Học sinh THPT học cách đối phó bạo lực tâm lý trên mạng

GD&TĐ - Hơn 2000 học sinh THPT tại TPHCM tìm hiểu kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực trên mạng xã hội trong chương trình "Chắp cánh ước mơ".

Chương trình "Chắp cánh ước mơ" lần thứ nhất năm học 2023-2024 sẽ dành tặng 200 suất học bổng (mỗi suất trị giá 15 triệu đồng) cho học sinh 40 Trường THPT trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HP.
Chương trình "Chắp cánh ước mơ" lần thứ nhất năm học 2023-2024 sẽ dành tặng 200 suất học bổng (mỗi suất trị giá 15 triệu đồng) cho học sinh 40 Trường THPT trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HP.

Sáng 25/3, chương trình “Chắp cánh ước mơ” với chủ đề “Kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng xã hội” được tổ chức cùng lúc tại Trường Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM (quận 5) và THPT Lê Thánh Tôn (quận 7), với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh.

Chương trình do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp Báo Giáo dục Thời đại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức, nhằm hỗ trợ học sinh những thông tin, kiến thức cơ bản trong ứng xử với mạng xã hội, kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng, kỹ năng lựa chọn thông tin chuẩn mực về hướng nghiệp, hướng trường trên mạng xã hội.

Mạng xã hội: Ảo mà không…ảo

Tại Trường THPT Lê Thánh Tôn, 2 diễn giả là ThS Võ Minh Thành, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM và ThS Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý, Khoa Khoa học – Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cùng những tiện ích đi kèm, mạng xã hội phát triển, trở thành công cụ, kênh giao tiếp quan trọng với nhiều người.

Theo chia sẻ của những học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, phần lớn các em đều dùng 2-3 mạng xã hội trở lên, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, YouTube, TikTok…Học sinh dùng mạng xã hội để học tập, giải trí, giao lưu với bạn bè quốc tế, chia sẻ cảm xúc.

ThS Võ Minh Thành lưu ý với học sinh, mạng xã hội tuy ảo nhưng không phải “muốn làm gì thì làm, muốn đăng gì thì đăng”. Thế giới ảo trên mạng xã hội phản ánh thế giới thật bên ngoài. Mọi phát ngôn trên mạng xã hội, nếu không được kiểm soát, mang tính tiêu cực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc sống của những người khác.

ThS Võ Minh Thành trao đổi kỹ năng về sử dụng mạng xã hội. Ảnh: MT.

ThS Võ Minh Thành trao đổi kỹ năng về sử dụng mạng xã hội. Ảnh: MT.

“Hiện nay, chúng ta có Luật An ninh mạng với những chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Chưa kể, việc người nào đó thường xuyên đăng thông tin tiêu cực trên mạng xã hội cũng sẽ bị soi xét, chẳng hạn khi đi xin việc”, ThS Thành cho hay.

ThS Lê Thị Hằng lại chia sẻ khía cạnh bạo lực tinh thần trên mạng xã hội. ThS Hằng sử dụng hình ảnh tờ giấy trắng bị vò nát và không thể làm phẳng lại như cũ - để nói về những nạn nhân của bạo lực tinh thần.

ThS Nguyễn Thị Hằng chia sẻ khía cạnh bạo lực tinh thần trên mạng xã hội. Ảnh: MT.

ThS Nguyễn Thị Hằng chia sẻ khía cạnh bạo lực tinh thần trên mạng xã hội. Ảnh: MT.

Hình ảnh tờ giấy trắng bị vò nát để nói về những nạn nhân của bạo lực tinh thần. Ảnh: MT.

Hình ảnh tờ giấy trắng bị vò nát để nói về những nạn nhân của bạo lực tinh thần. Ảnh: MT.

“Hiện nay một số học sinh lập hoặc tham gia các hội Anti-fan để nói xấu người khác. Khi làm việc đó, chúng ta đang như quan tòa để phán xử người khác mà không rõ sự việc thực hư như thế nào. Cho nên, chúng ta phải cân nhắc, lưu ý, cẩn trọng trong việc thể hiện quan điểm”, ThS nói.

Nhiều học sinh đã đặt ra những câu hỏi “hóc búa” cho các chuyên gia xoay quanh chủ đề phòng chống bạo lực trên mạng xã hội.

Nữ sinh Gia Hân đặt vấn đề: Khi bị người khác buông lời khiếm nhã trên mạng xã hội, cần ứng xử như thế nào? Trong khi đó, nam sinh Trần Văn Tuân xin các chuyên gia cho lời khuyên nếu bản thân hoặc bạn bè “có thái độ tiêu cực, nghĩ đến những hành động tiêu cực”.

Học sinh giao lưu với các chuyên gia. Ảnh: MT.Học sinh giao lưu với các chuyên gia. Ảnh: MT.

Học sinh giao lưu với các chuyên gia. Ảnh: MT.

Các chuyên gia khuyên học sinh cần bình tĩnh với phương châm “tự mình giúp bản thân mình” đầu tiên. Tiếp đó, các em phải thẳng thắn chia sẻ với gia đình, người thân, bạn bè, những người mình tin tưởng nhất. Trong bất cứ tình huống mâu thuẫn nào, cần chọn cách ôn hòa để giải quyết; trước khi tính đến các biện pháp như báo nhà trường, cơ quan chức năng…

ThS Lê Thị Hằng, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng cho học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn. Ảnh: MT.

ThS Lê Thị Hằng, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng cho học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn. Ảnh: MT.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình. Ảnh: MT.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình. Ảnh: MT.

Thể hiện mình theo hướng tích cực

Tại Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM, Th.S Nguyễn Thị Huỳnh An, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa Khoa học - Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đưa ra một câu hỏi: “Nếu một ngày phát hiện ra Facebook cá nhân của mình có những bình luận tiêu cực sẽ như thế nào?".

Trả lời câu hỏi đó, nữ sinh Thảo Vy cho biết mình sẽ “huỷ kết bạn” với những trang cá nhân đó hoặc xoá luôn bài đăng. Trong khi đó, Ngọc Ánh lại chọn giải pháp giới hạn bình luận để hạn chế những bình luận tiêu cực khác tiếp diễn.

Không đơn thuần là “chặn” hay “huỷ kết bạn”, Lam Tùng cho rằng: “Việc nào xảy ra cũng có lý do, mình sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây nên vấn đề tiêu cực trên. Từ đó, suy xét từ bản thân mình và tìm cách để cải thiện hơn”.

Trong khi đó, Nhật Vy kể về tấm ảnh bị một bạn đăng lên mạng xã hội nhưng che mờ duy nhất mặt mình. “Em không biết đó có phải là trường hợp bạo lực trên mạng xã hội không. Lúc đó em chỉ biết im lặng và không biết xử trí như thế nào”, Nhật Vy nói.

“Cô không biết có thông tin gì kèm theo tấm ảnh hay không. Chính vì Vy im lặng nên chúng ta không thể biết nguyên nhân chính xác là gì. Có 1001 lý do đi kèm khi một tấm ảnh bị bôi mờ. Nghĩ tích cực thì có thể bạn đó cảm thấy màu sắc ánh sáng ở mặt em không được đẹp nên che mờ đi để mọi người không bình phẩm với mục đích bảo vệ mình”, TS Tô Nhi A nói.

TS Tô Nhi A giao lưu với các bạn học sinh về vấn đề bạo lực trên mạng xã hội. Ảnh: AV.

TS Tô Nhi A giao lưu với các bạn học sinh về vấn đề bạo lực trên mạng xã hội. Ảnh: AV.

Cô Tô Nhi A cho rằng, trong bối cảnh tiếp nhận những điều tiêu cực, học sinh cần phải tách biệt thông tin với bản thân mình, đừng gán vào bản thân rồi tự tổn thương. “Tuy nhiên, cô sẽ chấp nhận cảm xúc của Vy trong trường hợp này và rõ ràng em đã bị tổn thương trong hành động cố ý này. Lý do cuối cùng cũng là điều cô không mong muốn nhất thì đây chính là hành động bắt nạt trên mạng xã hội”, TS Nhi A nói.

TS Tô Nhi A khuyên Thuý Vy nên im lặng và giữ một mối quan hệ không thù hằn để mình trưởng thành hơn. Việc không nảy sinh xung đột đã là một thành tựu khi chúng ta còn trẻ.

Ngoài ra, TS Tô Nhi A phân tích những hành vi bạo lực dưới góc nhìn khoa học. Đó là sự dồn nén của những nỗi đau trước đó hoặc những nhu cầu chất chứa bên trong bản thân mỗi chúng ta.

Thay vì chọn hành vi tích cực để thỏa mãn nhu cầu đó thì nhiều bạn với sự non nớt, hoảng sợ của tuổi trẻ lại chọn bạo lực thể hiện sự “ngầu” hơn, muốn gây sự chú ý hay vì nhu cầu bảo vệ bản thân…

Mỗi người đều có 5 nhu cầu và 5 cơ sở đáp ứng: được sinh tồn, được an toàn, được giao tiếp, được tôn trọng và được thể hiện. Để thoả mãn 5 nhu cầu này và trở thành người tích cực, con người cần giải quyết những năng lực tương ứng.

TS Tô Nhi A phân tích về 5 nhu cầu và 5 cơ sở đáp ứng của mỗi con người. Ảnh: AV.

TS Tô Nhi A phân tích về 5 nhu cầu và 5 cơ sở đáp ứng của mỗi con người. Ảnh: AV.

“Các em muốn được sinh tồn thì phải có năng lực tự lao động chứ không phải bắt nạt bạn bè để cho mình cơ hội sống. Muốn được an toàn thì cần phải biết tự bảo vệ mình. Muốn được giao tiếp cần phải biết cách chủ động giao lưu, gia tăng kỹ năng giao tiếp của mình. Muốn được tôn trọng, bản thân mình phải biết tự công nhận mình, không được yếu thế. Muốn khẳng định bản thân phải tự thể hiện mình theo hướng tích cực”, theo TS Tô Nhi A.

Cũng trong ngày 25/3, chương trình “Chắp cánh ước mơ” đến với Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở quận Bình Tân, TPHCM) với chủ đề “Đánh thức giấc mơ của bạn”.

Chương trình “Chắp cánh ước mơ” được thực hiện từ 1/1/2024 đến 15/5/2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn để thực hiện 6 chuyên đề: nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; đánh thức giấc mơ của bạn; ứng xử thông minh với mạng xã hội; thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng và kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.