(GD&TĐ)- Được xây dựng trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2013).
Luật Giáo dục Đại học gồm 7 chương, 73 điều, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Tư tưởng xuyên suốt của Luật Giáo dục đại học là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Mặc dù chính thức có hiệu lực từ hôm nay nhưng một số quy định trong Luật Giáo dục đại học đã được Bộ GD&ĐT triển khai ngay từ khi Luật được Quốc hội thông qua, như việc giao cho các cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đảm bảo chất lượng quy định hay việc thẩm định mở ngành, việc tổ chức đào tạo sau đại học,…
Hiện nay Bộ GD&ĐT đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học cũng như đang soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật mới và điều chỉnh các văn bản hiện hành cho phù hợp với yêu cầu của Luật Giáo dục đại học.
Liên quan đến quyền tự chủ đại học, hiện Bộ đang xây dựng các văn bản gồm: tiêu chí cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, thông tư quy định về tổ chức kiểm định chất lượng, hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo đúng chức năng quy định.
Lập Phương