Thông tin được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết ngày 26/9, một nghiên cứu của Trung tâm năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa là 36%.
Theo đó, Hội chứng chuyển hóa không phải là một bệnh lý cụ thể là một tập hợp các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch bao gồm tình trạng kháng insulin, béo phì, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.
Người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao gấp 5 lần, nguy cơ tim mạch cao gấp 3 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với những người không mắc hội chứng này. Hội chứng chuyển hóa đang gia tăng ở cả các nước đã và đang phát triển và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kết quả nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM thực hiện trên 1.424 người trưởng thành từ 18 - 69 tuổi trên địa bàn toàn thành phố cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa là hơn 36%, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam (40% so với 32%).
Tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa tăng dần theo tuổi và tình trạng thừa cân béo phì. Tuổi càng lớn, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hoá càng tăng. Nhóm 40 - 49 tuổi, 50 - 59 tuổi và 60 - 69 tuổi nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gấp 5,1 lần; 7,3 lần và 10,8 lần (theo thứ tự) so với nhóm 18 - 29 tuổi. Tuy nhiên, ở nhóm 18 - 29 tuổi, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cũng chiếm gần 11%. Nhóm có BMI từ 23 - 24,9 thì tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa là 36% và BMI ≥ 30 thì tỷ lệ mắc lên đến gần 72%.
Tỷ lệ hiện mắc hội chứng chuyển hóa của người dân sinh sống tại TPHCM đang gia tăng. HCDC khuyến cáo mỗi người dân hãy phòng bệnh cho chính bản thân và gia đình bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ.
Nguyên nhân gây Hội chứng chuyển hóa
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nguyên nhân gây Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các yếu tố nguy cơ, vì vậy không có một nguyên nhân duy nhất.
Tuy nhiên trong đó, béo phì hoặc thừa cân là một trong những yếu tố chính. Lượng lipid và cholesterol trong máu bất thường, huyết áp cao và rối loạn đường huyết cũng góp phần vào nguy cơ bệnh tim mạch.
Béo bụng là một trong những yếu tố cấu thành nên Hội chứng chuyển hóa. Ảnh: ITN. |
Một số yếu tố nguy cơ không thể tránh khỏi như tiền sử gia đình mắc hội chứng chuyển hóa.
Chế độ ăn uống nhiều chất béo và đường, cùng với việc lười vận động, có liên quan đến sự phát triển của bệnh béo phì và các bệnh lý liên quan.
Người thường xuyên sử dụng một số loại thuốc để điều trị viêm nhiễm, HIV, dị ứng và trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tăng cân hoặc thay đổi huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
Chẩn đoán và cách phòng tránh
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, không phải tất cả các phác đồ y tế đều thống nhất về các tiêu chuẩn chính xác được sử dụng để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa.
Ví dụ, vẫn còn nhiều tranh cãi về cách tốt nhất để đo lường và xác định bệnh béo phì. Các chỉ số được dùng bao gồm chỉ số khối cơ thể (BMI), tỷ lệ chiều cao-vòng eo hoặc các phương tiện khác. Một người có thể bị cao huyết áp hoặc lượng đường trong máu cao mà không liên quan đến béo phì.
Các tiêu chuẩn trên được tạo ra nhằm mục đích thống nhất các chẩn đoán. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng sẽ xem xét bệnh cảnh của từng cá nhân.
Do đó, chẩn đoán ban đầu nhằm xác định những người có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa thuộc nhóm có thể điều trị bằng thay đổi lối sống nhằm điều chỉnh lượng đường huyết, huyết áp, lượng lipid và cholesterol trong máu hơn là điều trị bằng thuốc.
Tuy nhiên, một số người có thể sử dụng thuốc khi họ được chẩn đoán mắc một phần trong hội chứng chuyển hóa, chẳng hạn như cao huyết áp, đái tháo đường...
Để phòng tránh Hội chứng chuyển hóa, AHA khuyến cáo mọi người nên có “chế độ ăn uống lành mạnh cho tim”, ít đường, chất béo và natri; Tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các loại hạt.
Tập thể dục thường xuyên;
Tránh hút thuốc và giảm uống rượu.
Nên tập thể dục ở mức vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, có thể được chia nhiều lần tập kéo dài 10 phút. Đi bộ nhanh là một môn thể thao tốt để bắt đầu.