có cách tiếp cận hạn chế đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra với Houthi, "không có con đường rõ ràng để giành chiến thắng". Trong khi đó, Houthi vẫn tiếp tục gây nên thiệt hại cho hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, vốn chiếm tới 15% tổng thương mại hàng hải cho đến một năm trước.
Danh tiếng của quân đội Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thể làm suy yếu một nhóm phiến quân được trang bị máy bay không người lái trị giá 20.000 USD, tên lửa đạn đạo tự chế và hệ thống phòng không thời Liên Xô.
Cựu tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, Tướng Joseph Votel cho biết: “Mối đe dọa vẫn còn dai dẳng, và dường như không có nhiều cách để làm giảm bớt điều đó”.
Thay vào đó, các hoạt động của Mỹ “rõ ràng tập trung vào việc cố gắng tự vệ và tấn công các địa điểm phóng, địa điểm sản xuất, địa điểm lưu trữ, có thể là một số địa điểm chỉ huy và kiểm soát – nhưng không có điều gì trong số đó có vẻ như ngăn chặn được Houthi cả” - Tướng Votel phàn nàn.
Tướng Votel nói thêm rằng Mỹ triển khai càng nhiều vũ khí chống lại Houthi thì càng có ít vũ khí dành cho các ưu tiên toàn cầu khác của Lầu Năm Góc, bao gồm cả việc thách thức Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Brian Carter, nhà phân tích Trung Đông tại Viện nghiên cứu tân bảo thủ American Enterprise Institute có trụ sở tại DC, lập luận rằng: "Việc cho phép Houthi kéo dài chiến dịch leo thang dần dần của họ là một lựa chọn chính sách nguy hiểm hơn nhiều đối với Mỹ về lâu dài so với một nỗ lực quân sự quyết đoán hơn".
Một báo cáo gần đây của Dự án Chi phí chiến tranh thuộc Đại học Brown ước tính rằng Mỹ đã chi hơn 2,5 tỷ USD cho chiến dịch chống Houthi trong năm qua - bao gồm chi phí triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay trị giá hàng tỷ đô la trong khu vực và hơn 4 triệu USD mỗi tên lửa mà Mỹ đã bắn để bắn hạ máy bay không người lái của Houthi.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Mua sắm và Duy trì Bill LaPlante đã phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng vào đầu tháng này rằng, với tư cách là một chuyên gia về tên lửa, ông "bị sốc" trước năng lực tên lửa ngày càng tiên tiến của Houthis. Ông đồng thời cho biết lực lượng dân quân này đã chứng minh được khả năng sản xuất ra các loại vũ khí mới "có thể làm được những điều thực sự đáng kinh ngạc".
Tháng trước, một bài viết trên tạp chí Sentinel của Trung tâm Chống khủng bố thuộc học viện quân sự West Point tiết lộ rằng tên lửa của Houthi gần như đã bắn trúng một siêu tàu sân bay và một tàu khu trục tên lửa của Mỹ trong quá trình diễn ra các hoạt động trên Biển Đỏ vào đầu năm nay.
Israel cũng chứng kiến sức mạnh ngày càng tăng của tên lửa và máy bay không người lái của Houthi, phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng UAV cỡ lớn giống máy bay và tên lửa đạn đạo siêu thanh mới mà Houthi gọi là 'Palestine-2'.
Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm gì với Houthi?
Houthi đã yêu cầu sẽ kết thúc chiến dịch Biển Đỏ của họ khi Israel dừng lại cuộc chiến kéo dài hơn một năm ở Gaza. Nhóm này gần đây đã thúc giục Tổng thống đắc cử Donald Trump "thực hiện cam kết của mình với cử tri Ả Rập và những người ủng hộ Gaza" và gây sức ép với Israel phải chấm dứt giao tranh ở vùng đất bị bao vây này.
Houthi cũng yêu cầu chấm dứt hành động xâm lược của Mỹ đối với Yemen, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ đang "phải trả giá về kinh tế và quân sự" cho vai trò là tay sai của Israel.
Newsweek đầu tháng này dẫn nguồn tin thân cận với nhóm Houthi cho biết nhóm kỳ vọng sự thay đổi của chính quyền mới.
"Câu hỏi vẫn còn đó: liệu ông Trump có tiếp tục chính sách như vậy và liệu sự xâm lược của Mỹ đối với Yemen có tiếp tục không? Nếu tiếp tục, nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn" - nguồn tin này nói.
Theo tờ báo, Houthi dường như là nhóm quốc tế có sự lạc quan thận trọng về triển vọng ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Tuần trước, ông Ali Larijani, cố vấn cấp cao của Lãnh tụ tối cao Iran, đã bày tỏ đồng tình với quan điểm của người Houthi, cho rằng "câu hỏi đặt ra là liệu nước Mỹ dưới thời của ông Donald Trump có thấy được lợi ích của mình khi tiếp tục hành vi của đảng Dân chủ - những người đã kéo nước Mỹ xuống và hủy hoại danh tiếng của mình... hay họ muốn thay đổi theo hướng có lợi cho lợi ích quốc gia của nước Mỹ", bao gồm cả việc chấm dứt "chủ nghĩa hiếu chiến trong khu vực".