Hội thảo về chuyển đổi số trong hoạt động tài chính

GD&TĐ - Ngày 30/11, Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nền kinh tế số” thông qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

 PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý các ngân hàng thương mại, luật sư và những giảng viên, học viên nghiên cứu và quan tâm trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mục tiêu của Hội thảo là tạo diễn đàn để các chuyên gia trình bày, trao đổi các nghiên cứu của mình về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập đang là rào cản cho quá trình phát triển của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nước.

Đồng thời, Hội thảo hướng tới mục tiêu tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường sự hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài chính – tiền tệ, quản trị rủi ro một cách hiệu quả và bảo vệ hợp lý quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia.

Hội thảo được chia thành 2 phiên làm việc, gồm 3 bài tham luận được trình bày tại mỗi phiên, được nghiên cứu dưới góc độ kinh tế - tài chính và góc độ pháp lý.

Phiên thảo luận thứ nhất diễn ra với các bài tham luận khai thác chủ đề hội thảo từ những khía cạnh khác nhau và mang đậm giá trị thực tiễn, trong đó vấn đề về phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là những nội dung được Hội thảo đặc biệt quan tâm thảo luận.

Một đại biểu phát biểu dưới hình thức trực tuyến
Một đại biểu phát biểu dưới hình thức trực tuyến

GS.TS.Trần Hùng Sơn - Giám đốc Tung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính, Trường ĐH Kinh tế-Luật, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh (IBT) qua bài viết “Tác động của tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) đến chính sách tiền tệ và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, đã đưa ra các vấn đề về phát triển CBDC trên thế giới, tuy nhiên cần xem xét sâu hơn những vấn đề đặt ra với Việt Nam như nghiên cứu và phát hành CBDC, hình thức thanh toán và mức độ hiện đại của hệ thống thanh toán ở nước ta, việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, các vấn đề rào cản công nghệ, phát triển CBDC để thúc đẩy phát triển công nghệ cao, nền tảng kinh tế số và hỗ trợ thống kê trong khu vực chưa quan sát cũng cần được nghiên cứu thêm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy – Trưởng Khoa Quản trị, Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh, việc ngân hàng trung ương sẽ thực hiện việc chuyển đổi từ tiền mặt sang tiền kỹ thuật số vào nền kinh tế như thế nào là một trong những vấn đề tiên quyết cần phải giải quyết khi triển khai và phát triển CBDC tại Việt Nam.

Về góc độ pháp lý, các bài tham luận được trình tại phiên thảo luận thứ hai bao gồm: “Tiền ảo – nhìn nhận từ góc độ kinh tế và pháp lý”; “Quản lý tài sản ảo: Một số gợi ý về chính sách pháp luật cho Việt Nam”; “Những vấn đề pháp lý về hoạt động thanh toán điện tử qua tài khoản ngân hàng trong nền kinh tế số”.

Chủ trì phiên thứ hai của Hội thảo, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết cần có sự thống nhất các thuật ngữ để từ đó đưa ra quy định pháp luật phù hợp.

Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình cho rằng ba thuật ngữ “tài sản ảo”, “tiền ảo” và “tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương” là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau, trong đó ngân hàng trung ương với nhiệm vụ phát hành tiền kỹ thuật số sẽ giữ vai trò chủ đạo, đồng thời là trung tâm thanh toán nhưng vẫn giữ vai trò độc lập so với các ngân hàng thương mại.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo “Khía cạnh kinh tế và pháp lý của hoạt động tài chính – tiền tệ trong nền kinh tế số” là sự kết hợp nghiên cứu liên ngành giữa kinh tế và pháp lý với chủ thuyết xuất phát từ việc am hiểu các vấn đề kỹ thuật, các yếu tố kinh tế của việc áp dụng công nghệ số vào quá trình thực hiện hoạt động tài chính – tiền tệ.

Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật phù hợp với tính chất và đặc thù của các quan hệ kinh tế này nhằm hạn chế rủi ro và thúc đẩy các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ ngày càng phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.