Hơn 126.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM

GD&TĐ - Sáng 30/3, khoảng 126.000 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 năm 2025 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Đây là kỳ thi có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất trong suốt 8 năm qua. TPHCM dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi với hơn 51.000 em.

Theo thống kê của Đại học Quốc gia TPHCM, số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 128.338 em; tỷ lệ dự thi là 98,42% (hơn 126.000 thí sinh).

Năm nay, kỳ thi được tổ chức tại 118 điểm thi, phân bố trên 25 tỉnh, thành phố, bao gồm Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk và TPHCM.

Kỳ thi năm nay có sự phối hợp của 55 cơ sở giáo dục.

dsc06348-6316.jpg
Thí sinh được kiểm tra giấy báo dự thi tại cổng điểm thi. Ảnh: Mạnh Tùng
gdnl2.jpg
Nhóm nữ sinh trao đổi trước giờ vào phòng thi. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại các điểm thi, thí sinh có mặt từ sớm. Do điểm thi phân bố rộng khắp nên thí sinh không cần di chuyển quãng đường quá xa.

Ghi nhận tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM (TP Thủ Đức), từ 6h30, hàng trăm thí sinh đã đến khu vực thi.

Phần lớn thí sinh tỏ ra thoải mái trước kỳ thi, trong khi một số em tỏ ra căng thẳng. Nhiều nhóm thí sinh bàn luận sôi nổi về đề thi minh họa, dự đoán nội dung bài thi.

Một nhóm nữ sinh đến từ Trường THPT Linh Trung (TPHCM) tham dự thi ĐGNL với nguyện vọng vào các trường thuộc nhóm ngành Kinh doanh, Quản lý thuộc các Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM); Trường Đại học Công Thương TPHCM...

"Có khá nhiều lựa chọn vào các trường với phương thức xét điểm thi ĐGNL nên chúng em sẽ tận dụng tốt cơ hội này", một nữ sinh chia sẻ.

Nguyễn Đức Hùng (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, em đã nỗ lực ôn tập với mục tiêu đạt trên 900/1.200 điểm để xét tuyển vào ngành Logistics và Hệ thống Công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).

Đến từ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bình Dương), Trần Phan Ngọc Anh dự định đặt nguyện vọng 1 ngành Quản lý hoạt động bay, Học viện Hàng không Việt Nam.

"Em không lo lắng trước kỳ thi này mà xem nó như một cơ hội vào đại học, bởi em sẽ xét tuyển bằng nhiều phương thức khác", nam sinh chia sẻ.

dsc06372.jpg
Thí sinh quên mang giấy báo dự thi hoặc có sai sót thông tin cá nhân được điều chỉnh tại điểm thi. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại sảnh chính của điểm thi, cán bộ được phân công giải quyết các trường hợp quên giấy báo dự thi, điều chỉnh thông tin hoặc xử lý các vấn đề phát sinh.

Khoảng 7h30, giám thị gọi thí sinh vào phòng thi và phổ biến quy chế.

Theo quy định, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng như bút viết, bút chì đen, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính và máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, gửi nhận thông tin, ghi âm, ghi hình hay thẻ nhớ.

Thời gian làm bài từ 8h30 đến 11h.

dsc06421.jpg
Thí sinh được gọi tên vào phòng thi tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: Mạnh Tùng
diem-thi-khtn.jpg
Thí sinh vào phòng thi tại điểm thi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cơ sở Linh Trung, TP Thủ Đức. Ảnh: ĐHQG-HCM

Đây cũng là năm đầu tiên học sinh tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, với sự thay đổi trong cách tổ chức môn học theo hướng lựa chọn theo năng lực và định hướng nghề nghiệp.

So với các năm trước, đề thi năm nay có điều chỉnh đáng kể. Nếu trước đây, phần Giải quyết vấn đề bao gồm nhiều môn học như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, thì nay đã được cấu trúc lại thành phần "Tư duy khoa học".

Nội dung này đánh giá khả năng tư duy logic và suy luận khoa học của thí sinh khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.

Đề thi ĐGNL gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Thang điểm cho bài thi là 1.200.

Năm 2025, hơn 100 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trung úy Đỗ Văn Linh giảng dạy cho hàng nghìn học sinh trên cả nước. Ảnh: NCCC

Lớp học 0 đồng của Trung úy Công an

GD&TĐ - Với trên 250 nghìn người theo dõi, gần 3 triệu người truy cập mỗi tháng, Fanpage “Ôn thi cùng Linhteacher99” trở thành lớp học online môn Văn miễn phí của nhiều giáo viên và học sinh trong cả nước.

Minh họa/INT

Môi trường số an toàn

GD&TĐ - “Bình dân học vụ số” phải là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là mệnh lệnh của trái tim, là tư duy thông minh của khối óc, hành động quyết liệt của mỗi người dân...