Hội thảo với sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo tỉnh cùng các chuyên gia, các đơn vị, doanh nghiệp chuyên lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của Vĩnh Long. Ông Trần Tuấn Cường, đại diện Viettel Vĩnh Long chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp và mong muốn đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Long trong các hoạt động chuyển đổi số trong thời gian tới đây. Đại diện VNPT cũng có bài tham luận giới thiệu một số sản phẩm và giải pháp đang được tập đoàn triển khai trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, giáo dục, y tế...
Trong bài phát biểu của mình từ đầu cầu Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã minh hoạ sinh động bằng những sản phẩm, tiện ích cụ thể mà chuyển đổi số mang lại cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân ở tỉnh Vĩnh Long. Ở một khía cạnh cụ thể hơn, tham luận của Công ty Giải pháp số Toàn cầu lại đi sâu vào giới thiệu các công cụ và lợi ích của việc số hoá các tài liệu của địa phương để phục vụ chuyển đổi số. Ngoài ra, hội thảo còn có các tham luận, kinh nghiệm quốc tế hay do các chuyên gia từ Singapore và Đài Loan kết nối, chia sẻ trực tuyến.
Hội thảo với nhiều nội dung quan trọng về các vấn đề như chuyển đổi số quốc gia và định hướng tại Vĩnh Long, bàn về các giải pháp, công nghệ cùng những kinh nghiệm. Qua đó đề xuất giải pháp triển khai chuyển đổi số cho tỉnh Vĩnh Long.
Theo thông tin từ Báo Vĩnh Long, thời gian qua tỉnh này đã ban hành nhiều văn bản quan trọng làm nền tảng pháp lý triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Hướng tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hoàn thiện các hạng mục của dự án xây dựng chính quyền điện tử, song song với chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, hạ tầng ứng dụng CNTT từng bước được hoàn thiện, dịch vụ bưu chính, viễn thông được phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn diện, cung cấp kịp thời nhiều dịch vụ chất lượng cao, hữu ích cho xã hội, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Trên cơ sở đó, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh từng bước hình thành tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, cụ thể như phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công của tỉnh, cổng/trang thông tin điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt 100%, sàn giao dịch thương mại của tỉnh, phần mềm quản lý năng lượng, cơ sở dữ liệu công chứng, cơ sở dữ liệu nền doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hệ thống thông tin lý lịch tư pháp, phần mềm quản lý đất đai VLAP, hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc, phần mềm cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách nhà nước, phần mềm quản lý lĩnh vực tài chính, lao động- thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn…