Hơn 116.000 học sinh Hà Nội 'tập dượt' cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Sáng 5/4, hơn 116.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội bắt đầu làm bài khảo sát chất lượng, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thí sinh nghiêm túc làm bài khảo sát.
Thí sinh nghiêm túc làm bài khảo sát.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 273 điểm trường tổ chức khảo sát với trên 116.000 học sinh lớp 12 đăng ký tham dự, bao gồm cả học sinh trường công lập, tư thục và Trung tâm GDNN-GDTX. Các nhà trường đã bố trí 4.850 phòng thi với gần 12.200 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, giám sát.

Sáng 5/4, trước giờ làm bài môn Ngữ văn, đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội do Giám đốc Sở Trần Thế Cương dẫn đầu đã có mặt tại Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) kiểm tra công tác tổ chức và nhắc nhở cán bộ, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo đảm kỳ khảo sát diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực chất.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, phụ trách điểm khảo sát - cho biết: Điểm khảo sát Trường THPT Phan Đình Phùng có 32 phòng thi với 749 thí sinh, là học sinh của hai Trường THPT Phan Đình Phùng và THPT Hoàng Long. Công tác coi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề, bài kiểm tra được thực hiện theo quy chế thi tốt nghiệp.

"Các nhà trường đều xác định đây là cuộc tập dượt không chỉ với học sinh mà còn với cả với từng cán bộ, giáo viên để có thêm kinh nghiệm khi tham gia làm nhiệm vụ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tới", ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức khảo sát tại Trường THPT Phan Đình Phùng.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức khảo sát tại Trường THPT Phan Đình Phùng.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của điểm thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, kỳ khảo sát học sinh lớp 12 là đợt tập dượt quan trọng giúp học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, được Sở GD&ĐT Hà Nội duy trì đã nhiều năm nay và là điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô.

Kỳ khảo sát hướng đến 2 mục đích: thứ nhất là để xác định năng lực thực tiễn của học sinh ở từng môn, từ đó có giải pháp, cách thức cụ thể, phù hợp từng đối tượng học sinh, giúp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai, kỳ khảo sát là bước rà soát, kiểm tra các điều kiện của các điểm thi để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng diễn ra nhưng mỗi năm lại có những khác biệt vì vậy công tác triển khai thực hiện có vai trò rất quan trọng. Sở GD&ĐT đề nghị các thầy cô làm công tác coi thi, giám sát phát huy hết tinh thần trách nhiệm và không chủ quan trong mọi tình huống”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Học sinh làm bài khảo sát môn Ngữ văn.

Học sinh làm bài khảo sát môn Ngữ văn.

Hoàn thành bài khảo sát môn Ngữ văn trong sáng 5/4, em Trần Phương Thanh, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) cho biết, dù biết không lấy điểm nhưng em vẫn làm bài với sự nỗ lực tối đa. Qua đó, giúp em biết được khả năng của bản thân, từ đó sắp xếp thời gian ôn tập khoa học trong thời gian từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn ra.

Còn Vũ Tuấn Kiệt, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho rằng, các bài khảo sát của thành phố Hà Nội rất có ý nghĩa, giúp em có cơ hội làm quen với dạng đề, cấu trúc đề, mức độ kiến thức trong đề. Làm bài Ngữ văn không được tốt nhưng em vẫn cảm thấy may mắn khi biết được “lỗ hổng” kiến thức của bản thân để kịp thời tăng tốc.

Trong kỳ khảo sát này, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khảo sát 5 bài kiểm tra gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong các bài kiểm tra này, chỉ có môn Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận, các môn còn lại làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đề kiểm tra do Sở GD&ĐT Hà Nội soạn thảo theo cấu trúc tương tự đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện tương tự như ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT như in sao đề kiểm tra, học sinh ngồi theo số báo danh, đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn, bài thi được rọc phách, chấm chéo.

Các học sinh lớp 12 sẽ tham gia khảo sát theo lịch. Cụ thể, sáng 5/4 khảo sát bài thi Ngữ văn (120 phút), chiều 5/4 bài thi Toán (90 phút), sáng 6/4 khảo sát bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (mỗi bài thi 150 phút), chiều 6/4 khảo sát bài thi Ngoại ngữ (60 phút).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...