Học trò trường tỉnh sáng tạo phần mềm dự thi quốc tế

GD&TĐ - Học sinh lớp 11 ở Sóc Trăng sáng tạo “Phần mềm chấm trắc nghiệm bằng xử lý ảnh” được chọn tham dự cuộc thi quốc tế tại Malaysia.

Em Nguyễn Thế Vinh, HS lớp 11 Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng).
Em Nguyễn Thế Vinh, HS lớp 11 Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng).

Thỏa đam mê công nghệ thông tin

Cậu học trò mê sáng tạo là em Nguyễn Thế Vinh (sinh năm 2007), đang học lớp 11 Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Thế Vinh cho biết: “Em rất mê nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin. Được sự hướng dẫn của cô Trần Thị Kim Thoa (giáo viên Tin học), em tìm hiểu và nảy sinh ý tưởng thực hiện đề tài “Phần mềm chấm trắc nghiệm bằng xử lý ảnh” và rất bất ngờ khi được Tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) chọn tham dự vòng chung kết Cuộc thi lập trình Coolest Project Malaysia vào cuối tháng 11/2023.

Em rất bất ngờ và rất vui khi nhận được thông báo sản phẩm của mình được chọn đi thi ở một cuộc thi quốc tế”.

Theo Thế Vinh, phần mềm giúp giáo viên chấm bài kiểm tra chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, không cần các máy quét hiện đại mà vẫn đảm bảo độ chính xác khi chấm bài trắc nghiệm. Ngoài ra còn hỗ trợ lưu trữ và quản lý trên Google Drive.

Phần mềm có các chức năng như tạo dữ liệu chấm bài, sửa dữ liệu chấm bài, xem ảnh scan, chấm bài scan, xem kết quả chấm, sửa kết quả chấm scan, xuất kết quả Excel, chấm bài qua máy in... Phần mềm hỗ trợ cảnh báo khi bài thi có dấu hiệu bất thường, phần mềm tự động xoay ảnh khi hình ảnh bị lật hoặc quét chưa chính xác thẳng đứng. Phần mềm lưu trữ các kết quả chấm trên Google Drive thư mục chia sẻ công khai.

Về nguyên lý hoạt động, bộ dụng cụ khá đơn giản gồm: smartphone có camera, một thùng đựng giấy A4 rỗng, một thanh để kê điện thoại bên trên. Khi chấm bài thi, người dùng chỉ cần bật phần mềm lên, đưa bài vào thùng thì camera sẽ quét, giáo viên chỉ việc ghi kết quả lại. Hình ảnh các bài thi đã chấm được lưu lại, đáp án nào đúng, đáp án nào sai, đều được sao lưu.

Sau đó được lưu trữ trong thư mục Google Drive công khai cho các giáo viên khác cùng truy cập, đảm bảo tính khách quan và hiệu quả. Giúp giáo viên chấm bài trắc nghiệm rút ngắn thời gian, độ chính xác nâng cao, giảm chi phí đầu tư (có thể tự làm), linh hoạt khi chấm với các phần mềm chấm và mẫu phiếu khác nhau.

Thế Vinh và cô giáo Trần Thị Kim Thoa.
Thế Vinh và cô giáo Trần Thị Kim Thoa.

Công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên

Cô Trần Thị Kim Thoa, giáo viên Tin học cho biết: Phần mềm chấm trắc nghiệm bằng xử lý ảnh có thể tự căn chỉnh bài trắc nghiệm, có thể tự lật nếu chụp chưa đúng góc. Phần mềm này đảm bảo được các yêu cầu cơ bản như dễ dàng sử dụng, có ngôn ngữ tiếng Việt, dễ dàng cài đặt trên thiết bị smartphone; có khả năng lưu trữ, xuất kết quả từng số phiếu, thống kê, báo cáo… trên Google Drive để đảm bảo lâu dài; có khả năng cho phép người dùng lựa chọn thời gian quét (chụp) phiếu khác nhau trong khoảng thời gian nhanh nhất; có thể chấm bài offline hoặc online...

Nói về tính mới, tính sáng tạo của phần mềm, cô Trần Thị Kim Thoa cho biết: Chấm thi trên máy tính cần phải kết nối với máy scan, nhưng giá thành của máy scan khá cao (trên 10 triệu đồng/máy), giáo viên rất khó để tự trang bị.

Phần mềm chấm trắc nghiệm của em Thế Vinh có nhiều ưu điểm như: Đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh, hạn chế được quay cóp bài, kết quả khách quan, hạn chế được những sai sót trong quá trình chấm của giáo viên khi chấm trên giấy, tiết kiệm được thời gian chấm bài, giảm bớt công sức của thầy cô.

Thế Vinh đang vận hành Phần mềm chấm trắc nghiệm bằng xử lý ảnh.
Thế Vinh đang vận hành Phần mềm chấm trắc nghiệm bằng xử lý ảnh.

Phần mềm chấm trắc nghiệm có thể truy cập bằng máy tính và cả điện thoại dưới dạng web với độ chính xác tuyệt đối. Đã áp dụng thử tại Trường THPT Hoàng Diệu và được thầy cô đánh giá cao.

“Theo dõi trên trang của Ban tổ chức, có 40 sản phẩm của học sinh nhiều nước trên thế giới được chọn tham gia Cuộc thi lập trình Coolest Project Malaysia. Việt Nam có 4 sản phẩm được chọn, trong đó có 1 sản phẩm là phần mềm của em Nguyễn Thế Vinh”, cô Trần Thị Kim Thoa cho biết thêm.

Ngày 17/10/2023, Tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) đã gửi thông báo đến Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng về việc mời em Nguyễn Thế Vinh và cô Trần Thị Kim Thoa tham dự vòng chung kết Cuộc thi lập trình Coolest Project Malaysia được tổ chức tại Penang (Malaysia) vào ngày 26/11/2023 với sản phẩm “Phần mềm chấm trắc nghiệm bằng xử lý ảnh” (tên tiếng Anh là: Software for scoring muntiple choice tests by image processing).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.