Học sinh nghỉ học một tuần - đa chiều tâm trạng

Học sinh nghỉ học một tuần - đa chiều tâm trạng

Yên tâm vì con được nghỉ học

“Tuy vất vả hơn ngày thường nhưng cha mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi con ở nhà để được an toàn trong thời điểm phòng chống dịch quyết liệt. Gia đình tôi đã gửi con về nhà nội ở quê để nhờ trông giữ giúp. Thời điểm này con nghỉ học về vùng quê, tránh chỗ đông người cũng là biện pháp phòng trách dịch một cách hiệu quả”, chị Nguyễn Sen Hồng, ngụ quận Cái Răng (TP Cần Thơ) chia sẻ.

Còn anh Lê Hữu Tự Do, làm nghề kinh doanh ở quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cũng ủng hộ cho học sinh nghỉ học né dịch Corona: “Tôi có 2 đứa con, một đứa học lớp 2 và 1 đứa học lớp 5. Gần hết thời gian nghỉ Tết gia đình tôi rất lo lắng không biết việc học của con ra sao khi dịch bệnh phức tạp. Khi nghe nhà trường thông báo học sinh được nghỉ 1 tuần thì mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tuy vất vả khi vừa đi làm, vừa trông con nhưng tôi yên tâm vì ngành Giáo dục có thể chủ động phòng ngừa, con em được bảo vệ”.

Hay tin cho học sinh nghỉ học né dịch Corona, anh Phạm Văn Út, người dân ở xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) tỏ ra yên tâm và vui mừng. Theo chia sẻ của anh Út, đây là quyết định sáng suốt và hợp lòng dân nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, vừa kiểm soát dịch bệnh Corona.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nếu vào học mà tâm lý lo lắng, giáo viên đứng giảng bài phải đeo khẩu trang, học sinh cũng đeo khẩu trang thì đi học cũng không có chất lượng...”, anh Út bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, anh Trương Trường Tiến, người dân ở phường An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) vui vẻ cho biết: “Tuy việc gửi con cho ông bà trông giữ 1 tuần ở nhà cũng gặp khó khăn nhưng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của thành phố. Trong tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, công tác phòng ngừa như vậy là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh”.

Với nhiều phụ huynh có con đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học tại TPHCM, nhu cầu gửi trẻ là có thật… Tuy nhiên, với họ, việc vất vả một chút để sắp xếp trông con còn hơn là cho trẻ đi học trong hoang mang, lo lắng giữa dịch bệnh đang diễn biến như hiện nay.

“Tôi đồng tình với việc cho học sinh lùi ngày trở lại trường sau Tết một tuần để nắm bắt theo dõi tình hình dịch bệnh và làm tốt nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường. Mình cũng cố gắng sắp xếp thôi, vợ chồng thay phiên nhau trông con và nhờ cả hàng xóm để đảm bảo an toàn nhất cho các con. Chứ nếu đi học trong tình hình hiện nay, phụ huynh còn lo lắng gấp bội lần”, anh Lê Hồng Phong, có con theo học lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Q. Bình Thạnh) chia sẻ.

Phụ huynh thành phố phải “khéo lựa khéo co”…

Biết tin con trai 5 tuổi đang học mầm non công lập nghỉ học 1 tuần, chị Trần Thị Hiền (ngõ 29 Láng Hạ, Hà Nội) bàn với gia đình bên ngoại để gửi con trai. Chị Hiền là chủ một cửa hàng làm đẹp cho phụ nữ, bình thường con nghỉ học chị đưa con đến cửa hàng, vừa quản lý nhân viên vừa trông con.

Nhưng nay, dịch Corona diễn biến phức tạp, sợ con ở lại cửa hàng cùng mẹ không an toàn vì khách ra vào liên tục, chị Hiền gửi con cho bà ngoại đang trông con dâu mới đẻ được hơn 1 tháng.

“Cũng may con trai tôi biết vâng lời, không quậy phá, nên gửi ở nhà có em bé mới sinh cũng không phiền gì. Chỉ có điều tôi lo bà ngoại chiều cháu cho xem tivi nhiều quá” - chị Hiền nói.

Trường học không hoạt động, anh Reynier Jose Ortiz (kỹ sư máy tính đang sinh sống tại Lạc Long Quân, Hà Nội) cùng vợ rất lo lắng, không biết gửi con trai 4 tuổi ở đâu, con anh vốn đã quen với nền nếp giờ giấc sinh hoạt ở lớp mầm non tư thục, cứ đúng giờ là ngủ, đến giờ là phải ăn, các món ăn và cách ăn cũng khác với nhiều bạn Việt Nam, đặc biệt là cậu bé không chịu theo ai, không người quen nào có thể trông giúp.

Ngoài cô giáo ở lớp mầm non, chỉ có vợ chồng anh Reynier có thể trông con. Trong 2 ngày đầu tiên vợ anh Reynier xin công ty cho nghỉ phép ở nhà trông con, những ngày tiếp theo vợ chồng anh đang bàn tính lựa việc công ty thay nhau nghỉ ở nhà với con.

“Con nghỉ học ảnh hưởng không nhỏ tới công việc bố mẹ. Nhưng quan trọng nhất là tránh được dịch bệnh. Tôi cũng ủng hộ việc trường học tạm ngừng hoạt động, cho HS nghỉ ở nhà để phòng dịch”- anh Reynier bày tỏ.

Trong thời gian nghỉ ở nhà với con, anh Reynier dự định sẽ dạy cu cậu những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, chơi với con và nấu những món ăn quê hương con yêu thích.

Điều kiện tốt hơn những phụ huynh có con nhỏ, chị Nguyễn Thị Nhung (Chung cư Metropolis Liễu Giai, Hà Nội) và chị Trần Hải Yến (Tây Hồ, Hà Nội) lên thời gian biểu tự túc ở nhà cho con gái học lớp 8 và lớp 10.

Xen kẽ giữa những giờ học bài tập giáo viên giao là thời gian tập đàn, chơi đàn. Cả hai cô con gái của chị Nhung và chị Yến đều yêu thích âm nhạc, thích đọc sách, nên ngay khi biết tin nghỉ học 1 tuần, các mẹ đã đi mua sách, truyện mới để con có thể đọc giải trí.

Nhân viên y tế rửa tay cho học sinh khi vào trường tại TP Huế. Ảnh: Minh Ngọc

Nhân viên y tế rửa tay cho học sinh khi vào trường tại TP Huế.
Ảnh: Minh Ngọc 

Vô vàn giải pháp tình thế

Chồng mất nên gia đình chỉ có 2 mẹ con, gia đình chồng lại ở xa 60km, chị Chị Vũ Thu Hương (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) không dám chở con theo vì cơ quan không cho phép. Nhưng để ở nhà thì không có ai trông. Vì vậy, chị đành gửi con cho bà ngoại, nhưng bà ngoại cũng đang buôn bán ở chợ nên không còn cách nào khách cháu cũng bịt khẩu theo bà ngoại ra chợ luôn.

Còn chị Trần Thị Thu Vân - công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) có 2 con học tiểu học, nhận tin Sở GD&ĐT thông báo cho học sinh nghỉ để phòng chống dịch bệnh, gia đình cũng yên tâm. “Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học đề phòng dịch bệnh cũng tốt. Tuy nhiên, cái đáng lo nhất là hai vợ chồng đều đi làm công nhân, 2 con ở nhà không có ai lo. Nên sáng nay tôi xin ở nhà một ngày, rồi điện “cầu cứu” ông bà ngoại để đón các cháu về chăm sóc giúp, chứ không còn cách nào khác”, chị Vân cho hay.

Gặp tình huống tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Tình (trú tại Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho hay: Ông bà ở xa nên không nhờ trông coi các cháu được nên em và chồng thống nhất để viết đơn xin nghỉ phép cơ quan để ở nhà trông con. Em sẽ xin nghỉ phép trước để ở nhà trông con, nếu qua tuần sau các con vẫn được nghỉ thì lúc đó đến lượt chồng em xin phép nghỉ”, chị Tình cười nói.

Về quê tránh dịch

Trước diễn biến phức tạp của virus Corona, không ai biết HS phải nghỉ học 1 tuần hay nhiều hơn, vì thế mỗi gia đình cũng tùy cơ ứng biến.

Chị Hứa Quỳnh Chi (Long Biên, Hà Nội) có hai con học tiểu học, cho hay: Cả gia đình vừa mới từ quê xuống để thứ 2 đầu tuần cho con đi học và người lớn đi làm. Nhà không có giúp việc mà ông bà lại ở quê nên gia đình thực sự bị động vì nhận thông báo con được nghỉ học vào giờ chót. Tôi phải xin nghỉ làm 1 ngày đưa con về quê nhờ ông bà trông giúp trong lúc tránh dịch rồi sẽ lên Hà Nội đi làm bình thường.

Chị Nguyễn Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Ngày 3/2, anh trai sẽ chở hai con con tôi cùng mấy cháu về quê tránh dịch. Cả gia đình đón Tết ở quê, vừa lên thành phố, nay lại phải quay về. Nhưng cũng may trẻ con được nghỉ học vì nếu đi học, trẻ con rất dễ bị lây nhiễm các bệnh của nhau. Đang mùa dịch Corona, cần lọai trừ mọi nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ.

Cũng tìm cách gửi con về quê ở Bắc Giang nhờ người thân trông trong 1 tuần, chị Nguyễn Thu Hằng (công tác tại cơ quan có trụ sở ở phố Bà Triệu, Hà Nội) chia sẻ: “Bọn trẻ con coi đây là dịp nghỉ Tết dài, dù Tết hay nghỉ phòng dịch đều có bài tập làm ở nhà, nhưng bố mẹ công việc không thể nghỉ trông con, cách tốt nhất với gia đình tôi là cho con về quê”.

Theo chị Hằng, quê có vườn trái cây rộng rãi, bọn trẻ rất thích, chúng có thể tha hồ chạy nhảy, vui chơi trong không gian rộng rãi, cùng phụ giúp ông bà tưới rau và chăm cây trái. Bọn trẻ làm bài tập có ông bà trông coi, hàng ngày ông bà chụp ảnh bằng điện thoại phần bài cháu đã làm, gửi cho bố mẹ kiểm tra.

“Bây giờ các phương tiện thông tin hình ảnh facetime, mạng xã hội rất tiện lợi, bố mẹ gửi con về quê vẫn có thể nói chuyện hàng ngày để kiểm tra, thăm hỏi và động viên con trong thời gian nghỉ phòng dịch” - chị Hằng dự tính - “Cuối tuần bố mẹ có thể tranh thủ về thăm con, hoặc đón con quay lại thành phố nếu không phải nghỉ học nữa”.

Ngoài việc nhắc nhở các cháu ôn tập thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong thời gian được nghỉ này, tôi cũng sẽ dành thời gian cho hai cháu học thêm đàn piano tại nhà, cũng như hướng dẫn các cháu về việc học tiếng Anh qua Internet - chị Phan Thị Mỹ Ngần (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ