Nga đã thực hiện hai bước quan trọng để tăng cường năng lực phòng thủ vào năm 2024, bao gồm việc cập nhật học thuyết hạt nhân và thử nghiệm thực chiến tên lửa Oreshnik tiên tiến.
Vậy tại sao những bước này lại quan trọng?
Larry Johnson, cựu sĩ quan tình báo CIA và quan chức Bộ Ngoại giao, nói với RIA rằng học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga nhằm mục đích "cảnh báo phương Tây" .
Liên quan thế nào đến mối quan hệ Nga-phương Tây
Các nước phương Tây "đang tạo ra một tình huống nguy hiểm hơn và tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga, vốn đã sẵn sàng đáp trả. Đó là thông điệp mà Moscow đang cố gắng gửi đi", Johnson nói, ca ngợi việc Điện Kremlin tuân thủ các thỏa thuận quan trọng.
"Nga luôn ký kết những hiệp ước này một cách thiện chí và tuân thủ chúng, bất kể đó là Hiệp ước START hay Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo hay Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung hay Thỏa thuận Minsk – Minsk 1 và Minsk 2", cựu văn phòng CIA nhấn mạnh.
"Phương Tây luôn là bên phản bội những thỏa thuận đó", ông lưu ý và nói thêm "đến một lúc nào đó, Nga sẽ thức tỉnh và nhận ra rằng vấn đề này đã vượt ra ngoài ranh giới truyền thông".
Vào tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân được cập nhật, nêu chi tiết các kịch bản có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga hoặc Belarus gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đến chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của họ.
Cuộc tấn công bằng Oreshnik
"Họ không quan tâm. Họ nghĩ rằng việc họ tiếp tục cho phép Ukraine phóng tên lửa Storm Shadow và ATACMS vào lãnh thổ Nga và giết hại công dân Nga chỉ là một thông điệp khác", Johnson lập luận.
Ông Putin xác nhận rằng Nga đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik vào ngày 21 tháng 11, tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine tại Dnepropetrovsk.
Cuộc tấn công là phản ứng trước việc Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp để tấn công các cơ sở ở khu vực Kursk và Bryansk của Nga.
Có thận trọng hơn?
Sau vụ Nga phóng tên lửa Oreshnik, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin nhận định, việc Moscow sử dụng tên lửa Oreshnik trên lãnh thổ Ukraine buộc London phải thận trọng hơn khi tấn công bằng vũ khí tầm xa bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên theo Reuters, Anh có vẻ không hề thận trọng như nhà ngoại giao Nga nói. Bởi theo thông báo của Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 28 tháng 12, Kiev đã tập kích và phá hủy một kho UAV tầm xa tại tỉnh Oryol của Nga bằng tên lửa Storm Shadow.
"Không quân Ukraine đã phối hợp với các đơn vị khác của quân đội tấn công một cơ sở quân sự kiên cố của lực lượng vũ trang Nga tại tỉnh Oryol bằng tên lửa do Anh cung cấp", thông báo của Ukraine.
Lực lượng này cho biết đòn đánh đã phá hủy một kho chứa, bảo dưỡng và sửa chữa máy bay không người lái (UAV) dạng Shahed của Nga.
"Hoạt động tác chiến này đã làm giảm đáng kể năng lực của đối phương trong việc triển khai UAV tấn công nhắm vào hạ tầng dân sự Ukraine", Bộ tổng tham mưu Ukraine cho hay, song không cung cấp bằng chứng về vụ tập kích.
Astra, kênh Telegram Nga có quan điểm phản chiến, hôm 26 tháng 12 dẫn nguồn tin cho biết một cơ sở quân sự nằm giữa hai làng Tsimbulova và Rudnevo tại tỉnh Oryol đã trúng ít nhất ba tên lửa hành trình Storm Shadow của Ukraine, khiến hai quân nhân thiệt mạng và 7 binh sĩ bị thương.