(GD&TĐ) - Theo Dự thảo hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Bộ Tài chính vừa hoàn thành và nếu không có gì thay đổi, “thuế đường” sẽ bắt đầu được thu từ 1/1/2013. Đáng chú ý là, trong danh mục các phương tiện phải “cõng” phí đường bộ này “vô tình” Bộ Tài chính đã xếp xe máy điện (hay loại như xe đạp điện hiện nay) nằm ở dạng như xe mô tô bị thu phí từ 50.000 - 100.000 đồng/năm. Đây thực sự là một “đòn” khá nặng đánh vào loại phương tiện được xem là thân thiện với môi trường và được khuyến khích sử dụng tại các quốc gia phát triển.
Tại nước ta, xe đạp điện hay xe máy điện đang là phương tiện được nhiều phụ huynh lựa chọn trang bị cho con em khi học THPT. Đặc biệt, tại các đô thị sự hiện diện của xe đạp điện, xe máy điện đã kéo giảm tình trạng học sinh phổ thông vi phạm Luật giao thông vì chưa đủ tuổi được cấp phép đi xe máy tới trường. Đồng thời việc sử dụng xe đạp điện - xe máy điện tới trường cũng giúp các em rút ngắn thời gian tới trường và làm tăng ý thức của từng em trong công tác bảo vệ môi trường sống…
|
Khi xe đạp điện được phụ huynh lựa chọn, tình trạng HS vi phạm giao thông thế này đã giảm đáng kể |
Thế nhưng, với một quyết định theo kiểu “bàn giấy”, dường như Dự thảo hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ Tài chính vừa ban hành “đánh vào” xe máy hoặc xe đạp điện sẽ buộc học sinh phải nộp phí đường khi từ nhà tới trường bằng xe điện… Điều đáng nói là, phải chăng đích ngắm tiếp theo của phí sử dụng đường sẽ là xe đạp và người đi bộ?! Và liệu đây có thực sự là một quyết định mang tính văn minh trong một xã hội đang phát triển?.
|
Cả nam sinh và nữ sinh đều bắt đầu sử dụng xe đạp điện |
|
Phương tiện thân thiện với môi trường |
|
Liệu các phương tiện này có phải “cõng” phí? |
|
Nét đẹp nữ sinh trên xe đạp điện |
Xuân Nam