Hồi ký - Tự truyện: Chuyện đời tư hay trào lưu xã hội

GD&TĐ - Những năm qua, hồi ký, tự truyện đang dần trở thành một “hiện tượng” trong lĩnh vực xuất bản, khi tạo dư luận từ những câu chuyện đời tư. Không ít cuốn lọt vào nhóm sách bán chạy với con số phát hành khiến nhiều tác giả văn học phải mơ ước. Tuy nhiên, để tự truyện có thể trở thành “tác phẩm”, sống với thời gian là thách thức đối với người viết.

Hồi ký - Tự truyện: Chuyện đời tư hay trào lưu xã hội

Bùng nổ thể loại tự truyện

Thời gian gần đây, xu hướng người nổi tiếng xuất bản sách hồi ký - tự truyện ngày càng nhiều. Mở đầu trào lưu là tự truyện “Lê Vân - Yêu và Sống”, sau đó là hồi ký “Thương Tín - Một đời giông bão”, hồi ký Sơn Nam.

Những tác phẩm hồi ký - tự truyện đáng đọc và có chiều sâu như “Tâm thành và Lộc đời” của NSƯT Thành Lộc, “Đằng sau những nụ cười” của ca sĩ Khánh Ly, “Chuyện tình không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Cung đàn số phận”của nhạc sĩ Lộc Vàng... cùng các hồi ký nổi tiếng của các tên tuổi như GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy.

Ngay cả các nghệ sĩ trẻ cũng bắt đầu viết tự truyện - hồi ký như Hương Giang Idol với “Tôi vẽ chân dung tôi”, Đức Phúc với “I believe i can fly”, Sơn Tùng MTP với “Chạm tới giấc mơ” hay Hoàng Thùy Linh với “Vàng Anh và Phượng Hoàng”. Mới đây nhất là cuốn “Tự truyện Lê Công Vinh - Phút 89” khiến cựu danh thủ bị chính các đồng nghiệp trong giới lên án gay gắt khi lôi ra hàng loạt chuyện hậu trường trong quãng đời “quần đùi, áo số”.

Chia sẻ về sự bùng nổ của các tác phẩm tự truyện, trong buổi tọa đàm “Hồi ký - tự truyện: Chuyện đời, chuyện nghề hay trào lưu xã hội”, nhà báo Lê Anh Hoài cho rằng, thị trường sách tự truyện đang phát triển ở Việt Nam, điều đó chứng tỏ yếu tố con người cá nhân hiện nay đang bùng nổ, nó là nhu cầu rất lớn. Thực sự trào lưu này ẩn đằng sau nó là ý thức về dân chủ, có thể nói đó là tự do ngôn luận.

Đồng quan điểm về sự cởi mở hơn với thể loại tự truyện, TS Trần Ngọc Hiếu - giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội - cho biết, một thời chúng ta thường nghĩ chỉ có ngôi sao hay tướng lĩnh mới viết hồi ký, tự truyện. Thế nhưng ngày nay, thể loại này lại cởi mở hơn. Gần đây là sự xuất hiện tự truyện của các ngôi sao, hay tự truyện của người đồng tính… sự hấp dẫn của tự truyện đôi khi nằm trong những góc khuất của đời sống cá nhân. Thế nhưng thông qua những câu chuyện đó, ta nhận ra bức tranh lịch sử khá đa dạng.

Giới hạn của sự thật đến đâu?

Về nghĩa tích cực, tự truyện khắc họa chân dung một cá nhân từ đó truyền cảm xúc, cảm hứng cho độc giả và giúp họ tiếp cận nhân vật chính ở góc độ đời thường, gần gũi. Tuy nhiên, không phải cuốn tự truyện nào cũng đạt được ý nghĩa đó.

Vì thế khi bàn về dòng sách này, công chúng thường tự hỏi: Liệu có một giới hạn nào đó cho chuyện tiết lộ sự thật đời tư, nhất là khi sự thật ấy rất dễ gây tổn thương cho cuộc sống hiện tại của những người có liên quan. Câu chuyện trong tự truyện như thế nào không chỉ do nhân vật kể, mà nó hiện lên ra sao trong trang sách còn phụ thuộc vào cách xử lý của người chấp bút.

TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng, thời gian gần đây, không ít tự truyện gây “sóng gió” vì yếu tố câu view, “sốc”, “sến”... Các tự truyện thường kể về bản thân mình nhưng mang tính chất ve vuốt bản thân mình nhiều hơn chứ không phải biết để phân tích bản ngã, để mình có trách nhiệm với những gì mình nói ra. Phải chăng có một thế lực nào đó phía ngoài tác giả muốn dùng sự thật, muốn đi sâu vào bí mật để PR cho sản phẩm của mình.

Những câu chuyện “thâm cung bí sử” về cuộc đời, về sự nghiệp của họ lần đầu tiên được tiết lộ sẽ đem đến cho khán giả sự tò mò. Thế nhưng để có một cuốn tự truyện hay, mang ý nghĩa giáo dục, mang giá trị nghệ thuật cao lại đòi hỏi cả tài năng, bản lĩnh và kinh nghiệm sống của người nghệ sĩ. Một cuốn tự truyện hay không chỉ mang nhiều thông tin, mà phải mang cả giá trị văn chương, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Theo TS Trần Ngọc Hiếu, ở góc độ văn hóa, tự truyện cho chúng ta thấy được những chiều kích của văn hóa cá nhân. Ở góc độ văn học, tính văn học của tác phẩm tự truyện là không bất biến. Để làm nên giá trị văn học hồi ký, tự truyện rất cần cả nghệ sĩ cũng như người chấp bút chú trọng tính văn chương và nhân văn khi viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ