Hội thảo do TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chủ trì. Đồng chủ trì gồm: TS Lê Thị Thảo - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT; TS Phan Bá Lê Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Lắk).
Tham dự có ông Trần Doãn Tới - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk; các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; lãnh đạo các đơn vị, trường học tại Đắk Lắk.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu thảo luận, chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 tại các trường học ở Tây Nguyên.
Báo cáo đề dẫn, TS Lê Thị Thảo khẳng định: "Nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp học sinh nhận thức một cách đầy đủ về giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường đều có khả năng tích hợp giáo dục giá trị di sản văn hóa Tây Nguyên nhằm khơi dậy ở học sinh lòng biết ơn, niềm tự hào, ý thức và kỹ năng ứng xử tử tế với thiên nhiên, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc".

Tham luận, thảo luận tại Hội thảo, các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên đến từ các trường học đều thống nhất quan điểm, trường học là môi trường lý tưởng để giáo dục cho học sinh về các giá trị văn hóa Tây Nguyên.
Theo cô H' Nỗn Knul, giáo viên Trường Tiểu học Y Jút (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), để triển khai hiệu quả, cần lồng ghép nội dung văn hóa địa phương vào chương trình học ở các môn phù hợp. Trong đó, tài liệu, thiết bị trực quan là yếu tố then chốt. "Dạy cho học sinh về cồng chiêng thì phải có cồng chiêng để thực hành. Dạy phong tục thì đưa các em đến các buôn, làng tham gia sinh hoạt chung...", cô H' Nỗn Knul nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tất Thịnh (Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ và Tây Nguyên) cho rằng, việc giáo dục các giá trị văn hóa Tây Nguyên ở các trường học đang gặp nhiều khó khăn. Ngành chức năng, các nhà trường cần có nhiều giải pháp đồng bộ gắn với chế độ hỗ trợ người dạy hợp lý.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột cũng nhận định, để tránh mai một và thất truyền các giá trị văn hóa truyền thống, việc gắn liền với mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh là yêu cầu cấp thiết.
Ông Trần Doãn Tới, cũng cho rằng, Văn hóa Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng, gắn kết chặt chẽ với buôn, làng và đặc trưng luật tục, lễ hội đặc sắc, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, kiến trúc nhà truyền thống,...

"Nhà trường chính là cái nôi ươm mầm của thế hệ trẻ, là nơi giáo dục, truyền tải những tri thức cốt lõi về mọi mặt trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc giáo dục giá trị di sản văn hóa trong trường học không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức về lịch sử, địa lý hay các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn là quá trình bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu này cho các thế hệ mai sau", ông Tới nhấn mạnh.
TS Đỗ Tường Hiệp đánh giá: Hội thảo khoa học giáo dục giá trị di sản văn hóa Tây Nguyên có 6 tham luận và hàng chục ý kiến thảo luận trực tiếp.
Các ý kiến đều xoay quy việc lồng ghép, tích hợp hoạt động giáo dục này vào nội dung bài học ở các môn học sao cho phù hợp, hiệu quả. Điều này thể hiện trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học trong việc tìm giải pháp thiết thực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ở vùng Tây Nguyên.