Học từ xa thông qua chơi: Kinh nghiệm từ một ngôi trường ở Đan Mạch

Học từ xa thông qua chơi: Kinh nghiệm từ một ngôi trường ở Đan Mạch

Bài viết sau đây do chính một phụ huynh của trẻ được trải nghiệm học tập thông qua chơi (trò chơi hay việc hoạt động và ghi lại bằng hình ảnh, video,…) ở một trường tiểu học ở Đan Mạch thực hiện.

Qua bài viết, chúng ta có thể thấy được những kinh nghiệm rất tốt từ thực tiễn đã và đang xảy ra trong thời điểm bệnh dịch như hiện nay. Hy vọng bài viết cũng sẽ giúp giáo viên tiểu học của chúng ta có thể tham khảo và thực hiện một cách phù hợp. Bài viết đang trên trang điện tử của Học viện Lego (The Lego Foundation) ngày 12/4/2020.

Ngay từ nhỏ, trẻ có một tiềm năng tự nhiên đáng kinh ngạc để học thông qua chơi, đó là lý do tại sao Trường quốc tế Billund ở Đan Mạch (Trường) đã đặt các hoạt động “chơi” làm trung tâm cho các hoạt động giáo dục của Trường. 

Trong những năm qua, Trường đã làm việc với các nhà nghiên cứu từ ĐH Harvard trong Dự án Zero (Project Zero) để phát triển một phương pháp cho hoạt động chơi, từ đó tạo ra một văn hóa học đường và hỗ trợ hoạt động học tập thông qua chơi, mà giờ đây dường như phương pháp này đã thực sự thể hiện thế mạnh trong thời điểm rất khó khăn hiện nay.

Là một phần nội dung của việc học từ xa, nhà trường và giáo viên gắn kết mỗi đứa trẻ với mức độ năng lực của các em, trong khi vẫn duy trì sự hiểu biết chung về mục tiêu học tập và sự tham gia với bạn bè. Tất cả các hoạt động trong lớp đều được quản lý và tập hợp lại thông qua một diễn đàn (nền tảng) trực tuyến (online platform) và hồ sơ bằng phần mềm Seesaw. Trong một số trường hợp, một nền tảng bổ sung như Google Meet được sử dụng để tương tác nhóm hoặc một vài ứng dụng khác để cho phép tải lên và chia sẻ.

Dưới đây là một số ví dụ mà tôi thấy hiệu quả về các hoạt động dạy học từ xa như vậy đã diễn ra trong lớp học cấp Tiểu học:

- Tạo một “cuốn sách tên” minh họa bằng tiếng Anh, 2 trang với các đoạn văn ngắn cùng biểu tượng để mô tả tại sao em lại có tên như vậy. Trẻ em được đề nghị tìm hiểu lý do tên của mình và suy nghĩ về các biểu tượng để mô tả nó. Lớp học kết thúc có một cuốn sách trực tuyến với tất cả các tên học sinh trong đó, mà các em rất thích được đọc qua.

- Chọn một cuốn sách và một trong những câu chuyện yêu thích ở nhà. Trẻ tự ghi lại các mô tả một vài trang trong cuốn sách, vẽ một minh họa từ cuốn sách hoặc xây dựng một mô hình cụ thể để minh họa một khía cạnh của câu chuyện hoặc một kết thúc thay thế cho câu chuyện đó.

- Đối với môn Toán khi học phân số, trẻ em được khuyến khích tìm kiếm các đồ vật trong nhà có thể mô tả qua các phân số, chụp ảnh và tải nó lên Seesaw. Một số chọn LEGO ở các kích cỡ khác nhau, một số khác chọn giấy trong khi những em khác chọn các kích thước khác nhau của các đồ vật trong gia đình.

- Trẻ em được khuyến khích tạo ra và quay phim lại các trò chơi toán học của riêng mình để thực hành các phép toán đã học. Chẳng hạn, trẻ có thể trải các tờ giấy với các số từ 1 đến 9 trên sàn cùng với ký hiệu của phép nhân, phép cộng và phép trừ và thử các cách tạo ra các phép toán khác nhau bằng cách di chuyển trên các tờ giấy.

- Giáo viên khuyến khích trẻ làm video hướng dẫn của riêng mình về một hoạt động muốn làm; ví dụ là một video vui nhộn về giáo viên cố đeo một cái mặt nạ (và đeo không đúng). Điều này tạo ra sự tự tin ở trẻ em rằng có thể có sai lầm khi thực hiện công việc, và trẻ có thể quay những trò chơi khác, như nướng bánh hoặc thể hiện kỹ năng của mình thực hiện một trò chơi nào đó cho người khác.

- Trẻ được yêu cầu xác định bề mặt (surfaces) và các hình dạng của các loại đồ vật khác nhau trong nhà dựa trên danh sách các hình mà giáo viên cung cấp; một cái gì đó sáng bóng, một cái gì đó thô, tròn, dài, dính, v.v. Quay lại bằng video hoặc hình ảnh và tải lên và mô tả được sự khác biệt giữa các vật thể khác nhau.

- Một trong những hoạt động yêu thích là xem có thể lật chai nhựa đứng lại được bao nhiêu lần (chú thích của người dịch: tức là tung sao cho chai nhựa lại đứng như đặt). Ở đây, giáo viên cố ý tung mà chai không đứng được nhiều lần, và sau đó khuyến khích trẻ em thử làm. Con gái tôi dành gần một giờ để thử nghiệm, cố gắng, cải thiện và quay những lần thử của mình.

- Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Lễ Phục sinh (Easter), các em đã thiết kế và viết thư về Lễ Phục sinh. Một truyền thống ở Đan Mạch, nơi những đứa trẻ sẽ cắt những mảnh giấy rất đẹp và sau đó viết những bài thơ lên và tìm ra những cách sáng tạo để giấu đi tên của các em. Các sản phẩm được tải lên Seesaw, nhưng cũng có một số trẻ gửi thư đó cho bạn bè và gia đình của các em.

Thông thường lúc đầu vào sẽ là một hoạt động thực hành, ví dụ, bạn tạo ra một mô hình cụ thể nhưng đơn giản, hoặc thực hiện một cuộc phỏng vấn về cách bạn làm toán hoặc bài đọc về những gì có thể xảy ra và những gì sẽ khó. Một bài tập thực hành sẽ dẫn đến việc một số trẻ tạo ra các hoạt động rất sáng tạo của các bài mà các em tự phỏng vấn.

Rõ ràng để thực hiện được những việc này đòi hỏi phải có thể truy cập vào máy tính và các hoạt động cũng có thể bao gồm các trò chơi chữ trên màn hình, sử dụng hình ảnh, biểu tượng và trình bày, đọc sách trực tuyến, v.v.. Tuy nhiên, cần luôn phải có sự kết hợp giữa công việc qua máy tính và các hoạt động thể chất sao cho cân bằng trong suốt cả ngày.

Điều có vẻ là thú vị duy nhất ở đây là các hoạt động vốn đã vui. Hoạt động thường rất hấp dẫn, mang lại ý nghĩa và thú vị cho cả trẻ và giáo viên, nhưng giáo viên cũng đặc biệt quan tâm là cần thử nghiệm trước và cố gắng thử sử dụng những đồ vật thường có trong gia đình trẻ.

Học từ xa thông qua chơi: Kinh nghiệm từ một ngôi trường ở Đan Mạch ảnh 1

Đây là những gì tôi quan sát thấy được là có thể tổ chức được:

- Phần lớn các hoạt động là đều kết thúc mở (tức là lại được tiếp tục nữa) và vốn dĩ rất thú vị để bắt đầu, sử dụng các vật có sẵn hàng ngày mà trẻ có thể tìm thấy xung quanh chúng.

- Trong tuần, giáo viên sắp xếp để tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp ngắn 20-30 phút cho các nhóm 3-4 trẻ (các nhóm đông hơn thường hoạt động không hiệu quả), nơi các em có thể nói về cảm giác của chúng, và những gì chúng đang làm, và theo cách đó tạo thêm bạn bè cho trẻ cùng chơi và hợp tác.

- Mỗi buổi sáng, giáo viên nên bắt đầu với một đoạn video ngắn và vui nhộn về một điều gì đó đáng ngạc nhiên và giàu trí tưởng tượng để khiến trẻ bắt đầu một cách tò mò; có thể là một video ngắn về một con chó con bị lạc, hoặc cho phép mọi người tìm bộ đồ ngủ yêu thích để chia sẻ, hoặc thực hiện một hoạt động sáng tạo nhỏ, v.v.

- Các giáo viên đưa ra phản hồi ngay thông qua các bình luận trực tuyến (tất cả các bình luận đều được các giáo viên quản lý), luôn khuyến khích những phản hồi này theo quan điểm tích cực và ý tưởng mang tính xây dựng.

- Lịch trình tổ chức hoạt động trong ngày cần linh hoạt; mỗi sáng cần có một loạt các hoạt động mới chuẩn bị sẵn dựa trên các chủ đề chương trình giảng dạy khác nhau, và trẻ em có thể chọn thoe khả năng và mong muốn sao cho trẻ không chỉ thử mà còn cần cố gắng nhiều nhất để thực hiện. Đôi khi, có buổi học sáng kết thúc vào lúc 1 hoặc 2 giờ chiều (với điều kiện của Đan Mạch). Vào những ngày khác, trẻ em sẽ gửi đi các ghi chú cuối cùng ngay trước giờ đi ngủ trưa.

Tôi thực sự tin rằng các cách tiếp cận như vậy phụ thuộc nhiều vào năng lực giáo viên để có thể tạo ra các trò chơi vui tươi và sáng tạo, giúp giáo viên hướng đến và thích nghi với cách dạy mới này trong thời điểm bệnh dịch như hiện nay. Sự hợp tác với các nhà nghiên cứu để nghiên cứu các phương pháp sư phạm hỗ trợ việc học thông qua chơi chủ yếu để tạo ra một văn hóa, nơi có thể thử và chia sẻ những ý tưởng mới; không có gì cần phải hoàn hảo ngay từ đầu, cần phải là một quá trình học tập mang lại niềm vui, sự tham gia và sự tò mò.

Tôi đã hỏi Hiệu trưởng Trường là bà Camilla Uhre Fog về những gì bà ấy tin là đã giúp quá trình học từ xa thành công. Bà ấy đã đề cập đến ba vấn đề:

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là Trường đã được hưởng lợi từ thực tế là Trường đã có một cộng đồng đã sử dụng, thử nghiệm và sẵn sàng tiếp nhận việc học tập thông qua vui chơi trong nhiều năm qua. Nhiều những trải nghiệm sư phạm như vậy đã trở thành công việc hàng ngày trước đây đối với giáo viên và học sinh: cho phép thử nghiệm và chấp nhận rủi ro, thu hút trí tưởng tượng để khám phá ý tưởng riêng và một điều quan trọng nữa là khuyến khích trẻ thông qua tự học để theo đuổi ý tưởng riêng của mình.

Học từ xa thông qua chơi: Kinh nghiệm từ một ngôi trường ở Đan Mạch ảnh 2

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là với thời gian khó khăn hiện nay là các giáo viên đang làm việc chăm chỉ để duy trì sự linh hoạt trong chiến lược dạy học của họ, bởi vì có những hoạt động tạo vui thích cho một trẻ này có thể không giúp vui thích cho trẻ khác. Tư duy linh hoạt đó chắc chắn sẽ giúp giữ cho mọi thứ tươi mới và niềm vui cho các trẻ trong tình huống hện nay.

Có một nền tảng hoạt động tốt để tạo điều kiện cho việc học tập mở cũng là một điểm cộng lớn. Giáo viên của chúng tôi đã may mắn bắt đầu sử dụng SeeSaw vào năm ngoái và từ đó đảm bảo rằng cả học sinh và phụ huynh đều quen thuộc với cách sử dụng nền tảng này.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là điều này cũng có thể vì thế nhà trường không chỉ dựa vào bài kiểm tra cuối cùng để đo lường sự tiến bộ của học sinh. Thay vào đó, trường liên tục tìm kiếm những cách khác nhau để chia sẻ việc học của học sinh với phụ huynh, điều này dẫn đến một hồ sơ học tập trực tuyến cho trẻ được đánh giá ngay từ đầu.

Cuối cùng, mặc dù việc giao một nhiệm vụ học tập hàng tuần cho trẻ và trẻ gửi lại vào cuối tuần có thể có lợi là tạo ra sự linh hoạt lâu dài, nhà trường nhận thấy rằng cách làm này chưa được hiệu quả như cách thực hiện với một ngày học bình thường khi mà giáo viên cung cấp phản hồi ngay. Điều này có thể là thách thức đối với cả giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, cần tạo ra cho trẻ cảm thấy rằng giáo viên luôn bên cạnh và sẵn sàng hỗ trợ trẻ. Điều này sẽ giúp cho trẻ không chỉ cảm giác bình thường mà còn có động lực để duy trì kết nối và cố gắng.

Là phụ huynh của một trong những đứa trẻ ở Trường tiểu học này, và với những trải nghiệm như vậy, tôi tin tưởng rằng học từ xa không chỉ là phương tiện có thể giúp vượt qua những thời điểm khó khăn này mà còn có tiềm năng lâu dài, rất thú vị và không đòi hỏi nhiều điều kiện từ phụ huynh. Sẽ rất thú vị nếu chúng ta biết thêm những trải nghiệm học tập từ xa khác với hoạt động học và chơi.

Seesaw là một nền tảng (platform) cho học sinh có thể tham gia vào lớp học (khi giáo viên tạo lớp học từ xa trên nền tảng này), tạo cảm hứng cho học sinh đối với mọi lứa tuổi. Đặc biệt nền tảng này với một số ưu thế đặc biệt của các tính năng cho phép đang được khai thác để tạo lớp học từ xa cho học sinh lứa tuổi tiểu học ở nhiều nước trên thế giới.

Seesaw cho phép học sinh sử dụng các công cụ trên đó để vẽ, chụp ảnh, làm video và một số tính năng khác để tạo hồ sơ các hoạt động học tập. Giáo viên có thể tìm và tạo ra các hoạt động (chụp lại, vẽ, video,…) chia sẻ cho học sinh. Cha mẹ học sinh có thể xem được các sản phẩm học tập của học sinh và có thể bình luận vào các sản phẩm đó. Giáo viên có thể tìm hiểu thêm và tìm cơ hội khai thác Seesaw cho việc tổ chức lớp học từ xa cho học sinh của mình trên trang https://web.seesaw.me/

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...