Hồi kết của khẩu trang bắt buộc

GD&TĐ - Hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của đại dịch Covid-19 là chiếc khẩu trang nơi công cộng sẽ kết thúc tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) từ 1/3.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của đại dịch Covid-19 là chiếc khẩu trang tại nơi công cộng sẽ kết thúc tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) từ ngày 1/3, chấm dứt chính sách đeo khẩu trang bắt buộc kéo dài lâu nhất trên thế giới.

Hồng Kông bắt đầu áp dụng chính sách đeo khẩu trang bắt buộc từ ngày 29/7/2020 ở tất cả các địa điểm công cộng, trong đó những người vi phạm có thể bị phạt số tiền tương đương 1.275 USD.

Đến ngày 1/3/2023 quy định này mới bị dỡ bỏ nên Hồng Kông là một trong những nơi áp dụng đeo khẩu trang phòng dịch bắt buộc kéo dài nhất trên thế giới.

Kể từ cuối năm ngoái, Hồng Kông đã dần dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt, nhưng vẫn duy trì quy định khẩu trang, trong khi đặc khu hành chính Macau hôm 26/2 thông báo dỡ bỏ quy định này tại hầu hết các địa điểm, ngoại trừ phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện và một số khu vực khác.

Tại Trung Quốc đại lục, người dân hiện không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở ngoài trời. Tuy nhiên, giới chức vẫn khuyến khích mọi người đeo khẩu trang ở khu vực công cộng trong nhà như sân bay và nhà ga.

Thông báo của Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông John Lee hôm 28/2 đã chính thức xác nhận người dân địa phương sẽ không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, trong nhà hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng kể từ ngày đầu tháng 3.

Quyết định này là bước đi cuối cùng đánh dấu đặc khu đã hoàn toàn trở lại bình thường sau thời gian dài áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Sự kiện này được đưa ra sau khi lãnh đạo Hồng Kông phát động chiến dịch quảng cáo “Xin chào Hồng Kông”, nhằm thu hút khách du lịch và các doanh nghiệp nước ngoài quay trở lại.

Giới chức Hồng Kông xác định từ nay chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch và lao động nước ngoài trở lại, nhằm hồi sinh trung tâm tài chính toàn cầu này sau một thời gian dài trầm lắng vì Covid-19.

Ngay trong tháng 3, một loạt sự kiện quốc tế tập trung đông người đã được lên kế hoạch tại Hồng Kông như lễ hội âm nhạc, giải đấu thể thao Rugby Sevens, triển lãm nghệ thuật Art Basel…

Tuy vậy, học sinh cấp tiểu học của Hồng Kông vẫn được yêu cầu làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh hàng ngày để sàng lọc các ca mắc Covid-19 đến ít nhất 15/3, trong khi quy định này với học sinh trung học được loại bỏ từ ngày 1/3.

Đại dịch hoành hành 3 năm qua với hình ảnh người dân đeo khẩu trang ngoài đường để gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế Hồng Kông. GDP của đặc khu này năm 2022 đã giảm tới 3,5%, trong khi các rào cản khiến du khách không tiếp cận được Hồng Kông.

Thống kê trong tháng 1/2023, số lượng hành khách qua sân bay quốc tế Hồng Kông chỉ bằng 1/3 so với tháng 1/2019 khi Covid-19 chưa xuất hiện.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và các quy định phòng dịch nghiêm ngặt kéo dài cũng khiến dân số chính thức của Hồng Kông giảm 187 nghìn người trong vòng 3 năm tính đến năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều yếu tố, trong đó có việc di dân và lựa chọn rời Hồng Kông để sang các quốc gia khác sinh sống và làm việc.

Tuy nhiên, guồng quay phát triển của Hồng Kông đang trở lại quỹ đạo với quyết định mang tính biểu tượng là dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trong bối cảnh gần như cả thế giới đã quen với việc sống chung với dịch Covid-19 từ lâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ