Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công

Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công

(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 210, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội đã chính thức khai mạc Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời do Bộ GD&ĐT phối hợp với Liên Hiệp Quốc, Hội Khuyến học... tổ chức, với sự tham dự của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập, đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Sở GD&ĐT khu vực phía Bắc cùng đông đảo quần chúng nhân dân, học sinh Thủ đô Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế cùng đông đảo quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên tham gia Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời
Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế cùng đông đảo quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên tham gia Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời

Với thông thông điệp “Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thàn công”, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Lễ khai mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào sáng nay 2/10 sẽ là hoạt động mở đầu cho hàng lọat các họat động khác kéo dài trong cả tuần (từ ngày 2 - ngày 8/10) nhằm khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng học tập suốt đời như: Triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời”, triển lãm sách của các nhà xuất bản… cũng được tổ chức trong khuôn viên này.

Tiếp sau đó là hàng loạt hoạt động giáo dục miễn phí diễn ra tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và một số cơ sở giáo dục thuộc quận Đống Đa. Tham gia các sinh hoạt chuyên đề, các ông bà, cha mẹ sẽ được nghe nói chuyện về cách thức chơi cùng con cháu, về cách sống một cuộc sống lành mạnh và vui vẻ dành cho người cao tuổi. Đặc biệt các loại hình sinh họat văn hóa - nghệ thuật cũng được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy việc học tập lẫn nhau giữa các thế hệ như câu lạc bộ triển lãm, thư pháp, ngoại ngữ, các lớp học tăng cường năng lực thông tin thư viện và nhiều hoạt động khác.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề cao truyền thồng hiếu học của dân tộc ta, từ xa xưa, các thế hệ người Việt luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Trong quá trình đổi mới đất nước, với điều kiện khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ và đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, một lần nữa Đảng ta đã xác định giáo dục đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chủ trương đúng đắn và sáng suốt này đã tạo môi trường học tập rộng rãi, đầu tư cho giáo dục được tăng cường. Sự nghiệp giáo dục đã phát triển mạnh mẽ, ý thức học tập suốt đời đã dần thấm sâu vào từng dòng họ, từng gia đình, mọi tầng lớp nhân dân.

Truyền thồng hiếu học của dân tộc ta, từ xa xưa, các thế hệ người Việt luôn coi trọng việc học
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan : Truyền thồng hiếu học của dân tộc ta, từ xa xưa, các thế hệ người Việt luôn coi trọng việc học

Phó Chủ tịch nước cũng gửi lời cám ơn chân thành tới Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế... đã giúp đỡ Việt Nam trong việc phát triển giáo dục và đào tạo. Để cả nước thành một xã hội học tập như chủ trương của Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước đề nghị, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Cần đầu tư thích đáng cho giáo dục đào tạo, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội học tập và học tập suốt đời; phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến; tuyên dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, các gương người tốt việc tốt về tinh thần xây dựng xã hội học tập suốt đời. Các Bộ, ngành địa phương cần tích cực xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011 – 2020 nhằm Học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Cảm kích trước truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, Đại diện cho UNESCO tại Việt Nam, bà Katherine Muller - Marin - Trưởng Văn phòng đại diện cho biết mới đây bà có đọc được một cuốn sách trong đó có đề cập tới vào thế kỷ XVI ở Việt Nam có bà Nguyễn Thị Duệ - người phụ nữ đầu tiên có bằng Tiến sĩ. Để làm được điều đó bà đã phải giả trai đi học, đi thi. Khẳng định luôn sát cánh cùng Việt Nam trong việc xây dựng xã hội học tập, bà Katherine Muller - Marin cho biết: Các tổ chức Liên hiệp quốc luôn sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết thống nhất của các ngành, các cấp để truyền bá tinh thần học tập suốt đời đến mọi người dân một cách sáng tạo, trong mỗi ngành cũng như liên ngành.

Các gian hàng sách thu hút sự quan tâm của mọi người
Các gian hàng sách thu hút sự quan tâm của mọi người

Buổi lễ cũng nhận được tham luận của đại diện các trung tâm học tập cộng đồng và người dân Thủ đô Hà Nội trình bày về việc xây dựng và phát triển phong trào học tập tại địa phương mình. Cuối chương trình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng các quan khách đã thả bóng bay chính thức khai mạc cho Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời. Ngay sau buổi lễ, triển lãm Hồ Chí Minh và học tập suốt đời cũng đã được khai mạc, các hội chợ sách cũng đồng loạt diễn ra.

Yên Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ