(GD&TĐ) - Hơn hai năm qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các trường học tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo hiệu quả rõ nét trong động cơ phấn đấu và rèn luyện của đội ngũ cán bộ, giảng viên và làm chuyển biến chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Vậy chiều sâu cuộc vận động là gì? Làm thế nào để phong trào đi vào thực tiễn? Đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi nêu ra, GD&TĐ có cuộc trò chuyện với TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - ĐH Đà Nẵng, một đơn vị điển hình của phong trào học tập và làm theo gương Bác.
Thưa TS Võ Như Tiến, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện phong trào học tập và làm theo gương Bác của đơn vị mình cũng như của Đại học Đà Nẵng?
- Sau khi có Chỉ thị số 03 - CT/TW ngày 24/5/2011 của Bộ Chính trị, Đảng bộ Trường Cao đẳng Công nghệ đã kiện toàn Ban chỉ đạo, giúp Đảng ủy tiếp tục đẩy mạnh và đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - ĐH Đà Nẵng |
Đó là về mặt lý thuyết. Điều quan trọng hơn cả vẫn là những giải pháp, việc làm cụ thể, là sự đổi mới cách thức triển khai. Ông có thể nêu một vài cách làm thể hiện tính cụ thể hóa và đổi mới của phong trào?
- Đầu năm học, toàn thể đảng viên, CBVC, sinh viên nhà trường đã viết bản đăng ký thực hiện học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh với những nội dung, tiêu chí cụ thể phù hợp với nhiệm vụ của mình. Từ Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên đều phải viết bằng tay chứ không được đánh máy. Cách làm này vừa tránh tình trạng sao chép của nhau, vừa để mỗi người trong khi viết tự suy ngẫm, ghi nhớ những điều mà mình vẫn làm.
Theo như tên gọi của cuộc vận động thì có 2 vế: học tập và làm theo. Hai mặt này song song với nhau và ý nghĩa của “làm theo” vô cùng quan trọng. Trong thực tế, có những đơn vị báo cáo về lý thuyết rất hay nhưng kết quả hoạt động lại không thuyết phục; ý kiến của ông như thế nào?
- Đúng như vậy! Theo tôi, bất cứ cuộc vận động, phong trào nào cũng cần phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo, chứ không thể chung chung. Bản chất của “Học tập và làm theo gương Bác” chính là sự nêu gương, chứ không phải là chỉ nói, chỉ học lý thuyết không thôi là đủ.
Ở cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Đà Nẵng, Bí thư Chi bộ nhà trường, ông đã triển khai như thế nào về “tính nêu gương” ấy trong đội ngũ cũng như trong các em SV?
- Song song với công tác tuyên truyền, sinh hoạt theo từng chuyên đề cụ thể, từng đảng viên, CBVC, HSSV của trường căn cứ vào nhiệm vụ được giao, tự giác chọn ra những nội dung, việc làm thiết thực để đăng ký phấn đấu. Bộ phận giúp việc phối hợp với Phòng CTHSSV tổ chức kiểm tra, đánh giá, cho điểm rèn luyện của HSSV về việc thực hiện. Cấp ủy và lãnh đạo đơn vị phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên tổ chức lấy ý kiến quần chúng đóng góp ý kiến đối với đảng, cán bộ, đảng viên, CBVC về đạo đức, lối sống thông qua các diễn đàn trao đổi trực tiếp với HSSV, thông qua các thư đóng góp ý kiến tại thùng thư của hiệu trưởng… Các chi bộ, đơn vị tiếp thu ý kiến của quần chúng, HS, SV và phản hồi thông tin đến người được góp ý rất đầy đủ, thẳng thắn…
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng trình bày đề tài NCKH năm 2013 |
Được biết, ngay tại Đại học Đà Nẵng, nhiều đồng nghiệp cũng như HS, SV đánh giá cao về tính nêu gương của hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ?
- 34 năm làm giảng viên, tôi luôn tâm niệm điều Bác dạy là phải đào tạo thế hệ trẻ “thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên"”. Bản thân mỗi thầy cô giáo phải chuẩn mực thì mới có thể làm gương cho học sinh được. Tôi thấy mỗi lời mình nói, mỗi việc mình nói đều rất có tác động tới các em sinh viên. Vì vậy, khi lên lớp, tôi luôn dành ít phút tranh thủ lồng ghép, tích hợp về giáo dục đạo đức, thái độ ứng xử, ý thức rèn luyện cho SV. Chẳng hạn, tôi hỏi:
Lớp mình có em nào thuộc diện mồ côi không? Rồi tôi tâm sự với các em về hoàn cảnh của chính bản thân (bố tôi hy sinh khi tôi mới 7 tháng trong bụng mẹ), học cấp 2, cấp 3 tôi phải đi bộ hàng chục cây số tới trường; đến khi làm giảng viên vẫn còn phải đi xe đạp. Từ đó, tôi chốt lại: “Các em bây giờ đủ đầy hơn thầy nhiều về cả tình cảm lẫn vật chất, có rất nhiều điều kiện để học tập, để phấn đấu để đạt nguyện vọng của mình”.... Tôi còn chỉ ra rất nhiều gương các thầy cô giáo ngay trong nhà trường và cả các sinh viên ở những khóa trước đã vượt khó để học lên, để thành tài cũng như thành công như thế nào. Một khi các em hiểu ra rằng, không có con đường sẵn có để tới vinh quang, tất cả đều phải bằng sự nỗ lực tự thân, thì các em không còn tự ti về việc mình chỉ là SV cao đẳng chứ không phải đại học?
Có nghĩa là ông còn làm cả công tác “phân luồng” ngay ở môi trường đào tạo cao đẳng của mình?
- Chứ sao! Không phân luồng cao đẳng, trung cấp, ai cũng đòi vào đại học thì lấy đâu ra chỗ? Kết quả của việc “quá tải” đại học thì đang ở ngay trước mắt đấy. Nạn thất nghiệp, thừa thầy, thiếu thợ đang là bài toán phải tìm cách cứu gỡ.
Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng có góp phần vào việc giải bài toán khó ấy cho xã hội hay không, thưa ông?
- Là một trường cao đẳng thuộc thuộc hệ thống công lập, có bề dày hơn 50 năm, lại được thừa hưởng một đội ngũ giảng viên dày kinh nghiệm, một sinh khí nghiên cứu, ứng dụng khoa học từ thời GS.TSKH Bùi Văn Ga còn làm lãnh đạo, trường chúng tôi có lợi thế trong thu hút SV vào trường nhiều năm qua. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi thoát khỏi thực trạng khó khăn chung của hệ thống các trường cao đẳng. Muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện tại thì chỉ có con đường: Khẳng định vị thế của mình, cung ứng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bằng chứng nào để ông có thể tự tin rằng sinh viên do Trường Cao đẳng Công nghệ đào tạo đáp ứng được yêu cầu xã hội, nghĩa là vừa phải “hồng”, lại vừa phải “chuyên” như lời Bác dạy?
- Trong quá trình đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ đã thực hiện liên kết với một số doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu xã hội như: Ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng nhân lực cho công ty Ô tô Trường Hải Chu Lai; giới thiệu sinh viên sau khi tốt nghiệp cho Công ty viễn thông Viettel, Công ty Thiết bị vòi sen Inax, Công ty cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Đồng Nai… Đã có những công ty như Công ty hoạt động Dầu khí ở Vũng Tàu, Công ty Công nghiệp nặng Doosan ở Dung Quất, Công Ty Hưng Nghiệp Đồng Nai những năm trước ra tận nơi để tuyển sinh viên của nhà trường trước khi tốt nghiệp. Đây là điều còn rất hiếm hoi với các trường thuộc hệ cao đẳng. Đó là kết quả của cả quá trình tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng giàu tính ứng dụng thực tiễn. Các công ty, doanh nghiệp hiện nay rất cần những công nhân vừa có tay nghề, lại phải vừa có tri thức, năng lực hiểu biết các vấn đề chuyên môn mới có thể tạo ra được những thành phẩm giá trị. Đội ngũ giảng viên của Cao đẳng Công nghệ đa số có khả năng, kinh nghiệm dạy thực hành hàng chục năm trở lên, thường xuyên tiếp cận với thực tế để tích lũy kinh nghiệm. Với những giáo viên trẻ mới về trường, chúng tôi yêu cầu phải có 50% thời gian xuống xưởng, xuống phòng thực hành, ít nhất là một năm, thì giảng dạy mới tốt được.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thúy Hồng (Thực hiện)