Hợp tác giáo dục Việt – Lào: Những tương đồng và chia sẻ

Hợp tác giáo dục Việt – Lào: Những tương đồng và chia sẻ
 Quang cảnh cuộc hội đàm về các vấn đề hợp tác Việt Nam – Lào và SEAMEO
Quang cảnh cuộc hội đàm về các vấn đề hợp tác Việt Nam – Lào và SEAMEO

(GD&TĐ) – Đến với đất nước Lào như trở về nhà, cuộc hội đàm về những vấn đề của SEAMEO, về quan hệ song phương thật nghiêm túc nhưng cũng thật cởi mở và đầm ấm.

Tham gia cuộc hội đàm còn có PGS. TS Koongsy Sengmany - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể Thao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; TS Tinsiri Siribody - Phó Tổng thư ký SEAMEO.

Đồng chí Khamphan Viphavan - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - chia sẻ: Ngành Giáo dục vừa cơ bản hoàn thành cải cách giáo dục giai đoạn 1, điểm nổi bật là kéo dài thời gian học từ 11 lên 12 năm. Hiện Lào đang nghiên cứu để rút kinh nghiệm, hoàn thiện CCGD giai đoạn 1.

Những kết quả CCGD giai đoạn 1 đã được Bộ GD&TT báo cáo lên Quốc hội. Qua các phương tiện truyền thông cho thấy nhân dân cũng rất đồng tình và yêu cầu Bộ GD&TT tiếp tục thực hiện thật kiên quyết.

Một trọng trách của Bộ GD&TT là phấn đấu đến năm 2015 sẽ phổ cập tiểu học. Hiện đã có 9 tỉnh hoàn thành.

Giai đoạn 2, CCGD tập trung củng cố chất lượng các trường dạy nghề và cao đẳng, đại học. Hiện tại qua khảo sát, cả 59 trường ĐH, CĐ của Lào (trong đó có 29 trường tư thục) chưa trường nào đạt chuẩn; cơ cấu đào tạo ngành nghề mất cân đối – học sinh thiên về học các ngành kinh tế.

Bộ GD&TT đã báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ để từ đó các cấp lãnh đạo cao nhất cho phép thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh và xây dựng nguồn nhân lực do Bộ trưởng GD&TT làm Trưởng ban, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư làm Phó ban.

Ban đang chỉ đạo ngành Giáo dục và các Bộ, Ngành liên quan củng cố chất lượng đào tạo, phân bổ ngành nghề cho cân đối để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Lào.

Bộ trưởng Khamphan Viphavan cũng vui mừng thông báo với sự giúp đỡ của Việt Nam, khoa Tiếng Việt (Đại học Quốc gia Lào), trường Dân tộc Nội trú Hủa Phan (tỉnh Xiêng Khoảng) đã hoàn thành, đi vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng thông báo phía Lào đã siết chặt thêm quy chế tuyển chọn, có thời gian học tiếng Việt tại Lào cho lưu học sinh Lào… và bày tỏ mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh của Lào tại Việt Nam ngày càng chất lượng hơn.

 Quang cảnh cuộc hội đàm về các vấn đề hợp tác Việt Nam – Lào và SEAMEO
Bộ trưởng Khamphan Viphavan (ngoài cùng bên trái) đang trao đổi tình hình và kinh nghiệm với những người đồng nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đồng thời là Chủ tịch SEAMEO, cũng đã có những trao đổi hết sức thẳng thắn và chân tình với các đồng nghiệp Lào về: Đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục ở Việt Nam; kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam trong thời gian qua…

Bộ trưởng thống nhất sẽ chỉ đạo các đơn vị của Việt Nam chuẩn bị thêm tài liệu, hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn mới nảy sinh.

Với tư cách là Chủ tịch SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin về các hoạt động của tổ chức này trong thời gian qua và những hoạt động nổi bật trong thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng tích cực hưởng ứng, tham gia và sớm có mặt để mở rộng hơn các quan hệ giáo dục đa phương.

Bộ trưởng Khamphan Viphavan khẳng định: Về việc tham gia SEAMEO, Lào sẽ thành lập ngay một tổ công tác để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ Việt Nam để sớm có thể đứng trong tổ chức này, góp sức của mình vào việc thực hiện hợp tác quốc tế trong khu vực.

Tại Lào, đoàn công tác do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu còn có các hoạt động:

Thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Quốc doanh In Giáo dục Lào và dự lễ trao quà tặng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho Công ty;

Thăm lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng, trường Dân tộc Nội trú Hủa Phăn.

Phương Đông

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.