Học tiền lớp 1: Hãy để giáo viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

GD&TĐ - Với mục tiêu trò đọc thông viết thạo khi kết thúc năm học đầu tiên của tiểu học, chương trình lớp 1 mới dành nhiều thời gian hơn cho môn Tiếng Việt.

Cô trò lớp 1 Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) trong ngày tựu trường năm học 2023 - 2024. Ảnh: TG
Cô trò lớp 1 Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) trong ngày tựu trường năm học 2023 - 2024. Ảnh: TG

Theo TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), trò đạt chuẩn đầu ra theo quy định là trách nhiệm của giáo viên; phụ huynh có vai trò phối hợp.

Chương trình “nặng”?

- Ông đánh giá ra sao về nội dung Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1, nhất là môn Tiếng Việt?

Thông tư 27/2020 đã mang lại nhiều đổi mới tích cực trong đánh giá học sinh tiểu học, góp phần tạo môi trường giáo dục học tập thân thiện, tích cực và hiệu quả hơn. Triển khai hiệu quả Thông tư này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để đảm bảo thế hệ học sinh tiểu học phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu thời đại mới.

- Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới cho trẻ 5 tuổi được thiết kế bài bản, khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Chương trình cũng chú trọng trang bị những kỹ năng, thái độ để trẻ chủ động, tự tin và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi vào lớp 1.

Ở những nơi trẻ 5 tuổi được học Chương trình GDMN đúng quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn toàn có thể yên tâm đủ khả năng để chuyển lên cấp tiểu học. Chúng ta cần phối hợp tốt với phụ huynh để trẻ được đảm bảo về thể chất.

Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1 có sự điều chỉnh để tiếp nối gần hơn Chương trình GDMN. Chúng ta đang tiếp cận tổng thể theo hướng không tăng về thời lượng môn học, nhưng có điều chỉnh thời lượng các môn học với nhau, nhất là Tiếng Việt – môn cần thiết cho trẻ để đọc thông viết thạo trước khi học các môn khác.

Chương trình trước đây quy định 350 tiết môn Tiếng Việt cho lớp 1, chương trình mới đã tăng lên thành 420 tiết. Rõ ràng, học sinh lớp 1 được học nhiều tiết môn Tiếng Việt hơn nhưng giảm thời lượng học các môn khác. Sự điều chỉnh này ưu tiên thêm điều kiện, thời gian để thầy dạy trò đọc thông viết thạo, đủ kỹ năng trước khi học các môn khác.

- Thời lượng học môn Tiếng Việt tăng lên liệu có gây áp lực với học sinh lớp 1?

- Về cách tổ chức dạy học lớp 1 cũng như cách tiếp cận, chúng ta đang làm sâu sắc việc dạy học theo cá thể phù hợp với năng lực từng em. Với quan điểm dạy theo hướng đáp ứng tối đa sự phát triển của học sinh, chúng ta đã tổ chức học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học. Ở độ tuổi này, mỗi trẻ có sự phát triển các năng lực khác nhau. Do đó, nhà trường sẽ thiết kế học theo nhóm đối tượng để đảm bảo đủ thời lượng bổ sung những năng lực còn yếu cho các em.

Trước đây, chương trình được thiết kế theo từng tiết thì đến nay trao quyền chủ động cho giáo viên khi tổ chức bài học hay chủ đề học tập. Tức là, với thời lượng 420 tiết tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể thiết kế thành các chủ đề học tập về âm, vần, từ, câu ngắn, câu ghép… để học sinh tiếp cận. Ví dụ, trẻ lớp 1 ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh chỉ cần 4 tiết để học về chủ đề âm vần, còn học sinh khu vực miền núi với điều kiện học tập khó khăn thì có thể cần đến 8 tiết. Đó là quyền học tập để làm sao đáp ứng được mức độ tiếp nhận của học sinh.

- Vậy theo ông, chương trình lớp 1 mới có “nặng” hơn so với chương trình cũ như nhiều phụ huynh lo lắng?

- Khi triển khai chương trình lớp 1 mới ở giai đoạn đầu, có ý kiến cho rằng chương trình có vẻ “nặng” hơn khi nhìn trong sách giáo khoa thấy cùng 1 bài học gồm 4 âm. Có quan điểm trên bởi họ lầm tưởng trẻ chỉ được học trong vòng 1 tiết. Thực ra, với thời lượng 350 tiết trước đây hay 420 tiết bây giờ, trẻ vẫn được học chừng đó âm, vần và giờ còn học 2 buổi/ngày. Về mặt chương trình, Bộ GD&ĐT đã có sự điều chỉnh thận trọng về thời lượng dạy cho học sinh lớp 1.

Bỏ qua các yếu tố dịch bệnh, những năm vừa qua khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ở vùng khó khăn đa số trẻ lớp 1 đọc thông viết thạo ngay sau khi kết thúc học kỳ I. Do đó, giữa giáo viên với phụ huynh cần có sự đồng hành, đồng quan điểm để triển khai dạy Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1 cho phù hợp. Phụ huynh hiểu được cốt lõi chương trình, cách đánh giá học sinh để giảm lo lắng và có hình thức hỗ trợ trẻ phù hợp, phối hợp nhịp nhàng với giáo viên.

TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: TG

TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: TG

Không nên lo thái quá!

- So với chương trình cũ thì cách kiểm tra, đánh giá ở chương trình lớp 1 mới có điều gì đặc biệt thưa ông?

- Ngày 4/9/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 27/2020 quy định về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở kế thừa trên nguyên lý đánh giá học sinh tiểu học của Thông tư 30/2014 và Thông tư 22/2016 trước đây là đánh giá vì sự tiến bộ của từng người học theo phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình.

Thay vì chỉ tập trung vào điểm số, Thông tư 27/2020 chú trọng đánh giá mức độ phát triển năng lực của học sinh theo từng môn học, hoạt động giáo dục và phẩm chất, năng lực đạo đức. Việc này thực hiện thông qua nhiều phương pháp như quan sát, thảo luận, thực hành, kiểm tra... giúp giáo viên đánh giá học sinh toàn diện, khách quan hơn. Học sinh được nhận xét cụ thể ưu, nhược điểm và định hướng phát triển, từ đó có thể điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp để đạt hiệu quả cao hơn.

Đồng thời, giáo viên có vai trò chủ động trong việc thiết kế, tổ chức và thực hiện đánh giá học sinh. Phụ huynh cũng tham gia vào quá trình này, góp phần đánh giá sự phát triển của con em tại nhà. Học sinh được tự đánh giá bản thân, nhận thức được ưu, nhược điểm và có ý thức học tập tốt hơn. Do được học 2 buổi/ngày, giáo viên có điều kiện sâu sát để giúp học sinh tiến bộ mỗi ngày.

- Theo quy định, trường tiểu học và mầm non phải có sự kết nối để hiểu hơn về chương trình học giữa hai cấp, từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Ông có thể nói rõ hơn về sự phối hợp này?

- Trong quy chế sinh hoạt chuyên môn của trường tiểu học, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải có sự kết nối giữa trường mầm non và tiểu học trên cùng địa bàn tuyển sinh. Tức là giáo viên được dự kiến dạy lớp 1 năm học sau phải sinh hoạt chuyên môn cùng giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi trên địa bàn mình tuyển sinh mỗi năm ít nhất 2 lần.

Lần đầu tiên, giáo viên tiểu học xuống sinh hoạt chuyên môn cùng giáo viên mầm non 5 tuổi để nói về một số nét chính của chương trình lớp 1. Qua đó, giáo viên mầm non nắm bắt được ở lớp 1, học sinh được học thế nào để trang bị cho trẻ 5 tuổi những kỹ năng cơ bản phù hợp. Lần thứ hai, giáo viên mầm non sinh hoạt chuyên môn cùng giáo viên tiểu học để bàn giao hồ sơ học sinh, thông tin toàn diện về những kỹ năng mình đã dạy cho trẻ 5 tuổi cũng như một số điểm cần lưu ý.

Nếu làm tốt điều này là làm tốt công tác truyền thông nội bộ giữa các nhà trường, giáo viên với nhau. Khi thầy, cô giáo thông hiểu nội dung chương trình lớp 1 thì mới có thể tiếp tục trao đổi, tư vấn cho phụ huynh học sinh. Mục tiêu nhằm giúp phụ huynh hiểu bản chất chương trình, không nên lo lắng thái quá mà tạo áp lực bằng việc cho các em học lớp tiền tiểu học một cách tràn lan.

Học sinh Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) trong giờ học Tiếng Việt. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) trong giờ học Tiếng Việt. Ảnh: TG

Không đánh đồng khái niệm

- Thực tế ở nhiều nơi phụ huynh cho con 5 tuổi đi học các lớp tiền tiểu học. Bộ GD&ĐT có văn bản nào quy định về vấn đề này không, thưa ông?

- Hiện Bộ GD&ĐT không có bất cứ văn bản nào quy định về việc dạy tiền tiểu học hay dạy trước khi vào lớp 1. Bộ GD&ĐT đã ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương, nhà trường nghiêm cấm việc dạy trước chương trình cho trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1.

Ngày 11/12/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 23/2023 quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT mới cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 còn hạn chế. Và việc này được thực hiện ở trường tiểu học, biên chế theo lớp, quy định rõ đối tượng được học rất rõ ràng.

Nguyên tắc thực hiện Thông tư 23/2023 là tiếp cận theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, trong đó lấy việc hình thành và phát triển năng lực tiếng Việt làm định hướng cơ bản. Thực hiện phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, dạy học ngôn ngữ thứ hai để dạy học tiếng Việt cho trẻ. Tổ chức thông qua hoạt động chơi, trải nghiệm, khám phá, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học.

- Xin cảm ơn ông!

“Đối với những vùng điều kiện thuận lợi, nhất là ở đô thị lớn, phụ huynh không nên cho trẻ 5 tuổi đi học tiền tiểu học. Bộ GD&ĐT đã ra chỉ thị nghiêm cấm dạy trước chương trình lớp 1 với trẻ 5 tuổi tại trường mầm non cũng như các trung tâm bên ngoài. Các cơ quan quản lý ở địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm tra. Nếu đơn vị nào vi phạm phải xử lý nghiêm”, TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.