Hội chứng “cuồng yêu”

GD&TĐ - Hội chứng Adele, còn gọi là hội chứng “cuồng yêu”, là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng liên quan đến sự thu hút mạnh mẽ, không thể cưỡng lại được của tình yêu. Dĩ nhiên, phân biệt cảm giác bình thường trong tình yêu với sự ám ảnh, buồn vui thất thường do tình yêu mang lại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vậy thì “cuồng yêu” là gì, triệu chứng ra sao và có điều trị được hay không? Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm lời giải đáp.

Hội chứng “cuồng yêu”

Từ một chuyện tình buồn    

Theo như tên gọi, hội chứng này có liên quan đến căn bệnh tâm thần của Adele Hugo, con gái út của nhà văn nổi tiếng người Pháp, Victor Hugo. Cuộc đời của Adele bao trùm một sự bí ẩn. Cô có một cuộc sống cực kỳ bi thảm và cuối cùng bị đưa vào bệnh viện tâm thần ở tuổi 41.

Khi mới lên 16 tuổi, cô yêu Auguste Vacquerie, một chàng trai 26 tuổi. Do cô chưa đủ tuổi kết hôn nên cả hai phải chờ đợi. Trong thời gian này, cô dần dần phai nhạt tình yêu với Auguste nên chuyện hôn nhân không thành.

Mặc dù vậy, dù nhận được nhiều lời cầu hôn nhưng cô đều từ chối. Sau đó, cô cũng dành tình yêu cho nhiều người, trái với ý của cha mẹ, như với điêu khắc gia Jean – Baptiste Clesinger và đặc biệt với người đàn ông, nguồn cội của mọi sự phiền não mà cô đa mang, Albert Andrew Pinson.

Trung úy Pinson lớn tuổi hơn Adele nhiều và được xem là một người đàn ông lịch lãm, hấp dẫn phụ nữ. Anh thường xuyên đến thăm cô và ngay cả đã cầu hôn nhưng bị cô từ chối, có lẽ do sự kiêu kỳ. Sau đó, cô chủ động làm hòa nhưng dường như tình yêu của Pinson không còn như lúc ban đầu và cô không còn được anh ta quan tâm như trước nữa. Cuộc tình đi vào ngõ cụt, khi Pinson theo đơn vị chuyển về London.

 Adele Hugo (1830-1915)

Bố mẹ của Adele không hài lòng Pinson, bởi vì anh ta nổi tiếng là một kẻ “sát gái”, một tay cờ bạc lắm nợ nần và người có tính khí xấu. Thế nhưng con gái rượu của họ thì ngày càng mê đắm anh chàng.

Adele quyết định theo anh đến London, điều này không những trái với ý muốn của cha mẹ, mà còn không đúng với các quy tắc xã hội dành cho phụ nữ vào thời đó.

Tuy nhiên, khi cô đến London thì mới hay Pinson đã chuyển đến Halifax, Nova Scotia, Canada, có lẽ để tránh né cô. Adele quay trở về Brussels trong một năm và mặc dù có bằng chứng Pinson không còn dành tình yêu cho cô nữa, cô càng lúc càng bị ám ảnh bởi anh ta.

Cô quyết định đến Halifax, nhưng nói với gia đình đi châu Âu để gặp người thân. Khi đến nơi, cô đăng ký với cái tên là Lewly nhưng ngay sau đó lại tự xưng là “bà Pinson”. Cô sống ở khách sạn Halifax một thời gian ngắn rồi đến với gia đình Saunders, những người quen của bố mẹ.

Sống bí ẩn và khép kín nên vào thời điểm này không ai biết cô là con gái của nhà văn nổi tiếng Victor Hugo. Cô thường xuyên viết thư cho gia đình và nói dối rằng đã kết hôn với Pinson. Hầu hết thời gian này, cô tìm cách liên lạc với Pinson. Cô viết thư cho anh ta mỗi ngày, tìm cách gặp anh ta nhưng dường như anh hoàn toàn không quan tâm gì đến cô nữa.

Mặc dù trước đó, anh có đến thăm và trả lời các bức thư của cô, nhưng ngay sau đó lại phớt lờ cô và tránh né sự theo đuổi của cô. Nhưng cô xác định phải làm cho anh ta yêu mình nên bám theo suốt ngày đêm, ngay cả tự cải trang thành đàn ông để anh không nhận ra.

Lúc này bệnh tâm thần của cô bắt đầu xuất hiện, cô từ chối ăn, ít chăm sóc bản thân và sức khỏe thể chất cũng bắt đầu suy sụp. Gia đình Suanders nghe tiếng chân cô đi lại suốt đêm, thì thầm với riêng mình trong phòng.

Pinson cũng có nhiều tiếng xấu ở Halifax, anh ta hứa hôn với Agnes Johnson nhưng ngay sau đó gia đình cô gái nhận xét anh không phải là người mà họ mong muốn cho con gái họ.

Năm 1866, Pinson di chuyển cùng đơn vị đến Barbados, một thuộc địa của Anh ở vùng Caribbea, và Adele, trong khi nhớ nhung anh mãnh liệt, cũng tìm đến Barbados. Ở đây, cô sống trong dinh thự của bà Chadderton và hành vi của cô vẫn như hồi ở Halifax. Cô viết nhật ký liên tục, đi lang thang ngoài đường để tìm kiếm người yêu và sống cách ly với mọi người.

Người ta không biết cô có gặp Pinson ở đây hay không nhưng ngay khi đó cô trở thành đối tượng của sự chế nhạo, bởi hành vi kỳ lạ cũng như cách ăn mặc không giống ai của mình. Pinson lúc này đã về Anh và kết hôn với Catherine Edith Roxburgh, trong khi Adele vẫn ở Barbados.

Cô gặp một phụ nữ và người này chăm sóc cô, đưa cô trở về Pháp. Bố của cô đưa cô vào viện tâm thần ở ngoại ô Paris và cô sống ở đây đến hết cuộc đời. Trong 5 người con của Victor Hugo, Adele sống lâu nhất, đến 85 tuổi mới qua đời trong viện tâm thần

Người ta cho rằng, Adele bị mắc chứng tâm thần phân liệt là do di truyền từ gia đình mình (người anh của cô cũng có tình trạng như vậy). Tuy nhiên, cuộc sống đảo lộn có thể đã góp phần làm suy sụp sức khỏe tâm thần của cô: cái chết của người chị, người yêu không đáp lại của cô, cái chết của hai người anh và áp lực xã hội mà những người phụ nữ phải chịu đựng trong những ngày này.

Hầu hết những gì người ta biết về cuộc sống của Adele và sự theo đuổi của cô với Pinson đều từ những quyển nhật ký và thư từ của cô để lại. Cô đặt tên nhật ký của mình Nhật ký lưu đày. Cô chỉ ngưng viết trong thời gian ở Barbados, do sự suy sụp về mặt tinh thần.

Chuyện tình bi thảm của Adele được viết thành sách và đưa lên phim.

Đến hội chứng tâm thần kỳ lạ

Tâm thần là một trong những lĩnh vực vẫn còn đang thách thức giới y học. Một bác sĩ tâm thần không thể biết chắc những gì đang diễn ra trong đầu của bệnh nhân. Hiện tại có rất nhiều loại hội chứng rối loạn tâm thần khác nhau. Trong đó, hội chứng Adele là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng khiến người bệnh có cảm giác yêu đến mức cuồng điên.

Người ta cho rằng chẩn đoán hội chứng này chỉ có thể được thực hiện bởi các chuyên gia tâm thần học. Do nạn nhân của mối tình sầu thảm khó có thể suy nghĩ một cách phù hợp về tình trạng của mình nên không dễ để phân biệt một tình yêu sâu sắc với sự “cuồng yêu”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có một số dấu hiệu đáng chú ý.

Hội chứng Adele được kèm theo bởi một số triệu chứng rất rõ. Đặc biệt, các bệnh nhân thường mất ngủ. Điều đáng chú ý nữa là các giấc mơ của họ hầu như đều có sự hiện diện của “người mà họ tôn thờ”.

Khi bệnh tật tiến triển, người phụ nữ dường như rời khỏi cuộc sống thực tại, họ quên hết những công việc bình thường, không làm tròn trách nhiệm được giao, rất khó tập trung vào việc gì vì tâm trí của họ chỉ hướng về người mà họ yêu dấu. Họ liên tục gọi tên người yêu, đến nhà anh ta, theo anh ta đến chỗ làm và bất cứ nơi đâu có anh hiện diện.

Ảnh minh họa một phụ nữ “cuồng yêu”
 Ảnh minh họa một phụ nữ “cuồng yêu”

Trong một số trường hợp, các bệnh nhân phát triển một dạng sùng bái đồ vật, họ giữ và thu thập tất cả những món đồ có liên quan đến người yêu. Thường thì người ta thấy người bệnh có biểu hiện trầm cảm nghiêm trọng… Sự hờ hững nhanh chóng thay thế sự phấn chấn và ngược lại.

Không có liệu pháp phù hợp nào cho hội chứng Adele, do đó bệnh nhân dần dần bị tàn phá về nhân cách. Các bệnh nhân thường thoát khỏi thực tại và sống trong một thế giới ảo, ở đó các mối quan hệ giữa hai người yêu nhau vô cùng lý tưởng. Ví dụ, Adele Hugo tin một cách chân thành rằng đã kết hôn với viên trung úy và sống hạnh phúc. Thông thường, những người mắc chứng này thường nỗ lực chấm dứt cuộc sống bằng tự sát.

Dù không dễ điều trị hội chứng này nhưng để đưa bệnh nhân thoát khỏi sự ám ảnh và phụ thuộc vào tình yêu là có thể. Họ cần được giúp đỡ và hội chứng này cần được nhìn nhận thực sự tồn tại chứ không phải là một sự hoang tưởng nào khác.

Trong một số trường hợp, cách điều trị y học thích hợp sẽ là sử dụng thuốc chống trầm cảm và một số thuốc khác. Nhưng đáng tiếc là không có thuốc thần nào có thể trị khỏi sự tổn thương từ tình yêu vô vọng. Đó là lý do vì sao thuốc men cần kết hợp với liệu pháp tâm lý. Một chuyên gia tâm lý kết hợp với bác sĩ có thể tìm ra điều gì đó cho sự thể hiện những lệch lạc này.

Theo Healthtipsing và Curioustendency

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.