Học sinh lớp 12 Hà Tĩnh tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Gần 17.000 thí sinh Hà Tĩnh tham dự kỳ thi thử tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi giúp thí sinh tập dượt kỹ năng trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Dự kiến, các trường sẽ hoàn thành công tác chấm thi thử và báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 18/4.
Dự kiến, các trường sẽ hoàn thành công tác chấm thi thử và báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 18/4.

Bám sát đề thi minh họa

Sáng 12/4, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT năm 2023 cho gần 17.000 học sinh lớp 12. Đây là kỳ thi thử được tổ chức với hình thức trực tiếp duy nhất trong năm học do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức. Theo kế hoạch, kỳ thi được diễn ra trong 12/4 và 13/4, mỗi trường THPT là một điểm thi.

Trong sáng 12/4, các thí sinh đã bước vào thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận với thời gian 120 phút. Dù là kỳ thi thử nhưng nhiều thí sinh cho biết bản thân các em cũng lo âu và hồi hộp như chuẩn bị bước vào kỳ thi chính thức. Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngay từ khi có thông báo về kỳ thi các em đã tăng cường ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.

Gần 17.000 thí sinh tại Hà Tĩnh tham dự kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT năm 2023.

Gần 17.000 thí sinh tại Hà Tĩnh tham dự kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT năm 2023.

Em Trần Thị Huyền Trang (lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) cho biết, dù Ngữ Văn là môn sở trường nhưng không vì thế em chủ quan với kỳ thi thử. Bản thân em cũng khá lo lắng trước buổi thi sáng nay. “Tối qua em đã cùng với bạn cùng nhau rà soát lại kiến thức. Dù là kỳ thi thử nhưng em đã cố gắng để làm bài thi tốt nhất. Qua đợt thi chúng em có dịp được thử sức và đánh giá năng lực của mình”, Huyền Trang chia sẻ.

Nhận xét về đề thi Ngữ văn, Huyền Trang cho biết, đề thi bám sát với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT và chương trình học. “Em thấy đề thi Ngữ văn không mang tính chất đánh đố và có sự phân loại năng lực học sinh qua cấu trúc đề. Em rất thích câu hỏi của nghị luận xã hội khi nói sự cần thiết vượt qua áp lực cuộc sống”, Huyền Trang cho biết.

Không riêng học sinh, nhiều GV cũng đánh giá đề thi môn Ngữ văn tại Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức giữ cấu trúc ổn định, độ khó vừa phải và có tính thời sự, giúp học sinh bộc lộ khả năng tư duy và thể hiện năng lực của bản thân.

Đề thi môn Ngữ Văn tại Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức.

Đề thi môn Ngữ Văn tại Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức.

Thầy giáo Phạm Duy Diễn (GV Ngữ văn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Cấu trúc của đề thi đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh, các câu hỏi có độ phân hóa. Phần ngữ liệu ở câu 1 tôi thấy khá thú vị, câu nghị luận xã hội rất hấp dẫn và mang tính thời sự nhất là đối với các em học sinh lớp 12. Còn câu nghị luận văn học, cơ bản học sinh đã được học kỹ và các em rất tự tin tin khi làm đề này”.

Cô giáo Nguyễn Thanh Hoài (GV Trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân) cho rằng đây là một đề thi hay với mức độ vừa phải, đúng với tinh thần đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. “Với 4 câu hỏi, phần Đọc hiểu phân rõ 3 mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng. Phần nghị luận xã hội có nội dung thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh với các em học sinh 12. Đây là một câu hỏi tôi thấy rất hay để các em thoải mái bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ qua đó đánh giá năng lực học sinh. Ở đoạn trích, người ra đề chọn ngữ liệu khá thú vị”, cô Hoài bày tỏ.

Thi thử, chất lượng thật

Để chủ động trong công tác tổ chức thi thử, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và các trường trên địa bàn đã chuẩn bị chu đáo về tập huấn, phổ biến nội quy, quy chế thi cho cán bộ giáo viên, học sinh đến tổ chức họp phụ huynh… Mọi công tác chuẩn bị đều được tổ chức theo trình tự và sự bảo mật được đặt lên hàng đầu.

Đề thi do ban ra đề và in sao đề thi của cụm chuyên môn tổ chức biên soạn, dựa trên bộ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT và các đề thi năm trước. Mỗi đơn vị thành lập một Hội đồng thi gồm ban coi thi và ban chấm thi.

Quy định về coi thi, chấm thi được vận dụng theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, bảo đảm trung thực, khách quan đánh giá đúng chất lượng bài thi của thí sinh.

Từ kết quả của kỳ thi, các trường học có căn cứ điều chỉnh kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp phù hợp. (Trong ảnh học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ trong một tiết ôn luyện).

Từ kết quả của kỳ thi, các trường học có căn cứ điều chỉnh kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp phù hợp. (Trong ảnh học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ trong một tiết ôn luyện).

“Kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT là dịp để các trường rà soát lại kết quả giáo dục, ôn tập cho học sinh cuối cấp. Qua đó, giúp học sinh rèn luyện tâm lý, kỹ năng trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Từ kết quả của kỳ thi, các trường học có căn cứ điều chỉnh kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp phù hợp. Đặc biệt quan tâm tới em trong diện yếu kém và đề ra các biện pháp cụ thể hỗ trợ nhằm nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới…”, ông Đậu Quang Hồng – Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông tin.

Được biết, tại kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT 2023, Hà Tĩnh có 16.753, trong đó tổ hợp bài thi KHTN 3.738 và tổ hợp bài thi KHXH 13.014.

Theo đó, các thí sinh sẽ làm 4 bài thi: gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (tiếng Pháp đối với lớp 12 chuyên Pháp - Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn: Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (gồm các môn: Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT, đăng kí thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi (do thí sinh tự chọn) trong số 2 bài thi tổ hợp.

Trong chiều 12/4, các thí sinh làm bài thi Toán theo hình thức trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Ngày 13/4, thí sinh tiếp tục làm các bài thi tổ hợp và ngoại ngữ với hình thức trắc nghiệm. Trong đó, buổi sáng, các em làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp khoa học xã hội, thời gian 150 phút; buổi chiều làm bài thi Ngoại ngữ, thời gian 60 phút.

Dự kiến, các trường sẽ hoàn thành công tác chấm thi thử tốt nghiệp THPT và báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 18/4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ