Hơn 20 tên lửa đánh chặn không bắn trúng đạn siêu thanh

GD&TĐ - Lực lượng phòng thủ Israel đã phóng hơn 20 tên lửa đánh chặn nhưng vẫn không thể hạ gục tên lửa siêu thanh của Houthi tấn công vào Yafa.

Houthi phóng tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn.
Houthi phóng tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn.

Hãng thông tấn Reuters dẫn tuyên bố của Yahya Saree, phát ngôn viên của Houthi hôm 15 tháng 9 cho biết, lực lượng này phóng tên lửa siêu vượt âm nhằm vào Israel, khẳng định quả đạn bay được hơn 2.000 km trước khi đánh trúng mục tiêu.

"Lực lượng Houthi đã tiến hành chiến dịch nhắm vào mục tiêu quân sự của Israel tại khu vực Yafa, sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm thế hệ mới.

Quả đạn vượt qua quãng đường 2.040 km trong vòng 11 phút rưỡi khiến lưới phòng không đối phương không thể đánh chặn nó", ông Yahya Saree, tuyên bố.

Vị phát ngôn viên này khẳng định, quả đạn "đã đến mục tiêu" và buộc hai triệu người dân Israel tìm nơi trú ẩn. "Đây là lần đầu xảy ra sự kiện như vậy trong lịch sử đối phương", phát ngôn viên Yahya Saree nói thêm.

Phó giám đốc văn phòng truyền thông của Houthi, Nasruddin Amer nói thêm rằng quả đạn lao xuống Israel sau khi hơn 20 tên lửa của đối phương không bắn hạ được nó và cảnh báo rằng đây chỉ là sự khởi đầu.

Tiếng còi báo động vang lên ở khắp Tel Aviv và miền trung Israel ngay trước khi tên lửa rơi xuống vào khoảng 6h35 hôm 15, khiến nhiều người dân tháo chạy tìm nơi trú ẩn. Nhiều tiếng gầm rú vang lên trong khu vực, giới chức Israel nói rằng đó là âm thanh từ các tên lửa phòng không đang rời bệ phóng.

Bộ Quốc phòng Israel ban đầu nói tên lửa lao xuống khu vực trống trải và không gây thương vong. Nhưng sau đó thông báo mở cuộc điều tra nhằm xác định vì sao quả đạn không bị bắn hạ trước khi vào vùng trời nước này, cũng như liệu nó có thực sự bị đánh chặn hay không.

Người dân địa phương cũng nhìn thấy khói bốc lên cuồn cuộn từ cánh đồng hoang ở miền trung Israel, nhưng không rõ đám cháy bắt nguồn từ tên lửa Houthi hay mảnh vỡ đạn đánh chặn của Israel gây ra.

Phong trào kháng chiến Houthi tiết lộ khả năng siêu thanh non trẻ của họ kể từ đầu năm 2024, rằng tên lửa mới của Houthi có thể tăng tốc lên tới trên Mach 8 và có động cơ nhiên liệu rắn.

Điều này có nghĩa là giảm thời gian chuẩn bị phóng và cải thiện khả năng vận chuyển dễ dàng trong điều kiện khó khăn tại Yemen.

Tờ Jerusalem Post dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nói hồi tháng 3 rằng: "Nếu lực lượng dân quân Yemen thực sự sở hữu tên lửa đạt được tốc độ Mach 8 trở lên, điều đó có nghĩa là các hệ thống phòng không trên tàu của nhóm hải quân Mỹ và của Israel sẽ bất lực.

Và nếu lực lượng Houthi làm chủ cách tấn công chính xác các mục tiêu bằng những tên lửa siêu thanh này, chúng ta sẽ chứng kiến ​​thất bại của Mỹ và Israel".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào đầu tháng 6 đã ký lệnh gia hạn việc triển khai nhóm tàu ​​sân bay Eisenhower ở Trung Đông lần thứ hai, đình chỉ việc luân chuyển siêu tàu sân bay cùng ba tàu khu trục tên lửa và tàu tuần dương hộ tống ra khỏi khu vực, nơi họ đang đóng quân từ tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, theo tờ Times of Israel hôm 22 tháng 6, Hải quân Mỹ cho biết, tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower thuộc lớp Nimitz đã nhận lệnh trở về căn cứ ở Norfolk, Virginia, sau hơn 8 tháng triển khai trong cuộc đối đầu với Houthi ở Biển Đỏ.

Cũng theo báo Israel, trước khi Mỹ quyết định rút tàu sân bay khỏi khu vực, lãnh đạo lực lượng dân quân Abdul-Malik al-Houthi tuyên bố, Houthi sẽ tấn công tàu sân bay Mỹ mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào siêu tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ vào giữa tháng 6 trong bối cảnh các cuộc không kích và tên lửa của Mỹ và Anh tiếp tục tăng cường bên trong Yemen, khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

"Tàu sân bay của Mỹ sẽ vẫn là mục tiêu của Lực lượng Vũ trang của chúng tôi bất cứ khi nào có cơ hội. Sự thật trở nên rõ ràng cho dù người Mỹ có cố gắng phủ nhận các hoạt động tấn công của chúng tôi, và các cuộc tấn công tiếp theo của Houthi sẽ hiệu quả hơn", ông al-Houthi nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ