Học sinh vùng cao nhọc nhằn ở trọ

Học sinh vùng cao nhọc nhằn ở trọ

(GD&TĐ) - Được rời bản làng về thị trấn Prao để học tập là một niềm vui lớn của con em đồng bào dân tộc Cơ Tu thuộc các bản, làng xa xôi. Tuy nhiên, bên cạnh mối bận tâm về “cơm áo, gạo tiền” thì  nỗi lo về chỗ trọ giữ vùng núi heo hút đang “đè nặng” bước chân các em đến trường. Một mùa mưa lũ nữa lại về, khiến những nỗi lo âu của các em học sinh dân tộc Cơ Tu Trường THPT Quang Trung (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) như càng bộn bề, gấp gáp  hơn!

Chúng tôi tìm đến thôn Ghúc (thị trấn Prao), nơi các em học sinh Trường THPT Quang Trung trọ học. Xóm trọ nằm cách trường khoảng chừng 3km, dãy nhà được “bao che” bằng tre nứa và cây rừng một cách tạm bợ, sơ sài. Em A Lăng Thị Ngân, học sinh lớp 11/4, Trường THPT Quang Trung bộc bạch: “Em xa bản sống ở đây gần 2 năm rồi, vất vả lắm. Nhất là mỗi khi trời mưa, chỗ ngủ thì thấm dột, chỗ học mưa tạt ướt hết sách vở. Trời vùng cao lại rất lạnh vì thế chúng em thường ngủ cùng để cho ấm”. Chính vì vậy mà khi chúng tôi đến thăm đều thấy số lượng học sinh trong mỗi khu nhà trọ rất đông, từ 8 đến 10 em, thường thì các em là người cùng làng, cùng bản với nhau.

Nhà ở nội trú của học sinh trường THPT Quang Trung không biển hiệu, không tường rào
Nhà ở nội trú của học sinh trường THPT Quang Trung không biển hiệu, không tường rào

Nếu không vào bên trong thì không ai nghĩ đây là nhà trọ của các em học sinh. Hầu hết, các phòng trọ đều được lợp bằng tôn đã quá cũ, thủng nhiều chỗ. Ngôi nhà nhỏ khoảng 25 đến 30 mét vuông, bốn mặt được che chắn bằng phên nứa thưa thớt, từ ngoài có thể nhìn vào trong một cách dễ dàng. Nền nhà ẩm ướt, mặt đất nhấp nhô. Ông Lê Tấn Thành, chủ một xóm trọ cho biết, các em đến đây thuê trọ đều con em đồng bào dân tộc Cơ Tu thuộc các vùng núi rẻo cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ở đây giá phòng chỉ có 100 nghìn đồng/học sinh/tháng nhưng đối với các em học sinh miền núi Đông Giang này thì đây là cả một vấn đề. Ngoài giờ học, các em cùng nhau trồng rau xung quanh xóm trọ để làm thức ăn đỡ tiền chợ quán. Cuối tuần, được nghỉ, các em lại hối hả rủ nhau về với nương khoai, nương sắn để kiếm măng, hái rau rừng mang ra thị trấn làm lương thực cho cả tuần. 

Thầy Nguyễn Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết, hiện tại có 50 em đang sống tại khu nhà nội trú, số còn lại khoảng gần 40 em ở trong các nhà trọ của người dân xung quanh thị trấn và nhà bà con. Vấn đề an ninh, trật tự tại khu nhà nội trú đang là nỗi trăn trở lớn của nhà trường. Hầu hết, cuộc sống gia đình học sinh vẫn còn quá nghèo, trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn thiếu thốn. Thầy chia sẻ, hiểu được nỗi vất vả, thiếu thốn của các em, ban giám hiệu cùng giáo viên nhà trường luôn tích cực cố gắng vận động các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ để hỗ trợ thêm cho các em có hoàn cảnh quá khó khăn. Bởi vì, nếu theo mức hỗ trợ chi phí học tập 100 ngàn đồng/tháng/học sinh theo Nghị định 49 của Chính phủ vẫn không đủ để các em lo cho cuộc sống ở trọ của mình.

Các em học sinh dân tộc Trường THPT Quang Trung đang học bài trong mái nhà trọ tạm bợ
Các em học sinh dân tộc Trường THPT Quang Trung đang học bài trong mái nhà trọ tạm bợ

Thăm khu nhà nội trú học sinh Trường THPT Quang Trung nằm ở phía Đông Nam, cách xa thị trấn Prao đến gần 2 cây số. Khu nhà được xây dựng vào năm 2003, được tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ cấp kinh phí xây dựng. Ban đầu khu nhà dành cho cả giáo viên và học sinh nhưng vì quá xa trường nên sau các thầy cô chuyển về nhà tập thể dưới thị trấn. Tuy nhiên, do nhiều năm qua khu nhà không được tu bổ, sửa chữa nên hiện nay đã bị xuống cấp trầm trọng, các công trình vệ sinh, điện nước bị hư hỏng nặng, bếp nấu ăn đều rất tạm bợ. Em Ra Pát Thị Yếu, học sinh lớp 11/2, Trường THPT Quang Trung cho hay, hiện tại giếng nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm. Vì quá xa trường nên mỗi tuần thầy cô lên thăm có một lần, hằng ngày các em tự sinh hoạt, học tập không có người giám sát. 

Bên cạnh nỗi lo khu nhà nội trú xuống cấp, các em học sinh ở đây phải sống trong tình cảnh bất an và lo lắng khi tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo. Em Ra Pát Thị Yếu lo lắng: Khu nhà nội trú nằm cách xa thị trấn Prao, lại nằm sát đường Hồ Chí Minh, xung quanh thì rừng núi hoang vu, tường rào bao quanh khu nhà đã bị hư hỏng nên người ngoài có thể tùy tiện ra vào bất cứ lúc nào; vì thế, chúng em rất lo sợ khi sống ở đây, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc học.

Em Cơ Lâu Thị Lộc, học sinh lớp 11/2, Trường THPT Quang Trung đang sống tại khu nhà nội trú kể: Vì không có cơ sở y tế ở gần nên mỗi lần có bạn bị đau, các em phải dìu nhau đi xa hơn 3 cây số mới xuống được bệnh viện dưới thị trấn Prao. Rồi những lần đi học về muộn các em hay bị các thanh niên làm cây bên đường Hồ Chí Minh trêu chọc. Biết rằng sống ở đây không an toàn nhưng được cái ở nhà nội trú không phải đóng tiền nhà trọ.

Tuy gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các em học sinh ở đây luôn có ý thức được lợi ích của việc học tập. Em Bnướch Thị Hấu, học sinh lớp 12/1, chia sẻ: “Dù gia đình khó khăn nhưng em sẽ cố gắng học tập, thi đậu tốt nghiệp và đại học để sau này trở thành giáo viên về lại trường dạy cho các em”. Ngoài Bnướch Thị Hấu thì còn rất nhiều em học sinh dân tộc Cơ Tu khác đều có ý thức vượt khó học tập, trở thành học sinh khá, giỏi trong nhiều năm học. Như em Hôih Hon, học sinh lớp 10/1, mặc dù gia đình em rất khó khăn lại đông anh em, thế nhưng năm nào em cũng đạt học sinh giỏi với số điểm cao trong trường. Hôih Hon tâm sự, thôn bản em còn nghèo lắm, nên thầy cô thường bảo chúng em rằng cố gắng học thật giỏi để thoát cảnh nghèo khó, nhưng mấy ai ở thôn bản em có điều kiện để học hết phổ thông, rồi đi học cao đẳng, đại học đâu. Nỗi trăn trở đó không chỉ của mỗi mình em Hôih Hon mà tất cả những học sinh chúng tôi đã gặp và trò chuyện ở đây đều cùng thể hiện một mong muốn là được cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để các em có điều kiện và môi trường học tập tốt hơn.  

Trinh Sương-Đại Khải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ