Học STEM nhưng không làm kỹ sư: Những nghề nghiệp bất ngờ từ giáo dục STEM

GD&TĐ - STEM không chỉ dành cho những ai muốn làm kỹ sư, lập trình viên mà còn mở ra nhiều hướng đi bất ngờ như thiết kế game, khoa học dữ liệu…

STEM mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong thời đại công nghệ số.
STEM mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong thời đại công nghệ số.

Đa dạng nghề nghiệp cho người học STEM

Theo Bureau of Labor Statistics, việc làm trong ngành STEM dự kiến sẽ tăng 8% từ 2019 đến 2029, gấp đôi so với mức trung bình các ngành khác. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự khan hiếm nhân tài trong lĩnh vực này.

Các công việc STEM luôn nằm trong nhóm ngành có mức lương cao nhất toàn cầu, với thu nhập trung bình cao hơn 26% so với các ngành khác. Bên cạnh đó, sự đổi mới không ngừng của công nghệ sẽ giúp người học luôn có cơ hội phát triển kỹ năng và thăng tiến trong sự nghiệp.

Một số vị trí nghề nghiệp hấp dẫn từ STEM có thể kể đến ở các lĩnh vực như:

Ở lĩnh vực SCIENCE (Khoa học): Bác sĩ, Nhà nghiên cứu sinh học, Nhà sinh học phân tử, Nhà hóa học, Nhà sinh thái học, Nhà nghiên cứu vật lý, Nhà thiên văn học…

Ở lĩnh vực TECHNOLOGY (Công nghệ): Lập trình viên, Chuyên gia AI/ML, Chuyên gia An ninh mạng, Kỹ sư phần cứng, Nhà phát triển game, Chuyên gia trí tuệ nhân tạo…

Ở lĩnh vực ENGINEERING (Kỹ thuật): Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư điện tử, Kỹ sư môi trường, Kỹ sư xây dựng, Kỹ sư hàng không.

Ở lĩnh vực MATHEMATICS (Toán học): Nhà toán học, Chuyên gia phân tích dữ liệu, Chuyên gia thống kê, Kỹ sư tối ưu hóa, Nhà toán học ứng dụng.

dsc09913-1.jpg
Cơ hội việc làm cho ngành STEM đang rất hấp dẫn. (Ảnh: HUTECH)

Chuyên gia lao động việc làm Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM khẳng định, cơ hội việc làm của các ngành STEM rất đa dạng và luôn “cung không đủ cầu”. Nghĩa là người học luôn dễ dàng tìm được việc làm nếu học tốt và có đam mê với các ngành nghề đã theo đuổi.

Dẫn chứng, chuyên gia này cho hay, với ngành Toán học - tưởng chừng là rất khô khan nhưng việc làm rất đa dạng. Chẳng hạn, ngành Toán có cơ hội phát triển việc làm trong nhiều lĩnh vực và môi trường làm việc bao gồm giáo dục, công nghiệp, kỹ thuật, lập trình, tài chính - ngân hàng, kinh doanh…

Ngoài ra, Toán học còn được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như vật lý, điện tử, tin học, hóa học, sinh học và các chuyên ngành thống kê, kỹ sư, công nghiệp, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, thiên văn, sinh học, công nghệ sinh học, hóa học, sinh thái, kinh tế, điện tử, môi trường,…

"Công nghệ phát triển không chỉ kết nối các ngành nghề mà còn mở ra những cơ hội mới, định hình lại thị trường lao động theo hướng hiện đại và số hóa. Công nghệ tiên tiến, môi trường làm việc trực tuyến, quy trình sản xuất thông minh đang làm thay đổi cách thức tuyển dụng, vận hành và phát triển nhân lực...”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM nói.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT) cho biết, ở HUIT và nhiều trường ĐH khác, tỷ lệ sinh viên nhóm ngành STEM có việc làm rất ổn định. Cụ thể, khối ngành công nghệ là khoảng ~ 90%, còn khối ngành kỹ thuật là phải tầm 95% - 98%, nhất là sinh viên tốt nghiệp đại học những ngành chế tạo máy, cơ khí, điện tử,… gần như 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.

Nhân lực STEM cần tiếp tục nâng cao trình độ trong thời đại số

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM nhận định, hiện nay, sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng số hóa, tự động hóa đòi hỏi lực lượng lao động không chỉ đáp ứng về số lượng các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và các ngành nghề mà còn cần nâng cao kỹ năng, chuyên môn để thích ứng với xu hướng mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động Việt Nam đang có những thay đổi sâu rộng, tính linh hoạt và hội nhập sâu rộng cho phép người lao động dễ dàng dịch chuyển và làm việc trong môi trường toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, giáo dục STEM tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ những trải nghiệm vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn, thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao với những công việc đòi hỏi tư duy trong kỷ nguyên số.

htk06239.jpg
Sinh viên trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại HUTECH.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, xu hướng các ngành Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ ngày càng đa dạng, mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Vì vậy, mỗi sinh viên theo học ngành STEM cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tập trung vào phấn đấu và phát triển bản thân. Vì thực tế nhu cầu nhân lực trong thời đại số tăng cao so với yêu cầu về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm…

“Thách thức cho người lao động bao gồm việc cập nhật kiến thức liên tục và thích nghi với công nghệ mới. Vì vậy, các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp ngoài đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất, hoàn thiện chương trình học, còn cần có phương pháp đào tạo hiệu quả bao gồm việc tích hợp học tập liên tục vào quy trình làm việc và tạo điều kiện để nhân lực phát triển kỹ năng cần thiết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhằm giúp học sinh THPT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rõ hơn về lợi ích của giáo dục STEM, đồng thời khuyến khích niềm đam mê học tập trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Đồng Tháp và Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta”.

Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 6/4/2025 tại Trường ĐH Đồng Tháp, quy tụ khoảng 4.000 học sinh và giáo viên đến từ 40 trường THPT thuộc 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Với gần 40 gian hàng trưng bày từ các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp, ngày hội hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh khám phá và trải nghiệm các ứng dụng thực tiễn của STEM trong đời sống.

Đây không chỉ là sân chơi khoa học sáng tạo mà còn là cơ hội để các em tiếp cận những kiến thức mới, khơi gợi niềm say mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ