Học sinh 'nuôi' khát vọng chinh phục tương lai

GD&TĐ - Những học sinh nghèo của vùng đất Tây Đô vừa đến trường, vừa mưu sinh để nuôi sống bản thân. 

Anh Đức gom dừa, vận chuyển ra bán.
Anh Đức gom dừa, vận chuyển ra bán.

Khó khăn bộn bề, song các em luôn khát khao được bước tiếp trên hành trình “theo đuổi con chữ”.

Học giỏi vẫn lo đứt gánh “ước mơ”

Ít ai biết được rằng cô nữ sinh Nguyễn Cẩm Tiên, lớp 12A6, Trường THPT Thới Long (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), người đạt danh hiệu học sinh giỏi ba năm liền, lại có cảnh sống vất vả đến vậy.

Khi em mới vào lớp 7, mẹ em phát hiện bị suy thận mạn tính. Mẹ từng là trụ cột gia đình, mải mốt với đủ việc làm thuê như phơi lúa, chuyển rơm, làm cỏ… để kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống của cả nhà. Khi lâm bệnh, mẹ Tiên phải đi lọc máu định kỳ 3 lần/tuần, kiệt sức không làm gì ra tiền được nữa. Em gái nhỏ của Tiên mới hơn 2 tuổi.

Cuộc sống gia đình em từ đây rơi vào cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Cha Tiên nỗ lực làm việc nhưng công việc bấp bênh “ai kêu gì làm đó” nên thu nhập không là bao. Hiện, cả gia đình em đang tá túc trong căn nhà được dựng lên với sự giúp đỡ của tổ từ thiện, nay đã ở trong tình trạng “thấy nắng dột mưa”.

Từ khi mẹ ốm, Tiên đã quen với nhịp sống sáng đi học, chiều đi làm thêm. Nhiều năm qua em còn tập thói quen nhịn ăn tại trường để tiết kiệm. Cẩm Tiên cho biết, em thường tranh thủ tập trung học bài vào buổi tối, hay trong giờ ra chơi, bởi ban ngày nếu không đến trường em còn tranh thủ làm móc câu (một dụng cụ dùng để bắt cá - PV) kiếm tiền.

Nghề gia công móc câu em được mẹ dạy từ nhỏ. Nhận lưỡi câu, Tiên làm theo yêu cầu là tóm dây, rồi gắn vào gói. Cứ hoàn thành 8 móc câu, tiền công được 600 đồng. Tiên phải miệt mài từ sáng đến tối, mỏi cứng hết cả cơ thể mới có được số tiền 100.000 đồng. Số tiền làm móc câu em dành dụm dùng để photo tài liệu, đóng tiền học phí… đỡ đần cho cha mẹ.

Vừa trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đôi mắt cô học trò nghèo có thành tích học tập tốt cứ rưng rưng khi nghe ai hỏi về hành trình học tập sắp tới. “Nhiều lúc cha không có việc làm, xin đi vác lúa thuê cả ngày đội nắng. Thế nhưng nguồn thu nhập đó chỉ đủ miếng ăn cho gia đình, lo tiền thuốc thang cho mẹ. Mơ ước của em là được học ngành Báo chí hoặc Luật Kinh tế tại Trường ĐH Cần Thơ.

Nếu trúng tuyển đại học em dự kiến sẽ ở kí túc xá, sắp xếp đi làm thêm, cố gắng tự lo liệu cho đời sống sinh viên của mình. Nhưng với hoàn cảnh thực tế của em, em sợ là không đóng nổi học phí. Em rất buồn, nếu vì khó khăn quá việc học sẽ ‘đứt gánh giữa đường’”, Tiên bùi ngùi chia sẻ.

Bà Trần Thị Bé Hiền (44 tuổi, mẹ Tiên) tâm sự: “Những khi khỏe lại, tôi vẫn cố gắng làm móc câu cùng con, song nhiều lúc ốm mệt, lại phải nằm viện cả tuần. Thấy Tiên ham học quá tôi không nỡ kêu con nghỉ, nhưng cho con học tiếp thì khó mà lo nổi”, bà Hiền gạt nước mắt, thở dài.

Là người thấu hiểu về gia cảnh của Tiên, cô Võ Quốc Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, Trường THPT Thới Long cho biết: “Tiên rất chăm chỉ, ngoan hiền, giàu nghị lực vươn lên. Suốt 3 năm THPT, Tiên đều giữ vững thành tích học tâp, thuộc tốp giỏi của lớp. Dù mẹ bị bệnh, phải dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình, nhưng Tiên rất chịu khó học tập, có tinh thần trách nhiệm và chủ động trong mọi hoạt động. Thầy, cô ở trường sẽ rất vui nếu Tiên được giúp đỡ để vào đại học, vì em ấy thực sự rất xứng đáng”.

nhung hoc sinh nuoi khat vong chinh phuc tuong lai (3).jpg
Cẩm Tiên cùng mẹ tranh thủ thời gian làm móc câu tại nhà.

Mong có nghề để ổn định cuộc sống

Cùng cảnh “thiếu thốn đủ bề” như Tiên, Lê Huỳnh Anh Đức, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) là một tấm gương vượt khó đặc biệt. Dù trong đời sống thường ngày thiếu vắng tình thương của cha mẹ nhưng Đức luôn quyết tâm học tập để tìm kiếm được một công việc ổn định cho tương lai.

Chia sẻ về gia cảnh, bà Nguyễn Thị Hồng (72 tuổi, bà nội của Đức) tâm sự: Mẹ Đức trước đây là một cô giáo làng, rất tâm huyết với nghề. Cuộc sống gia đình đang đầm ấm thì mẹ đau bụng bất thường, đến bệnh viện khám thì rụng rời tâm trí khi biết bị ung thư tụy giai đoạn cuối.

Cầm cự với bệnh tật được hơn 1 tháng thì mẹ qua đời, khi đó Đức chỉ mới 4 tuổi. Lo hậu sự cho vợ xong, cha Đức vay mượn xoay xở tài chính để mở công ty nhỏ. Công ty đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì biến cố đau lòng lại xảy đến. Cha Đức mất đột ngột tại công ty, mất khoảng một ngày gia đình mới phát hiện. Thế là chỉ trong 4 năm, Đức mất luôn hai người thân yêu, quan trọng nhất cuộc đời.

Cha mẹ không còn, Đức về sống cùng bà nội và vợ chồng người bác ruột. Vợ chồng bác có 2 đứa con nhưng tuổi còn nhỏ hơn Đức. Để có tiền nuôi cháu ăn học, bà nội Đức hàng ngày bỏ công chăm sóc, trông đợi vào việc thu hoạch hơn 170 gốc dừa ở sau vườn. Hiểu điều này nên từ nhỏ, Đức đã siêng năng phụ giúp bà bón phân, làm cỏ và chăm vườn.

Để giữ vườn dừa, bà nội Đức dựng một căn chòi nhỏ ngay trong vườn làm nơi trú mưa nắng. Thấy bà nội lớn tuổi nặng gánh lo toan mà tuổi đang yếu dần nên một năm nay em dọn đồ ra hẳn căn chòi này để tiện trông giữ vườn dừa. Có bữa bà nội mang cơm đến, có bữa thì Đức tự nấu, tối thì ngủ lại một mình.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng Đức chưa bao giờ nguôi giấc mơ được tiếp tục dấn bước trên hành trình chinh phục tri thức. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua em đã nỗ lực, tập trung làm thật tốt bài thi. Ước mong của Đức là đậu vào một trường cao đẳng, em sẽ theo học ngành cơ khí, cố gắng học tốt nghề để ra trường tìm được công việc phù hợp, kiếm tiền chăm lo phụng dưỡng cho bà. “Em chỉ biết cố gắng nỗ lực nhiều hơn, cha mẹ chẳng còn, bà tuổi cao sức yếu, ngoài hai bàn tay trắng, em chẳng có gì nên chắc phải quyết tâm và không ngừng cố gắng”, Đức bộc bạch.

Thông tin về học sinh Anh Đức, cô Trần Thị Na, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, Trường THPT Giai Xuân cho biết: Thời gian qua, với hoàn cảnh đặc biệt vậy, Đức đã được nhà trường miễn giảm học phí và được hỗ trợ các chi phí học tập. Ở trường Đức rất chăm ngoan, luôn nhận được sự quan tâm của thầy cô và bạn bè. Đức rất giàu nghị lực vượt khó vươn lên. “Các thầy, cô ở Trường Giai Xuân ai cũng đều mong Đức sẽ được các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ để em có điều kiện thực hiện ước mơ tiếp tục con đường học tập của mình”, cô Na bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ