Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; các bộ, ban, ngành, 63 địa phương tại các đầu cầu, các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều biến động, nhất là tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường đòi hỏi “chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra các phương pháp, hướng đi, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, cũng như trung và dài hạn”. Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta và được cụ thể hóa phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu 30 năm đổi mới đất nước và ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế tới văn hóa, xã hội quốc phòng an ninh đối ngoại và các lĩnh vực khác.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các Báo cáo tổng quan về Hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2014 - 2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2014 - 2019 và trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác giai đoạn 2014 - 2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác đến năm 2021…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần chú trọng tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động, sáng tạo, hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững. Chủ đề thảo luận hôm nay yêu cầu rất rõ nét về việc đã hội nhập rồi thì cần phải tăng cường, phải chủ động, vì sự phát triển nhanh và bền vững, chứ không phải lúc trồi, lúc sụt như một vài năm chúng ta đã vấp phải. Một mặt Ban Chỉ đạo cũng nêu hội nhập với quy mô, tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước, nhưng mặt khác chúng ta không thể chờ đợi nhìn những thời cơ lần lượt trôi qua, mà vấn đề quan trọng là nắm bắt thời cơ”…