(GD&TĐ) - Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) vừa tổ chức hội thảo Dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra dành cho các trường thành viên Đại học Đà Nẵng. Tiếp thu ý kiến góp ý, xây dựng từ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý nhằm hoàn thiện nội dung Chương trình tiếng Anh tăng cường cho các trường ĐH, CĐ thành viên ĐH Đà Nẵng, với mục tiêu sinh viên phải đạt chuẩn trình độ tiếng Anh B1 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ Châu Âu (CEFR).
Hội thảo Dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra dành cho các trường thành viên Đại học Đà Nẵng |
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều bày tỏ rằng, hiện nay tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn gặp nhiều hạn chế về trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng mềm và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, chương trình dạy tiếng Anh đang sử dụng tại các trường ĐH, CĐ thành viên không thống nhất với mục tiêu mà sinh viên cần phải đạt trong kỳ thi TOEIC đầu ra, nên động cơ học tập của sinh viên không cao. Vì vậy, chương trình với 105 tiết tiếng Anh theo quy định của Bộ GD&ĐT không thể đáp ứng nhu cầu học tập của SV.
Chương trình Dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra dành cho các trường thành viên Đại học Đà Nẵng do Trường ĐH Ngoại ngữ biên soạn và xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu đã được Hội thảo đánh giá, thống nhất cao. Chương trình với 400 tiết từ cấp độ A1 đến B1, tập trung vào 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) nhằm giúp sinh viên trau dồi thêm khả năng sử dụng tiếng Anh nhằm đạt trình độ B1 như đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đề ra. Đồng thời, vừa làm nền tảng cho việc liên thông giữa các cấp học trong việc dạy và học ngoại ngữ, vừa tạo cơ sở cho công tác kiểm tra, đánh giá chuẩn mục theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ ý kiến băn khoăn về những khó khăn của điều kiện CSVC, đội ngũ GV và trình độ đầu vào của SV các trường có sự chênh lệch khá lớn.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng được nội dung chương trình dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra dành cho các trường thành viên ĐH Đà Nẵng chỉ mang tính kết quả ban đầu. Điều cơ bản có tính quyết định nhất đến việc nâng cao chất lượng giáo dục vẫn là phương pháp giảng dạy của GV và cách học của SV.
Đại Khải