Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, 51 công trình NCKH tiêu biểu được chọn để báo cáo tại Hội nghị đã được lựa chọn trong hàng trăm đề tài từ Hội nghị SV NCKH của các trường, đã vượt qua vòng sơ loại với 112 đề tài thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ Tài chính, Kế toán đến Quản trị kinh doanh, Marketing, Thương mại, Du lịch đến Thống kê, Luật…
Hội nghị SV nghiên cứu khoa học toàn quốc lần thứ IV các trường khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh, năm 2016 có 6 tiểu ban với 12 hội đồng đánh giá thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, “Giảng dạy và NCKH là hai hoạt động chính của giáo dục đại học.
Xem nhẹ một trong hai hoạt động này sẽ dẫn đến sự xa rời mục tiêu đào tạo. NCKH không chỉ tạo ra những sản phẩm mới phục vụ sản xuất và đời sống mà còn góp phần quan trọng trong phát triển năng lực tư duy của SV”.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT và tự động hóa ngày nay đã làm thay đổi nhanh hóng sản xuất và đời sống, Điều này đòi hỏi người lao động phải cập nhật thường xuyên kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc mới.
Hội nghị là diễn đàn bổ ích giúp lãnh đạo các trường, các GV, SV gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về các nội dung, giải pháp, kinh nghiệm tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào SV NCKH trong nhà trường. |
“Nhà trường chỉ có thể cung cấp những kiến thức hết sức căn bản, những quy luật nền tảng của tự nhiên và xã hội, trên cơ sở đó người học vận dụng vào thực tiễn.
Vì thế việc giảng dạy phải kết hợp chặt chẽ với NCKH để trang bị cho SV phương pháp tư duy logic, kinh nghiệm xử lý tình huống để thích nghi với môi trường công tác biển đổi” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng thừa nhận thực tế trong những năm qua, công tác NCKH ở các trường ĐH nước ta chưa được quan tâm đúng mức. “Một phần vì CSVC, phương tiện phục vụ nghiên cứu còn thiếu thốn. Phần khác vì GV lo giảng dạy quá nhiều giờ, không còn thời gian NCKH; phần nữa vì chính sách, cơ chế chưa có sự ràng buộc GV và nhà trường phải thực hiện NCKH.
Vì thế, tuy chúng ta đã có nhiều nỗ lực đổi mới chương trình giảng dạy nhưng kiến thức, phương pháp tư duy chậm được cập nhật. Môi trường đó khó để đào tạo được những SV năng động, có phương pháp tư duy nhanh, là yêu cầu cần thiết của người lao động trong thời đại ngày nay.
Thực tiễn này cần được thay đổi. Đây là một nhiệm vụ nặng nề trong điều kiện nguồn lực của nhà trường còn hạn chế, sự hỗ trợ của doanh nghiệp cho NCKH của các trường trở thành nhiệm vụ thường xuyên”.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, gần đây đã có nhiều trường ĐH đã đầu tư đáng kể để hiện đại hóa CSVC, phát triển hợp tác quốc tế, đào tạo đội ngũ, tạo nên phong trào NCKH rộng rãi trong GV, SV.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách, chủ trương kịp thời khuyến khích đẩy mạnh công tác NCKH… “Những cơ sở giáo dục không có sự gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy và NCKH sẽ rơi và những trường xếp hạng thấp, chất lượng đào tạo không đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, khó thu hút được SV do cơ hội việc làm hạn chế” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.