Hôn nhân - thử thách cực đại của tình yêu

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tâm lý học cho rằng: “Hôn nhân là thử thách cực đại của tình yêu”. Bởi rất nhiều cặp vợ chồng sau nhiều năm kết hôn đã quên bẵng đi việc chăm chút cho “cây tình yêu” của họ, để nó héo rũ và chết khô lúc nào không hay.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Để rồi, khi cầm trên tay quyết định ly hôn của tòa án, không ít người cảm thấy hối hận và nuối tiếc cho tình yêu đẹp đẽ của mình ngày nào. Và họ chợt nhận ra, giá như mình biết quan tâm, yêu thương và chăm sóc người bạn đời nhiều hơn thì “cây tình yêu” đã không chết oan uổng như vậy.

Bữa tiệc ở Nhà hàng Ly Hôn

Anh cưới chị được 10 năm. Giữa hai vợ chồng không còn xúc cảm và hứng thú. Anh ngày càng cảm thấy đối với vợ hầu như chỉ còn là trình tự và nghĩa vụ. Anh bắt đầu thấy chán ngán chị. Nhất là khi đơn vị vừa nhận về một người phụ nữ trẻ hết sức sôi nổi và cuồng nhiệt bám lấy anh. 

Anh chợt có cảm giác cô ấy là mùa xuân thứ hai của anh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định ly dị vợ. Và chị dường như cũng đã trơ lỳ cảm xúc; bình thản đồng ý đòi hỏi của anh. Thủ tục ly hôn tiến hành rất thuận lợi. Sau khi ra khỏi cửa, anh chị đã trở thành hai cá nhân độc lập và tự do.

Không hiểu sao, anh bỗng thấy trống trải vô cùng, anh nhìn chị nói: “Trời tối rồi, hay là đi ăn cơm đã.” Chị nhìn anh: “Vâng. Em nghe nói gần đây vừa khai trương Nhà hàng Ly Hôn, chuyên phục vụ bữa ăn cuối cùng cho các cặp vợ chồng ly dị. Chúng mình đến đó đi?”. Anh gật đầu. Hai người, một trước một sau lặng lẽ đi vào Nhà hàng Ly Hôn.

Anh chị vừa yên vị trong phòng VIP, cô phục vụ đã bước vào nói: “Anh chị dùng gì ạ?”. Anh nhìn chị nói: “Em gọi đi”. Chị lắc đầu: “Em ít khi ăn nhà hàng, không quen gọi món, anh gọi đi.” 

“Xin lỗi, nhà hàng chúng tôi quy định, bữa này do vợ gọi món hàng ngày người chồng thích ăn nhất, và chồng gọi món người vợ thích ăn nhất. Đó là món “Ký ức cuối cùng”, cô nhân viên phục vụ lên tiếng, chấm dứt cuộc đùn đẩy chọn món của anh chị.

“Thôi được”, chị hất mái tóc xõa trước mặt ra sau, nói: “Gà luộc chấm gia vị nước chanh, đậu phụ rán chấm nước mắm nguyên chất rắc hành thái nhỏ, chân giò luộc chấm mắm tôm, rau cải thảo luộc.” 

Cô phục vụ nhìn anh: “Anh gọi gì ạ?”. Anh sững người. Lấy nhau 10 năm, anh thật sự không biết vợ anh thích ăn món gì. Anh há hốc mồm, ngồi thừ ra. “Những món này đủ rồi, đều là món chúng tôi thích nhất”, chị vội chữa thẹn cho anh.

Cô phục vụ cười: “Thực tình mà nói, đến nhà hàng chúng tôi ăn bữa cơm cuối cùng, các anh, các chị đều không thể nuốt trôi. Hay là anh chị đừng dùng món “Ký ức cuối cùng” nữa, hãy dùng bữa tối đặc biệt mà nhà hàng làm cho vợ chồng ly hôn. Anh chị cùng gật đầu đồng ý. 

Cô phục vụ bước ra và lát sau quay lại với chiếc khay có một bông hồng đỏ tươi, nói: “Anh còn nhớ cảnh tặng hoa cho chị không? Bây giờ, khi mọi việc đã kết thúc, không còn là vợ chồng, nhưng là bạn. Bạn bè gặp nhau vui vẻ rồi chia tay, anh tặng chị bông hồng cuối cùng đi”.

Chị rùng mình, trước mắt hiện ra cảnh anh tặng hoa chị 10 năm về trước. Hồi đó, anh chị vừa đến thành phố xa lạ này, hai bàn tay trắng, bắt đầu xây tổ ấm từ số 0. Ban ngày, anh chị đi tìm việc làm, ban đêm chị ra hè phố bán quần áo, anh vào nhà hàng rửa bát. Nửa đêm mới về đến gian nhà thuê chưa đầy 10 mét vuông. Đời sống khổ cực, nhưng anh chị lúc nào cũng thấy vui và hạnh phúc. 

Lễ Valentine đầu tiên ở thành phố này, anh mua tặng chị bông hồng đầu tiên, nước mắt chị chảy dài trên má vì sung sướng. 10 năm rồi, cuộc sống đã khá lên, vậy mà anh chị lại chia tay nhau. Càng nghĩ, chị càng tủi, hai mắt ngấn lệ, xua tay nói: “Thôi, thôi, khỏi cần”. 

Anh cũng nhớ lại 10 năm qua. Và sực nhớ 5 năm nay, anh không mua hoa tặng chị. Anh vội vẫy tay, nói: “Không, phải tặng”. Cô phục vụ cầm bông hồng lên, “xoèn xoẹt” một cái, bẻ làm đôi, ném vào cốc của anh chị, mỗi người một nửa. Bông hồng tức khắc hòa tan trong cốc. “Đây là bông hồng nhà hàng làm bằng gạo nếp, cũng là món ăn nhà hàng gửi anh chị. Mời anh chị thưởng thức. Còn cần gì nữa, anh chị cứ gọi tôi”, nói xong, cô quay người ra khỏi phòng.

“Em… anh…”. Anh nắm lấy tay chị, nói không nên lời. Chị rút mạnh bàn tay. Không rút nổi, bèn để yên. Anh chị im lặng nhìn nhau, vẫn không nói nên lời. “Phụt”! Đèn điện tắt ngấm, trong phòng tối om. Bên ngoài vang lên tiếng chuông báo động đổ dồn, có mùi cháy khét lẹt bay vào. “Chuyện gì thế?”, anh chị vội đứng lên.

 “Nhà hàng cháy rồi, mọi người ra ngoài mau, mau lên”, bên ngoài có người kêu thét lên. “Anh, em sợ!”, chị ép vào người anh. “Đừng sợ!”. Anh ôm chặt lấy chị và tiếp tục trấn an chị: “Em đừng sợ, có anh ở bên cạnh. Chúng mình chạy ra ngoài đi”. 

Thật ngạc nhiên, ra tới ngoài, đèn điện vẫn sáng trưng, mọi vật như cũ, không có chuyện gì xảy ra. Cô phục vụ nói: “Xin lỗi anh chị, đây là món “Sự lựa chọn từ đáy lòng” của nhà hàng gửi tới anh chị”. 

Anh chị trở về phòng ăn, ánh sáng chan hòa. Anh cầm tay chị nói: “Vừa nãy là sự lựa chọn từ đáy lòng của chúng ta. Anh cảm thấy chúng ta không thể sống thiếu nhau, ngày mai vợ chồng mình đi đăng ký kết hôn lại đi?”. 

Chị cắn môi: “Anh nói thật lòng đấy chứ?”. “Thật! Anh hiểu rồi”, anh nói và gọi thanh toán. Cô phục vụ đi vào, đưa cho anh chị mỗi người một tấm phiếu màu hồng rất đẹp nói: “Đây là phiếu thanh toán của anh chị, cũng là món quà của nhà hàng gửi tặng anh chị, gọi là “Phiếu thanh toán vĩnh viễn”, mong anh chị cất giữ mãi mãi”.

Anh nhìn phiếu, mắt đỏ hoe. “Anh làm sao thế?”, chị lo lắng hỏi. Anh đưa phiếu thanh toán của mình cho chị, nói: “Anh có lỗi với em, anh mong được em tha thứ”. Chị cầm tấm phiếu đọc: “Một gia đình ấm cúng, hai bàn tay làm lụng, ba canh ngồi chờ anh về, bốn mùa dặn anh giữ gìn sức khỏe, năm tháng săn sóc anh chí tình, bảy ngày trong tuần nuôi dạy con cái, tám phương giữ gìn uy tín của anh, chín giờ thường xuống bếp làm món anh khoái khẩu, mười năm hao tổn tuổi xuân. Ai… Đó là vợ anh”.

 “Anh vất vả thật đấy. Mấy năm qua em thờ ơ với anh quá”, chị đưa phiếu thanh toán của mình cho anh xem. Anh mở ra đọc: “Một mình gánh vác trách nhiệm, hai vai nặng trĩu cơ đồ, ba canh cặm cụi bên bàn, tứ thời chạy ngược chạy xuôi, vinh nhục biết chia sẻ cùng ai, bể dâu khắc sâu đuôi mắt, nghĩa vụ đối với gia tộc, gập ghềnh chông gai con đường công danh, là người phàm tục làm sao mười phân vẹn mười. Lúc nào cũng tận tình với vợ con… Đó là chồng em”. Anh chị ôm chầm lấy nhau, oà lên khóc thành tiếng.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình:

Có thể nói, quan niệm về tình yêu cũng như hôn nhân của mỗi con người luôn chứa đựng những điều khác biệt. Và có không ít người kêu than rằng: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”. 

Tôi không hẳn đồng ý với quan điểm này và cho rằng, nó chỉ xảy ra khi một trong hai người (hoặc cả hai người) vì nhiều lý do mà phần lớn là “cơm áo, gạo tiền” mà quên đi việc chăm chút và yêu thương một nửa đích thực của mình. Điều này khiến cho người bạn đời của họ ban đầu cảm thấy hụt hẫng, sau đó lâu dần tình cảm của họ trở nên phai nhạt. 

Và khi đó, nếu như không nhìn nhận và có những hành động mang tính thay đổi đột phá thì “cây tình yêu” của họ sẽ chết mòn trong “chiếc chậu hôn nhân”. Vì vậy, tôi luôn cho rằng: “Hôn nhân là thứ thách cực đại của tình yêu”. Điều này càng đúng hơn khi cuộc hôn nhân ấy đứng trên bờ vực ly hôn. 

Tuy nhiên, có rất ít người may mắn nhìn nhận được họ cần cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, đại đa số họ buông tay và chấp nhận sự đổ vỡ khi trái tim họ chưa có câu trả lời chính xác.

Cặp vợ chồng trong câu chuyện trên là một trong số những cặp vợ chồng may mắn, bởi sau những món ăn tinh thần được sắp xếp một cách hợp lý và những thử thách tâm lý, họ đã nhận ra rằng, cả hai trong nhiều năm tháng hôm nhân đã có những sai lầm và sự vô tâm nhất định khiến cho họ dần xa nhau. Nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, phải đưa ra một lựa chọn cuối cùng, trái tim họ vẫn hướng về nhau và vẫn dành chỗ cho người kia. 

Tình yêu giống như một ngọn lửa mà ở đó, nếu chúng ta cùng vun đắp nuôi dưỡng thì ngọn lửa ấy sẽ cháy mãi, nhưng nếu một lúc nào đó ta quên bẵng đi điều đó thì ngọn lửa sẽ lụi tàn nhanh chóng. Và khi nhìn lại, ta sẽ chỉ nhận được sự nuối tiếc.

Theo Gia đình & Xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một bệnh nhân bị hoại tử nhiễm trùng bàn tay do rắn hổ mang cắn hiện được điều trị tại Trung tâm Chống độc. Ảnh: BVCC

Nhiều người bị rắn cắn sau bão

GD&TĐ - Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận, điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn.