Hội thảo Khung chính sách quốc gia về học tập suốt đời ở một số quốc gia ASEAN

Hội thảo Khung chính sách quốc gia về học tập suốt đời ở một số quốc gia ASEAN

(GD&TĐ) - Sáng nay 10/1/2013, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Viện Học tập Suốt đời UNESCO (UIL) và UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về Khung Chính sách Quốc gia về Học tập Suốt đời với sự tham dự của đại diện 7 quốc gia khu vực ASEAN. 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đồng thời là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập; bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; các chuyên gia thuộc Viện học tập suốt đời UNESCO; 150 đại biểu tham dự hội thảo thuộc các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, viện nghiên cứu và các trường đại học, đại diện cấp tỉnh, thành phố; hơn 20 đại biểu thuộc các quốc gia Đông Nam Á và 20 đại biểu thuộc các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực học tập suốt đời. 

Phát biểu khai mạc tại hội thảoThứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Xây dựng xã hội học tập gắn với việc học tập suốt đời cho mọi người là một xu thế tất yếu của quá trình của nhân loại, nhất là trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, hội nhập, toàn cầu hóa. Nhận thức được điều này, năm 2005 Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2005- 2010 và bước đầu thu được một số kết quả khả quan, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cả nước trở thành một XHHT.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Chính phủ VIệt Nam tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng Đề án XHHT đến năm 2020 với quan điểm: trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để: Làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; góp phần phát triển quên hương, đất nước và nhân loại. Trong đó, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình trong việc cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện  thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.

Như vậy, xây dựng XHHT không chỉ của riêng ngành GD mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành  và của toàn xã hội. Đề án được xây dựng với 4 nhóm mục tiêu cơ bản là: xóa mù chữ và phổ cập GD; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn...

Trong quá trình diễn ra hội thảo trong thời gian 2 ngày, các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và những người làm công tác chuyên môn từ các quốc gia Đông Nam Á sẽ cùng nhau: chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện đề xuất khung chính sách quốc gia học tập suốt đời; xác định các chiến lược hiệu quả và bài học thu được trong việc thiết lập hệ thống học tập suốt đời; xây dựng một văn bản vận động chính sách cấp khu vực về chính sách và chiến lược học tập suốt đời; xây dựng một kế hoạch hành động về hợp tác Nam – Nam trong khu vực để triển khai các chính sách và chiến lược quốc gia về học tập suốt đời. 

Tài liệu vận động chính sách này cũng sẽ đóng góp cho Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC) tới đây, diễn ra từ ngày 19-21/ 3/2013. Hội nghị cấp cao này sẽ do Bộ GD&ĐT Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội và trong đó bao gồm một Diễn đàn Chính sách mang tên “Học tập suốt đời – Chính sách và Tầm nhìn”. Hội thảo này được tổ chức đúng vào thời điểm mà Việt Nam vừa mới đảm nhiệm trọng trách Tổng thư ký ASEAN giai đoạn 2013-2017. 

Tại hội thảo, Bà Katherine Muller Marin- Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã chỉ ra: Giáo dục chính là hạt nhân của quá trình phát triển của ASEAN vì nó hướng tới việc tạo nên một bản sắc chung và “xây dựng một xã hội đoàn kết và nhân văn, mang đậm tinh thần hòa nhập, nơi đó niềm hạnh phúc, sinh kế và phúc lợi của mọi người dân đều được nâng lên”. Đồng thời, giáo dục cũng là phương tiện để nâng cao nhận thức về ASEAN, và tạo nên một ý thức sở hữu trong một Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN cũng như hiểu rõ sự phong phú về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và các giá trị chung của ASEAN và về những giá trị đặc trưng của từng quốc gia nói riêng... 

Việt Nam, một thành viên tích cực của ASEAN, cũng đã có những bước tiến dài trong công cuộc đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo cũng như hướng tới xây dựng xã hội học tập của đất nước. UNESCO rất tự hào là đối tác chiến lược trong quá trình này, đặc biệt là hỗ trợ việc xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” thông qua việc cung cấp các báo cáo nghiên cứu so sánh quốc tế và thúc đẩy phương pháp xây dựng tầm nhìn ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố nhằm xác định đặc điểm mong muốn về công dân học tập và xã hội học tập cần đạt được. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ quá trình này, nhất là việc xây dựng kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa những mong muốn trên.

Bà Katherine Muller Marin cũng khẳng định: Việc cùng nhau xây dựng một tài liệu vận động chính sách trong quá trình diễn ra hội thảo này sẽ là một đóng góp cụ thể và quan trọng cho sự kiện SEAMEC 47 tới đây, thể hiện một bước tiến trong tiến trình phát triển của ASEAN, vượt ra ngoài khuôn khổ của một hiệp hội các quốc gia để vươn tới một hiệp hội các xã hội học tập tại một khu vực học tập ở quy mô lớn hơn...

Nguyên Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ