Hơn 20 năm tìm dược liệu làm từ thiện

GD&TĐ - Dù kinh tế gia đình không dư giả, nhưng hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Hữu Hạnh (Ba Hạnh, 62 tuổi, ngụ tại khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vẫn bỏ công, tiền bạc để đi tìm cây dược liệu cung cấp miễn phí cho phòng khám từ thiện tại TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận.

Vợ chồng ông Hạnh đang sơ chế thuốc nam để chuẩn bị đem cung cấp miễn phí cho phòng khám
Vợ chồng ông Hạnh đang sơ chế thuốc nam để chuẩn bị đem cung cấp miễn phí cho phòng khám

Ông Hạnh cho biết, ông từng là một giáo viên của một trường tiểu học tại địa phương, về sau, ông nghỉ việc ở nhà làm ruộng rẫy để tăng thêm thu nhập, lo cho các con ăn học. Khó khăn ập đến khi vợ ông là bà Nguyễn Thị Lệ bị đau gai cột sống thần kinh tọa, còn ông thì mắc phải căn bệnh mất ngủ kinh niên hơn 10 năm khiến cơ thể ngày một suy kiệt.

Hai vợ chồng chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, số tiền dành dụm lần lượt “đội nón ra đi”, kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt, phải bán đất ruộng, chạy vạy mượn nợ bà con xung quanh để có tiền tiếp tục chạy chữa.

Tình cờ, được một số người bạn giới thiệu phòng khám miễn phí nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). Sau một thời gian hốt thuốc nam uống, kết hợp với châm cứu, bệnh tình 2 vợ chồng ông thuyên giảm rõ rệt. Khi hết bệnh, ông xin ở lại phòng khám để phụ giúp.

Sau hơn 2 năm ông tiếp thu được tính dược của từng loại thuốc, nhận thấy phòng khám thiếu hụt nguồn dược liệu, bệnh nhân đến ngày một đông nên ông quyết định đi tầm dược để cung cấp miễn phí cho phòng khám.

“Nhìn thấy bệnh nhân đến đông, có nhiều hoàn cảnh khổ sở, bệnh tật giống bản thân tôi lúc trước nhưng không đủ thuốc để phát, có rách áo mới thương người áo rách nên tôi và vợ tôi phát tâm tìm thuốc ủng hộ lại cho phòng khám giúp đỡ bà con”.

Do lượng dược liệu ngày càng khan hiếm nên ông phải đi nhiều nơi xa để tìm. “Có lần tôi đi đến Bạc Liêu để tìm thuốc, mải mê tìm ở nhiều nơi tôi đi lạc, đói rã rời, cũng may tìm thấy ngôi chùa, tôi đến đó xin bát cơm để ăn, mới có đủ sức chạy về nhà. Cũng có nhiều lúc phải lặn lội đến những nơi hoang sơ ít người đặt chân tới, phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị rắn cắn, đạp phải gai nhọn, cỏ cây cắt da thịt… nhưng những nơi đó mới có nhiều dược liệu lâu năm, quý hiếm. Tôi chỉ hy vọng có sức khỏe để tôi tiếp tục công việc thiện nguyện này”, ông Hạnh trải lòng.

Khi tìm được dược liệu phải mất 10 ngày để chặt cây chở về và 5 ngày sơ chế. Không chỉ bỏ công tìm thuốc, ông còn bỏ tiền thuê ghe để chở thuốc, đổ xăng để chuyển thuốc đến giao cho phòng khám. Mỗi tháng, ông đều cung cấp vài trăm kí dược liệu khô giúp cho phòng khám có nguồn dược liệu dồi dào chữa bệnh. Thấy được việc làm thiện nguyện của ông nên nhiều bà con xung quanh cũng chung tay góp sức để tham gia tầm thuốc và chặt dược liệu.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (Ba Phúc, 70 tuổi, ngụ phường Cái Khế), chủ phòng khám từ thiện, nơi ông Hạnh cung cấp dược liệu miễn phí, cho biết: “Nhìn thấy ông Hạnh dãi nắng dầm mưa suốt ngày, lặn lội nhiều nơi xa để tìm thuốc tôi xót xa lắm. Lắm lúc tôi nghĩ, nếu tôi là ông Hạnh tôi cũng không đủ kiên trì để đi tìm thuốc như vậy. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn vô cùng tích cực với công việc thiện nguyện này. Nhờ ông Hạnh, phòng khám từ thiện lúc nào cũng đầy đủ thuốc để giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân nghèo, những người mắc bệnh nan y không có tiền chạy chữa”.

Ông Nguyễn Văn Thêm (64 tuổi, Chi Hội trưởng chi hội Chữ thập đỏ khu vực Thạnh Hòa) cho biết: “Người dân ở địa phương rất quý trọng ông Hạnh bởi nghĩa cử cao đẹp của ông. Công việc thiện nguyện của ông Hạnh tạo sức lan tỏa rất lớn trong địa phương, nhiều bà con thấy công việc ý nghĩa cũng góp công, góp sức để hỗ trợ ông và làm theo. Đây là một tấm gương người tốt, việc tốt rất đáng để học hỏi và noi theo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.