Phoebe (22 tuổi) bắt đầu hẹn hò với John vào năm 2016. 4 năm sau, cả hai quyết định "đường ai nấy đi" vì hết tình cảm.
"Anh ta không còn yêu tôi nữa. Cay đắng thay, chúng tôi đã có một đứa con và dự định kết hôn vào tháng 8 tới", cô chia sẻ với VICE. Dù vậy, cả hai vẫn "mắc kẹt" trong căn nhà được mua chung 10 tháng trước khi chia tay.
Thực tế, xu hướng sống chung mà không kết hôn như Phoebe và John khá phổ biến với người trẻ Anh quốc. Xu hướng này được gọi là "hôn nhân kiểu Millennials".
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, số cặp tình nhân dọn về ở chung tăng 25,8% so trong năm 2008-2018. Ngược lại, số lượng gia đình hợp pháp giảm mạnh 45%, chạm mốc thấp nhất lịch sử kể từ năm 1972.
Với thế hệ Millennials, sở hữu nhà đất còn quan trọng hơn chuyện chung thân đại sự. Dữ liệu từ website tổ chức đám cưới Hitched chỉ ra một đám cưới tại xứ sở sương mù tiêu tốn trung bình 32.000 bảng (gần 44.000 USD), trong khi mức cọc nhà cửa tối thiểu là 46.000 bảng (gần 63.000 USD).
Do đó, nhiều cặp tình nhân trẻ lựa chọn góp tiền mua nhà, sống chung trước khi đăng ký kết hôn nhằm tiết kiệm chi phí và thử nghiệm cuộc sống hôn nhân.
"John và tôi đều có công việc ổn định, với tổng thu nhập lên đến 45.000 bảng/năm (gần 62.000 USD). Chúng tôi khó mà tự mình mua nhà ở độ tuổi này, song chuyện đó là khả thi nếu cả hai cùng góp tiền", Phoebe nói.
Rắc rối chia nhà hậu "ly dị"
Tuy nhiên, không phải cuộc hôn nhân nào cũng có kết cục vẹn toàn. Với không ít người, thứ chờ đợi phía trước là giai đoạn "ly hôn kiểu Millennials" - phân chia nhà cửa hậu chia tay.
Leanne (28 tuổi) đang trải qua tình huống trên do không thể hòa giải mâu thuẫn với bạn trai cũ. Ban đầu, hai người từng hùn tiền mua nhà để ở chung.
"Anh ta khuyên tôi nên trả một nửa tiền cọc và vay thế chấp để cùng nhau sở hữu một căn nhà", cô kể với VICE.
Trái với cuộc sống hạnh phúc Leanne từng mơ, mối quan hệ giữa hai người nhanh chóng rạn nứt. "Anh ta hành xử như thể mình là người bỏ tiền mua nhà, yêu cầu tôi phải cung phụng, nhún nhường".
Nhiều cặp đôi nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình sống chung, dẫn đến kết cục "ly hôn kiểu Millennials". |
Dần dần, người bạn trai cũ bộc lộ xu hướng bạo lực, thường xuyên xúc phạm và đánh đập cô. Một ngày nọ, gia đình Leanne giúp cô rời đi nhân lúc hắn vắng nhà.
Song, cơn ác mộng của Leanne chưa dừng lại ở đó. Gã tình cũ tự ý cho thuê căn nhà chung mà không hỏi ý cô, ngừng góp tiền trả khoản vay trị giá 11.000 bảng (15.000 USD) ban đầu.
"Tôi hoàn toàn kiệt quệ về tài chính. Tôi từng thuê luật sư để kiện cáo nhưng không còn tiền chi trả nữa. Giờ đây, tôi chật vật từng ngày với không xu dính túi", Leanne bật khóc.
Tương tự Leanne, Phoebe cũng đang cố gắng giải quyết hậu quả sau cuộc "ly hôn kiểu Millennials" với John.
"Chúng tôi hoàn toàn toàn bế tắc. Căn nhà kỷ niệm trở thành thứ trói buộc cả hai, kéo theo đó là khoản vay hàng tháng để chi trả mặt bằng. Chúng tôi cãi vã rất nhiều về việc ai sẽ trả khoản nào", cô trải lòng.
Cuối cùng, cả hai thống nhất sẽ bán nhà. Chia sẻ với VICE, cô bày tỏ tiếc nuối. "Tôi rất hối hận. Nếu có thể quay về quá khứ, tôi sẽ không bao giờ mua nhà cùng người yêu".
Cố vấn tài chính khuyến cáo các cặp tình nhân trẻ suy nghĩ thật kỹ trước khi cùng nhau mua nhà, sống chung. |
Graham Taylor, Giám đốc kiêm Cố vấn tài chính tại công ty môi giới thế chấp Hudson Rose, khuyến cáo các cặp chưa kết hôn nên thận trọng khi hùn tiền mua nhà chung.
"Nếu bạn mua một bất động sản mà không đăng ký hôn thú, pháp luật khó có thể phân chia tài sản sau khi 2 người chia tay", ông nhận định.
Trả lời VICE, cố vấn Taylor khuyên các cặp tình nhân muốn theo đuổi xu hướng "kết hôn Millennials" nên lập thỏa thuận chung sống, rõ ràng về tài chính.
"Hãy cởi mở, cùng nhau giải quyết vấn đề nếu mọi chuyện không diễn ra như dự định. Cả hai nên thống nhất về khoản tiền đặt cọc, phân chia tài sản và lên kế hoạch dự phòng khi chia tay", ông nói.