Đây là thông tin được ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) chia sẻ trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ cấp gạo hỗ trợ của Chính phủ năm học 2017-2018.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xuất cấp gạo DTQG để hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, năm học 2017-2018 ngành DTNN đã triển khai công việc này như thế nào thưa ông?
Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức: Có thể nói, việc Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bằng nguồn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) có ý nghĩa rất lớn. Năm học 2017-2018, trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh về nhu cầu gạo hỗ trợ trong năm học, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất cấp gần 70.000 tấn gạo từ nguồn DTQG giao cho 47 địa phương để hỗ trợ cho trên 550.000 học sinh.
Theo đó, ngay trong thời điểm khai giảng năm học mới, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao, nhận gạo tại trung tâm huyện theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh.
Cũng trên cơ sở quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực xuất cấp cho các địa phương theo từng học kỳ năm học. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp, số lượng gạo thực tế tiếp nhận của địa phương thấp hơn so với số gạo Bộ Tài chính đã quyết định thì cấp theo số của địa phương.
Trường hợp, nhu cầu gạo của địa phương tiếp nhận trong năm học cao hơn so với số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, các địa phương tiếp tục có văn bản báo cáo để Bộ Tài chính ban hành quyết định cấp gạo bổ sung kịp thời, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh theo đúng thời gian của học kỳ năm học.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ xuất cấp gạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo đến đối đối tượng thụ hưởng.
Trên cơ sở đó, đề nghị UBND các các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành của địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm về công tác quản lý, phân phối, sử dụng gạo tại địa phương; bảo đảm việc tiếp nhận, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh đúng đối tượng, định mức và thời gian của năm học; không để thất thoát, tiêu cực xảy ra trong quá trình tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ của Chính phủ…
Với những nỗ lực trên, đến thời điểm này, gần 70.000 tấn gạo của Chính phủ đã được hỗ trợ cho trên 550.000 học sinh vùng đặc biệt khó khăn của 47 tỉnh, thành phố.
Ông đánh giá thế nào về công tác xuất cấp, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ?
Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức: Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã ra quyết định hỗ trợ gạo tạm ứng 2 tháng đầu học kỳ I nên các em học sinh có gạo ăn ngay từ những ngày đầu khai giảng, qua đó giúp các gia đình học sinh giảm bớt khó khăn về lương thực, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các địa phương yên tâm đến trường.
Trong quá trình thực hiện giao, nhận gạo, các Cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của địa phương có kế hoạch giao, nhận cụ thể, qua đó công tác giao nhận gạo được thực hiện kịp thời, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, đúng đối tượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế khi thực hiện chính sách. Năm học 2017-2018 là năm thứ hai thực hiện chính sách hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ nên công tác rà soát, lập danh sách học sinh được hỗ trợ tại một số địa phương (từ các trường tổng hợp gửi phòng Giáo dục huyện, thị xã thành phố lập danh sách báo cáo UBND) còn lúng túng nên phải điều chỉnh số lượng, thời gian báo cáo chậm…
Được biết, trong năm học 2017-2018, Tổng cục DTNN đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện kiểm tra công tác cấp phát gạo dự trữ tại một số tỉnh, ông vui lòng chia sẻ thêm về vấn đề này?
Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức: Công tác thanh kiểm tra xuất cấp gạo luôn được DTNN chú trọng. Trong dịp này, Tổng cục DTNN đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo kiểm tra công tác cấp phát gạo dự trữ tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau.
Qua phản ánh của các địa phương và đặc biệt là trực tiếp đến thăm một số điểm trường, tiếp xúc với các em học sinh, giáo viên, chúng tôi rất vui mừng khi thấy hiệu quả của chính sách là rõ rệt. Gạo DTQG khi xuất cấp đều đảm bảo chất lượng theo quy định.
Trước và trong quá trình xuất cấp, gạo DTQG đều được kiểm tra kỹ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận gạo với địa phương.
Chính vì vậy, qua các đợt xuất cấp, chất lượng gạo luôn được các địa phương đánh giá cao, các em học sinh, gia đình, thầy cô rất phấn khởi…
Thông qua việc hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG cho học sinh, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đến trường; giảm gánh nặng khó khăn về lương thực đối với phụ huynh học sinh; tỷ lệ học sinh đến trường ngày một tăng cao; số lượng học sinh bỏ học giảm so với các năm trước chưa được hỗ trợ (đặc biệt tại các huyện, xã, vùng bãi ngang, vùng đồng bào dân tộc sinh sống).
Đặc biệt, các tỉnh có đánh giá chất lượng học tập và mức độ tự tin giao tiếp, tiếp xúc với tiếng phổ thông của học sinh vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt, góp phần có hiệu quả cho phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước và đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.
Có ý kiến cho rằng, nên thay việc hỗ trợ gạo bằng tiền cho các em học sinh để việc hỗ trợ được gọn nhẹ, xin ông cho biết quan điểm về ý kiến này?
Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức: Theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, ngoài chính sách hỗ trợ bằng tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ mua sắm, bổ sung sửa chữa dụng cụ phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, tủ thuốc … cho các em học sinh còn có việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG cho các em học sinh, do vậy việc hỗ trợ của Chính phủ bằng tiền đã có chính sách riêng nên không đặt vấn đề chuyển hỗ trợ gạo cho học sinh bằng hỗ trợ tiền.
Về việc này, trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản trả lời một số địa phương, trong đó nêu rõ: “Việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG mang tính chủ động, bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường và phụ huynh học sinh an tâm trong công tác giảng dậy, ổn định số học sinh theo thời gian của năm học”.
Cảm ơn ông!