Hội An – Quảng Nam: Thủ phủ quất cảnh trước nguy cơ thất thu

GD&TĐ - Sau thời gian mưa gió và bão lũ, nông dân Cẩm Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) - thủ phủ quất cảnh nức tiếng miền Trung, đang đối mặt với vụ Tết thất thu, do bị nấm bệnh tàn phá.

Nông dân đang chăm sóc cho những chậu quất cảnh.
Nông dân đang chăm sóc cho những chậu quất cảnh.

Giờ này, người nông dân vẫn đang loay hoay tìm đầu ra mong vớt vát được phần nào chi phí đầu tư.

Thấp thỏm lo lắng vụ Tết

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân ở xã Cẩm Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi được mệnh danh là thủ phủ quất cảnh lớn nhất miền Trung đang tích cực chăm sóc quất cảnh để sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Khác với mọi năm, năm nay, thời tiết ở khu vực miền Trung khá khắc nghiệt. Mưa lũ liên tục khiến lượng lớn quất cảnh nơi đây bị hư hại. Bên cạnh đó là tình trạng nấm bệnh trên cây quất cảnh, khiến người dân trồng quất hoang mang.

Vừa tưới nước cho cây, ông Nguyễn Nhành (50 tuổi, trú thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà, TP Hội An) buông tiếng thở dài khi nhắc đến vụ quất cảnh sắp sửa cho thu hoạch. Ông Nhành chia sẻ, vườn quất của ông với hơn 350 chậu quất cảnh, với giá thànhgiao động từ 500.000 đến 4 triệu đồng/chậu.

“Vừa rồi, bão số 9 vô nên bị gió quật làm ngã đổ khá nhiều. Mưa lụt chỗ ni bị ngập nên hư nữa. Ngoài gió bão quật gãy thì nấm bệnh cũng khiến nhiều cây rụng trái, buộc phải nhổ ra khỏi chậu để cứu sống cây nhằm phục vụ cho vụ mùa năm sau”, ông Nhành nói. 

Chung tâm trạng với ông Nhành, anh Phạm Ngọc Cường (39 tuổi, trú thôn Bàu Ốc) cho hay, trải qua một năm thiên tai liên miên, nhiều trận lụt do mưa lớn kéo dài, vườn quất rộng gần 1 hecta của gia đình anh chịu thiệt hại nặng nề. 

“Năm nay, gia đình tôi đầu tư cho vụ Tết hơn 1.000 cây quất. Tuy nhiên, từ sau cơn bão số 9 đến nay, gần một nửa trong số này đã bị hư hại. Năm ngoái, 1.000 chậu quất với đủ các loại từ nhỏ tới lớn đã mang lại cho gia đình tôi khoản lãi lớn. Còn bây giờ, trước tình trạng một nửa số quất đã hư hại thì khả năng thu hồi vốn bỏ ra cũng trở nên rất khó khăn”, anh Cường thở dài.  

Người dân treo bảng bán quất cảnh trước vườn.
Người dân treo bảng bán quất cảnh trước vườn.

Mong ngóng thương lái

Theo ông Nhành, hiện tại, ngoài lo dịch bệnh tàn phá, ông và nhiều nông dân Cẩm Hà như “ngồi trên đống lửa” khi thương lái tìm đến làng quất để đặt hàng rất ít. 

“Mọi năm, tầm đầu tháng 10 âm lịch, các thương lái đổ xô tới tận vườn để chốt hàng và chỉ chờ tới đầu tháng 12 âm lịch là vận chuyển đi tiêu thụ. Đa phần là ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Thế nhưng năm nay, dù đã bước sang tháng 11 âm lịch nhưng vẫn vắng bóng thương lái. Trước tình hình này, chúng tôi thực sự lo lắng”, ông Nhành nói.

Nhiều người dân cho biết, thời điểm này mọi năm, người trồng quất cảnh ở Hội An cơ bản đã “chốt đơn” xong và tập trung vào chăm sóc để giao hàng cho thương lái đúng chất lượng và đúng thời gian. Thế nhưng, năm nay người trồng phải loay hoay tìm đầu ra mong vớt vát vốn đầu tư vụ này.

Cũng theo ông Nhành, đến thời điểm hiện tại, vườn quất của ông chỉ mới được thương lái đặt khoảng 30%. Những vườn quất xung quanh cũng rơi vào cảnh tương tự như vườn nhà ông.

“Mọi năm đến giờ này là thương lái họ đến tranh nhau đặt sỉ gần hết rồi, mình chỉ lo phần chăm sóc sao cho đạt chất lượng thôi. Năm nay thì hầu như khu vực trồng quất ở đây ai cũng đều rơi vào tình trạng giống tôi cả. Thương lái chưa đặt mua nhiều”, ông Nhành nói.

Theo nhiều người trồng quất tại đây, hiện nay các đơn hàng đặt quất tại địa phương chủ yếu ở TP Đà Nẵng, còn các thị trường xa hơn hết sức èo uột khiến gần nghìn hộ trồng quất ở Hội An rất khó khăn. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch Hội An điêu đứng nên nhiều khách sạn, nhà hàng ở đây cũng chưa nghĩ đến việc trang trí quất.

“Thường thì chủ nhà hàng, khách sạn thường hay đặt hàng những cây quất cảnh to, đẹp về trưng ngày Tết. Nhưng giờ dịch bệnh Covid-19 nên các nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa, nên họ cũng không đặt nữa. Càng gần Tết, càng phập phồng lo lắng”, ông Nhành buồn bã nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...