Hội nghị cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8: Xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh và phát triển bền vững

GD&TĐ - Sáng 26/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya -Mekong (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào -Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 đã chính thức khai mạc.  

Hội nghị cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8: Xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh và phát triển bền vững

Dự lễ khai mạc có: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; Tổng thống Myanmar Htin Kyaw; Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak; Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc; Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương Shamshad Akhtar; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu tham dự các Hội nghị. Theo Thủ tướng, sau hơn một thập kỷ hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp, hòa bình và ổn định ở khu vực. Các nước Mekong đã trở thành động lực quan trọng của kinh tế Đông Nam Á và được đánh giá là một trong những khu vực tăng trưởng năng động hàng đầu trên thế giới.

“Kết quả đạt được nêu trên thể hiện quyết tâm và nỗ lực của 5 nước chúng ta và đó cũng là kết quả của sự hỗ trợ to lớn, hợp tác hiệu quả của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là ASEAN. Chúng ta xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ quý báu đó” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta đang đứng trước những cơ hội phát triển thuận lợi cho sự phát triển của CLMV và ACMECS. Trong các Hội nghị hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận về môi trường phát triển mới và thống nhất các nội dung và biện pháp hợp tác để xây dựng một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh, phát triển bền vững và bao trùm.

“Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác CLMV và ACMECS, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như các đối tác phát triển, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực” - Thủ tướng khẳng định.

Phát biểu tại lễ khai mạc các Hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, Hội nghị ACMECS 7 và CLMV 8 mang đến cơ hội để các nước trong khu vực tái khẳng định cam kết tăng cường mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa các quốc gia. Cũng theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen, 2 cơ chế hợp tác ACMECS và CLMV mang đến cơ hội thúc đẩy hợp tác và kết nối trong khu vực cũng như thúc đẩy tình đoàn kết trong Cộng đồng chung ASEAN đặc biệt là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và tạo ra sinh kế cho người dân trong khu vực.

Về phần mình, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định vai trò tiên phong của nước chủ nhà Việt Nam trong việc đề xuất rất nhiều chương trình nghị sự quan trọng trong khuôn khổ 2 Hội nghị lần này. Thủ tướng Thongloun Sisoulith cũng bày tỏ cảm ơn các đối tác, các tổ chức tài chính quốc tế và Ban Thư ký ASEAN vì đã hỗ trợ nhiệt tình cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw nhấn mạnh, các nước khu vực Mekong từ lâu đã có truyền thống hợp tác chặt chẽ, cùng chia sẻ với nhau giấc mơ về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Ông bày tỏ tin tưởng, bằng việc hợp tác chặt chẽ với nhau, các quốc gia trong khu vực có thể vượt qua những thách thức lớn lao mà từng quốc gia riêng rẽ có thể không giải quyết nổi.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak nêu rõ con người là nhân tố quan trọng nhất góp phần định hình tương lai phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong khu vực. Theo ông, mục tiêu phát triển của khu vực cần phải đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và mang lại lợi ích cho nhân dân của tất cả các quốc gia trong khu vực. Việc cải thiện điều kiện sống cho người dân phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong phát triển khu vực một cách bền vững.

Trước đó, ngày 25/10, cũng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong 2016 (WEF - Mekong 2016) đã được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak.

Hội nghị WEF - Mekong là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mekong ủng hộ. Đây là lần đầu tiên, WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong, cho thấy sự quan tâm của các tập đoàn thành viên WEF đối với tiềm năng phát triển của khu vực này. Thành công của WEF -Mekong mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu tăng cường đầu tư vào khu vực WEF - Mekong, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phát triển và hội nhập trong khu vực WEF - Mekong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.