Hội họa đỉnh cao và những ý niệm độc - dị - lạ

GD&TĐ - Xem những tác phẩm đỉnh cao của UOB Painting of the year, công chúng khó rời mắt, càng khó thoát ra khỏi những suy tư bởi những ý niệm độc - dị - lạ.

'UOB Painting of the year' năm thứ 2 tại Việt Nam dự kiến sẽ khởi động vào đầu tháng 5/2024.
'UOB Painting of the year' năm thứ 2 tại Việt Nam dự kiến sẽ khởi động vào đầu tháng 5/2024.

Trọn vẹn 7 ngày cuối tháng 3, những tác phẩm đỉnh cao trong cuộc thi “UOB Painting of the year” năm đầu tiên tại Việt Nam (2023) đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bất ngờ của hội họa cũng từ đây như “nảy mầm” để khơi nguồn cho một tương lai bùng nổ những ý niệm sáng tạo độc - dị - lạ.

Triển lãm lần này là sự tiếp nối thành công của triển lãm đầu tiên tại TPHCM vào tháng 11/2023 với mục tiêu quảng bá mỹ thuật Việt Nam và mang tên tuổi các nghệ sĩ tài năng của “UOB Painting of the year” đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Triển lãm trưng bày 8 tác phẩm thắng giải trong cuộc thi “UOB Painting of the year” mùa đầu tiên tại Việt Nam, cùng các tác phẩm đặc sắc khác của 8 nghệ sĩ thắng giải này.

Thấy đỉnh cao trong lúc hoang mang

Đoạt giải cao nhất ở hạng mục “Nghệ sĩ thành danh” là tác phẩm “Thủy Phủ” của Trịnh Minh Tiến. Tác phẩm sử dụng kỹ thuật phun sơn airbrush tái hiện hình ảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội trên nắp capo ô tô, nêu bật sự tương phản giữa di sản nhân tạo với những vô thường của thời gian và ký ức.

Với tác phẩm này, nghệ sĩ nhận được phần thưởng tiền mặt trị giá 500 triệu đồng và được tranh giải thưởng danh giá “UOB Painting of the year” khu vực Đông Nam Á cùng với các nghệ sĩ thắng giải ở các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Giới phê bình mỹ thuật cho rằng, “Thủy Phủ” mang nhiều tầng nghĩa sâu xa về tính vô thường được thể hiện khi bối cảnh chung đang phát triển nhanh trên bề mặt. Tác phẩm như thúc giục con người hướng vào bên trong, để chiêm nghiệm lại bản thân, thúc đẩy những kết nối bền vững giữa người với người, giữa con người với vũ trụ.

Trịnh Minh Tiến muốn truyền tải quan niệm về sự vô thường, sự thay đổi không ngừng nghỉ của lịch sử và tôn giáo thông qua những dấu ấn kiến trúc. Sử dụng kỹ thuật phun sơn airbrush, nghệ sĩ đã vô cùng dụng công và khéo léo tái hiện hình ảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội trên nắp capo ô tô.

Tác phẩm 'Thủy Phủ' của Trịnh Minh Tiến đem về cho anh giải cao nhất ở hạng mục “Nghệ sĩ thành danh” với phần thưởng tiền mặt trị giá 500 triệu đồng.

Tác phẩm 'Thủy Phủ' của Trịnh Minh Tiến đem về cho anh giải cao nhất ở hạng mục “Nghệ sĩ thành danh” với phần thưởng tiền mặt trị giá 500 triệu đồng.

Với ý niệm sáng tạo riêng biệt, nghệ sĩ nêu bật sự tương phản giữa di sản và ký ức. Hình ảnh nhà thờ thể hiện sâu sắc về sự tách biệt giữa giá trị vật chất và tinh thần trong xã hội đương đại, nơi chủ nghĩa duy vật thường làm lu mờ những mối liên hệ tinh thần gắn kết con người với nhau và với thế giới xung quanh.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét rằng, “Thủy Phủ” của Trịnh Minh Tiến được đánh giá cao nhờ sự độc đáo trong kỹ thuật thể hiện, vượt ra khuôn khổ của hội họa truyền thống khi thử nghiệm trên những chất liệu mới, truyền tải thông điệp sâu sắc. Tác phẩm cũng phần nào phản ánh sự sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ Việt Nam, cũng như sự phát triển của việc thực hành sáng tạo đương đại.

Trịnh Minh Tiến sinh năm 1983 tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi ra trường, anh bị khủng hoảng do bế tắc trong công việc, có những lúc không biết sẽ đi đâu về đâu với sự nghiệp nghệ thuật mà mình đã chọn. Thế rồi vào thời điểm hoang mang nhất, anh đã tìm đến trường phái nghệ thuật cực thực và ngay lập tức khẳng định được tên tuổi.

Ngoài thành tựu từ UOB Painting of the year, Trịnh Minh Tiến đã nâng cấp “Thủy Phủ” tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 gồm 3 không gian với tên gọi: Thủy phủ, lãnh thổ và ý niệm.

“Tôi hi vọng dấu vết của những gì huy hoàng bị chôn vùi và những gì tồn tại đều được chữa lành và hàn gắn bởi nước - thông qua tác phẩm của mình. Khi đời sống phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, chúng ta càng dễ tổn thương và mong manh hơn, do đó càng nên trân quý hơn giá trị của hiện tại”, họa sĩ Trịnh Minh Tiến cho hay.

Gợi lòng trắc ẩn từ kiếp người bất hạnh

Sau Hà Nội, triển lãm các tác phẩm thắng giải cuộc thi “UOB Painting of the year” sẽ được tiếp tục tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế từ ngày 17 - 30/4. “UOB Painting of the year” dự kiến sẽ khởi động năm thứ 2 tại Việt Nam vào đầu tháng 5/2024 để tìm kiếm và tôn vinh các tài năng, thúc đẩy các ý niệm sáng tạo độc đáo cũng như những thực hành nghệ thuật đỉnh cao.

Với tác phẩm sơn dầu “Fly on my way - Trên con đường”, họa sĩ Tạ Duy Tùng lại mang về giải thưởng “Nghệ sĩ triển vọng nhất năm”. Tác phẩm của anh thể hiện một chiếc giầy đang bay lên với sợi dây không buộc thể hiện bước đi không chắc chắn.

Phần hậu cảnh được giản lược thành một không gian phẳng nhằm đẩy bật chủ thể và làm nổi bật tính siêu thực. Họa sĩ minh họa cho những khó khăn, thử thách và chông chênh mà mình đã vượt qua ở thời trẻ khi còn là sinh viên đi học và làm thêm với một tinh thần dám đương đầu và dấn thân.

“Trên con đường mang theo hoài niệm của tôi về một thời tuổi trẻ, khi hoài bão thì mãnh liệt mà khó khăn thì vô vàn. Mỗi nét cọ đặt xuống, tôi lại quay cuồng trong suy nghĩ dù chúng ta là ai và xuất thân thế nào, việc chọn con đường cho chính mình không bao giờ dễ dàng.

Trên hành trình đó, bạn gặp đầy rẫy thử thách, trải qua giờ khắc đen tối nhất nhưng đừng vì thế mà bỏ cuộc. Hãy hi vọng, hãy bước đi bởi luôn có ánh sáng đón đợi chúng ta cuối con đường”, Tạ Duy Tùng bộc bạch.

Tác phẩm 'Fly on my way - Trên con đường' của Tạ Duy Tùng.

Tác phẩm 'Fly on my way - Trên con đường' của Tạ Duy Tùng.

Với giải vàng hạng mục “Nghệ sĩ thành danh”, Phạm Trần Việt Nam đem đến “Họa chúng sinh 1” với mạng lưới dày đặc khuôn mặt người chất chứa khổ đau và sự quằn quại, xâm lấn và ngột ngạt trong áp lực phát triển đô thị.

Tác phẩm đồng điệu trong series “Họa chiêu hồn” được anh lấy cảm hứng từ những câu chuyện chiến tranh, sự chết chóc, và ám ảnh của những cơn ác mộng, với những khuôn mặt bầm tím trong các trận chiến, những người ăn xin thời trung cổ, những người khai thác than và cả những người vô tội đang vật lộn để sinh tồn trong một thế giới đầy rẫy những nhức buốt phức tạp.

Phạm Trần Việt Nam dưới góc nhìn thế giới quan qua lăng kính hậu chiến, cảm xúc về lịch sử địa phương cũng như vướng mắc toàn cầu, đã dẫn dắt người xem chiêm ngưỡng muôn vàn trạng thái của kiếp nhân sinh: Bất công, khổ ải, phiền não. Qua đó, chuỗi tác phẩm vẽ nên bức tranh ảm đạm về trạng thái bế tắc của xã hội đương đại.

Là bản tự truyện của chính tác giả, “Họa chiêu hồn” như một lăng kính trực diện, soi chiếu những góc khuất trong tâm hồn của Phạm Trần Việt Nam. Vẽ là khi anh kết nối với “sự tồn tại khác”, chìm đắm trong cõi hư vô để lắng nghe tiếng nói từ những linh hồn phiêu bạt, chuyển tiếp cõi hư vô trở lại thành hình hài.

Trên nền màu tối với gam xanh tím, xanh rêu, nâu, những quệt màu đỏ và vàng như nguồn năng lượng mới, dẫn dắt anh khám phá hành trình tìm tòi hình ảnh, tạo hình, giúp anh mở lòng và phóng khoáng hơn trong lối vẽ.

Thoát khỏi những ràng buộc truyền thống, anh phá vỡ khuôn khổ với những đường cắt xẻ, đục lỗ do chính tay anh tạo nên. Khung tranh không còn là giới hạn, cho phép anh bộc lộ cảm xúc hiện tại một cách tự do nhất.

Tác phẩm khiến người xem suy ngẫm về những câu hỏi muôn thuở của kiếp nhân sinh: Ý nghĩa của sự sống và cái chết, những tầng lớp phức tạp của con người trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Tác phẩm mang đến cho người xem góc nhìn sâu sắc về bản chất cuộc sống, khơi gợi lòng trắc ẩn và sự đồng cảm cho những kiếp người bất hạnh, nhưng đồng thời cũng thể hiện những nhức buốt trong đời sống của kiếp nhân sinh.

Tác phẩm 'Hiện thực chậm lại' của Lại Diệu Hà đoạt giải Bạc hạng mục 'Nghệ sĩ thành danh'.

Tác phẩm 'Hiện thực chậm lại' của Lại Diệu Hà đoạt giải Bạc hạng mục 'Nghệ sĩ thành danh'.

Chạm vào hiện thực

Họa sĩ Lại Diệu Hà sau 4 năm ẩn mình thực hiện “liệu pháp tâm kịch” lại mang đến triển lãm tác phẩm đoạt giải Bạc hạng mục “Nghệ sĩ thành danh” với “Hiện thực chậm lại”. Đây là kết quả của 3 cấp độ sáng tạo: Lấy cơ thể của người nghệ sĩ làm chủ đề, đi sâu vào nghiên cứu tâm lý kỹ lưỡng trong tiềm thức và cuối cùng chuyển nó thành một bức tranh.

“Hiện thực chậm lại” khắc họa nỗi mất mát kéo dài do xung đột, hỗn loạn và sự chấp nhận rủi ro vượt ngoài ranh giới an toàn. Nữ họa sĩ cho biết, cô trở lại với những tác phẩm hội họa như chặng tiếp theo trong việc xem xét những ranh giới của trình diễn là gì và nghiên cứu xã hội cũng như con người dưới góc nhìn tham chiếu từ trình diễn.

Tác phẩm 'Họa chúng sinh 1' của Phạm Trần Việt Nam.

Tác phẩm 'Họa chúng sinh 1' của Phạm Trần Việt Nam.

Các tác phẩm thắng giải trong cuộc thi 'UOB Painting of the year' thể hiện các góc nhìn và ý niệm độc đáo của nghệ sĩ Việt.

Các tác phẩm thắng giải trong cuộc thi 'UOB Painting of the year' thể hiện các góc nhìn và ý niệm độc đáo của nghệ sĩ Việt.

Là một trong những nghệ sĩ nổi trội của nghệ thuật trình diễn sắp đặt tại Việt Nam đầu thế kỷ 21, Lại Diệu Hà thường dùng chính mình làm đối tượng nghiên cứu và thực hành. Cô sử dụng nhiều phương thức thể hiện, từ nhiếp ảnh, điêu khắc, sắp đặt, video và giờ đây là hội họa để biểu đạt tiếng nói nghệ thuật của mình.

“Đối với hội họa, tôi như một nghệ sĩ mới, cảm nhận năng lượng sáng tạo như đang bơi giữa biển. Mỗi lần hoàn thành một bức tranh đều thấy chưa đủ, có cảm giác giống như trong đầu có một cuộn phim chụp rất nhiều nhưng chỉ lấy được một tấm. Tôi nghĩ vẽ tranh làm trình diễn chậm lại, sự tương tác của người xem với tác phẩm cũng khác”, Lại Diệu Hà cho hay.

Xem những tác phẩm đỉnh cao của UOB Painting of the year, công chúng khó có thể rời mắt, càng khó thoát ra khỏi những suy tư bởi những ý niệm độc - dị - lạ, mà có lẽ chỉ những nghệ sĩ tài năng mới có thể khơi gợi và chạm tới.

Và điều quan trọng hơn cả, từ những tác phẩm độc đáo ấy, người xem nhận rõ sự sáng tạo không trùng lặp, không núp bóng, không bắt chước. Những tác phẩm như những con đường riêng biệt chỉ một mình nghệ sĩ bước đi và khai phá, như một dòng sông được khơi gợi bởi ý niệm thần thánh bên trong hình dáng và thân thể người phàm.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, mỗi tác phẩm trưng bày tại triển lãm không chỉ là những tác phẩm đỉnh cao, mà còn là một câu chuyện để tác giả cất tiếng nói của mình, thể hiện góc nhìn về cuộc sống hay nghệ thuật xã hội đương đại. Qua đó, bộc lộ những câu chuyện ẩn giấu bên trong đời sống nội tâm của mỗi nghệ sĩ mà khó có thể nói thành lời.

Cuộc thi “UOB Painting of the year” cũng là cơ hội tuyệt vời để các nghệ sĩ thể hiện tài năng, được công nhận trên thị trường nghệ thuật quốc tế, mang lại giá trị lớn hơn đối với nền mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.