Hợp nhất để vượt trội

GD&TĐ - Sau hơn ba năm, ngành công nghiệp chế tạo ô tô trên thế giới lại manh nha có sự biến đổi lớn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Năm 2021, hãng Fiat Chrysler Automobiles (Italy và Mỹ) và hãng PSA Group (Pháp) đã làm khuynh đảo ngành công nghiệp chế tạo ô tô của thế giới khi hợp nhất thành hãng Stellantis.

Bây giờ, hãng Honda và Nissan, nhiều khả năng cả hãng Mitsubishi Motors cũng dự định sáp nhập với nhau để trở thành hãng chế tạo ô tô lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đứng hạng sau Toyota (Nhật Bản) và Volkswagen (VW của Đức).

Mitsubishi Motors sẽ tham gia cuộc chơi sáp nhập của Nissan vì hãng này hiện chiếm 24,5% cổ phần của Mitsubushi Motors. Nếu vụ sáp nhập này suôn sẻ thì ngành công nghiệp chế tạo ô tô thế giới sẽ bị chấn động còn dữ dội hơn nhiều so với chuyện sáp nhập hồi năm 2021.

Nó sẽ giúp cho ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Nhật Bản củng cố vị thế hàng đầu thế giới và gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản về kinh tế, công nghệ cũng như chính trị.

Honda, Nissan và Mitsubishi Motors chủ trương sáp nhập nhưng giữ nguyên sản phẩm thương hiệu. Sáp nhập để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm hơn nguồn lực của cả ba, để cùng nghiên cứu, phát triển và sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu chiến lược trước mắt cũng như lâu dài của vụ hợp nhất này có điểm khác biệt cơ bản so với sự hình thành hãng Stellantis cách đây hơn 3 năm khi tập trung hàng đầu vào nghiên cứu, phát triển, chế tạo, kinh doanh xe ô tô điện và xe ô tô hybrid.

Những loại xe này hiện chiếm xu thế chủ đạo trên thế giới nhờ những hiệu ứng tích cực của chúng đối với môi trường sinh thái và giúp bảo vệ khí hậu Trái đất trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng cao của người tiêu dùng.

Có thể thấy được ở đây, các hãng chế tạo ô tô trên của Nhật Bản chủ ý hợp nhất để vừa thích ứng với chuyển biến của thời thế vừa đón bắt xu hướng về lâu dài.

Một trong những mục tiêu trọng tâm khác được bộ ba này theo đuổi với dự định sáp nhập là gây dựng và gia tăng năng lực cạnh tranh nổi trội hàng đầu trên thế giới của ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Nhật Bản, đặc biệt về ô tô điện và hybrid.

Đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ là Trung Quốc bởi quốc gia này đã chuyển đổi rất nhanh chóng, thành công sang tập trung vào nghiên cứu, phát triển, chế tạo và kinh doanh các loại ô tô điện, hybrid.

Có thể thấy, Trung Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ trên các lĩnh vực này, đến nay đã chiếm lĩnh thị phần không nhỏ trong thị trường thế giới về ô tô điện và hybrid. Việc hợp nhất nhiều hãng riêng lẻ thành một hãng mạnh về mọi phương diện là cách hữu hiệu nhất đối với ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Nhật Bản để dần thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc tế và mức độ phát triển trên lĩnh vực này so với Trung Quốc. Từ đó, nhanh chóng đuổi kịp và vượt Trung Quốc.

Toan tính lớn thì như vậy nhưng quá trình hợp nhất rồi đây có kết thúc thành công hay không thì lại là chuyện khác. Hãng Honda rất mạnh về tiền của nhưng lại không thật mạnh về chế tạo ô tô. Cổ đông lớn nhất trong hãng Nissan là hãng Renault của Pháp với hơn 36% cổ phần.

Hãng này phản đối hoặc gây khó thì chuyện sáp nhập cũng khó thành công mỹ mãn. Mitsubishi Motors sẽ tham gia cuộc chơi sáp nhập với những điều kiện nào hiện vẫn chưa rõ. Dù vậy, triển vọng hợp nhất thành công rất thực tế vì tất cả đều nhìn thấy ở trong đó cơ hội để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ