Căn bệnh bị người nhà lầm tưởng là mộng du
Thường xuyên tỉnh dậy vào nửa đêm, làm một số hành động trong vô thức như: quét nhà, tập thể dục, bật bếp ga nấu nước sau đó lại lên giường ngủ… anh Nguyễn Văn Mạnh (27 tuổi tại Thanh Xuân, Hà Nội) khiến người nhà hoang mang. Tuy nhiên, mọi người nhầm tưởng đó là chứng mộng du.
Thậm chí, có lần anh Mạnh dậy ban đêm và cầm chổi quét nhà nhưng bị người nhà cản lại. Thậm chí, anh Mạnh đã tấn công và đánh người thân rất dã mãn khiến cho người nhà phải nhập viện điều trị. Sau khi tấn công người nhà xong, anh Mạnh lên giường ngủ như bình thường. Sáng hôm sau, khi gia đình hỏi chuyện xảy ra đêm trước đó, anh Mạnh hoàn toàn không nhớ những việc đã làm.
Thấy anh Mạnh có những dấu hiệu bất thường, gia đình đã đưa anh Mạnh đi khám. Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh phát hiện, anh Mạnh bị tổn thương não do hậu quả của tai nạn xe trước đó. Cũng chính vì những tổn thương của não bộ khiến anh Mạnh bị động kinh, tâm thần vận động.
Các hành động nói trên của anh Mạnh là biểu hiện của hội chứng ý thức hoàng hôn (trạng thái ý thức bị thu hẹp nửa tối nửa sáng, trong trạng thái đó có thể có cơn kích động tấn công người xung quanh).
PGS - TS Cao Tiến Đức cho rằng, hội chứng này có thể xuất hiện rất đột ngột, duy trì trong thời gian ngắn và kết thúc cũng rất nhanh.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiêm bộ môn Tâm thần (Học viện Quân y) cho hay, bệnh nhân bị rối loại ý thức hoàng hôn sẽ có trạng thái miên hành hay nguyệt hành. Có nghĩa là trong giấc ngủ, người bệnh trở dậy, đi lại, thực hiện một số động tác tự động, sau đó lại lên giường ngủ. Nếu bị cản trở, người bệnh có thể tấn công mãnh liệt. Sau đó, bệnh nhân sẽ lên giường đi ngủ như bình thường. Lúc tỉnh dậy, người bệnh không nhớ gì về hành động của mình đã làm.
Một trạng thái khác có thể gặp là bệnh nhân tự động đi lang thang không mục đích, chạy khắp nơi, phá nhà cửa... rất nguy hiểm.
Mức độ nguy hiểm của hội chứng hoàng hôn
PGS.TS Cao Tiến Đức cho biết: “Hội chứng kích động hoàng hôn là trạng thái ý thức bị thu hẹp, nửa tối, nửa sáng. Có nghĩa là ý thức của bệnh nhân không bị mất hoàn toàn mà nó rơi vào trạng thái nửa tối nửa sáng (hoàng hôn). Hội chứng này có thể xuất hiện rất đột ngột, duy trì trong thời gian ngắn và kết thúc cũng rất nhanh. Trong trạng thái đó, người bệnh có thể có những hành vi vô cùng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh”.
Ý thức lúc nửa sáng nửa tối có thể xuất hiện vào buổi sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Hội chứng kích động hoàng hôn xảy ra khi bệnh nhân có những tổn thương tại não hoặc các bệnh thực thể nặng ở não, có thể gặp ở cả bệnh nhân Alzheimer.
“Kích động hoàng hôn thường gặp trong trạng thái động kinh. Bệnh nhân thường không có cơn co giật. Biểu hiện lâm sàng là những cơn kích động tâm thần vận động, có những cơn rối loạn tâm thần, có hoang tưởng áo giác, có những cơn kích động, tự động đốt nhà, giết người, có bệnh nhân vẫn chơi được một bản nhạc rất hoàn chỉnh, có người vẫn có thể lái xe bình thường hay đơn giản như cởi khuy áo, cài khuy áo… mà không có ý thức về việc đó. Nhìn bề ngoài các hoạt động rất ăn khớp và hoàn chỉnh. Người khác có thể thấy người bệnh như là một người bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, ý thức của họ không hề tỉnh táo.Cơn rối loạn ý thức hoàng hôn kết thúc đột ngột có thể kèm theo sau là giấc ngủ say”, PGS.TS Cao Tiến Đức cho hay.
Người mắc phải hội chứng này vẫn có thể sinh hoạt như bình thường. Cách duy nhất để phát hiện ra người mắc phải hội chứng là biểu hiện hoang tưởng, ảo giác...
PGS.TS Cao Tiến Đức nói: “Điều nguy hiểm của bệnh nhân mắc phải hội chứng kích động hồng hôn là có thể tấn công bất cứ ai, đập phá những gì mà bệnh nhân gặp, bị cản trở trên đường đi không kể là người hay vật. Đã có rất nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra trong tình trạng ý thức của bệnh nhân bị thu hẹp. Tuy nhiên, sau khi tỉnh lại bệnh nhân thường không nhớ được gì”.
Theo PGS.TS Cao Tiến Đức, người bệnh khi xuất hiện hội chứng sẽ mất năng lực định hướng, nghĩa là không biết mình là ai, đang ở đâu, không nhận thức được thời gian. Người bệnh có thể có ảo giác ghê rợn, nhìn thấy xác chết, người khác tấn công bản thân đôi khi có kèm ảo thanh ra lệnh…
Có những trường hợp bệnh nhân còn mang cảm xúc căng thẳng, buồn rầu bất thường, tư duy hoang tưởng, hành vi đập phá, bệnh nhân ít khi nhớ những gì xảy ra trong cơn.