Học sinh khó đến trường vì bão “thổi bay đường”

GD&TĐ - Thời gian qua, nhiều người dân tại thôn 2 (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) phải chật vật di chuyển trên tuyến đường bị bão đánh sập, sạt lở.

Con đường thôn 2 (xã Đăk Pne) bị bẻ gãy do bão số 9/2020.
Con đường thôn 2 (xã Đăk Pne) bị bẻ gãy do bão số 9/2020.

Đặc biệt, vào mùa mưa nhiều học sinh khó khăn trên quãng đường đến trường.

Nghỉ học ngày mưa vì không có đường

Ông Trần Văn Vinh (60 tuổi, thôn 2, xã Đăk Pne) cho biết, tuyến đường dân sinh nối thôn 2 với trục đường chính của xã Đăk Pne phục vụ cho việc đi lại của khoảng 60 hộ dân. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 10/2020, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 khiến hơn 200m đường tại khu vực thôn 2 bị đánh sập, khiến người dân khó khăn khi qua lại.

Hàng ngày, muốn di chuyển ra trung tâm xã người dân phải đi nhờ vào rẫy cà phê của hộ gia đình khác. Tuy nhiên, vào mùa mưa con đường tạm này cũng bị ngập nước, sình lầy.

“Đường bị đánh sập khiến việc đi lại của bà con rất khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, vấn đề giao thương của người dân cũng bị ảnh hưởng. Đường khó đi nên thương lái ép giá nông sản khiến cuộc sống của người dân đã khó khăn lại càng khốn khổ hơn”, ông Vinh nói.

Từ ngày con đường bị cuốn trôi, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Sơn đều phải chở con đến trường.

Chị Sơn chia sẻ, chị có 2 người con. Con lớn năm nay gần 20 tuổi, còn người con út mới lên lớp 4. Từ ngày con đường bị bão đánh sập gây hư hỏng, sạt lở gia đình chị không dám để con tự đến trường. Do đó, mỗi ngày chị đều vượt hơn 5km để đón đưa con tới lớp.

“Trước đây khi con đường chưa bị cuốn trôi thì từ nhà ra đến trường của con chỉ mất khoảng 15 phút. Giờ đây đường sạt lở nghiêm trọng nên tôi đi khoảng 45 phút hoặc 1 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Những ngày mưa, nước ngập các con phải lội bộ qua đoạn đường sạt lở này.

Còn hôm mưa lớn gia đình đành cho con nghỉ học vì đường hư hỏng, nước ngập sâu. Con đường tắt đi qua rẫy cà phê của người dân cũng bị sình lầy, trơn trượt.

Chính vì vậy rất khó khăn cho người dân cũng như học sinh khi di chuyển qua khu vực này. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm sớm khắc phục, sửa chữa đoạn đường này để bà con ổn định cuộc sống”, chị Sơn tâm sự.

Đường bị đánh sập, người dân phải đi nhờ vào rẫy cà phê.
Đường bị đánh sập, người dân phải đi nhờ vào rẫy cà phê.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 200m đường dân sinh, đoạn qua thôn 2 (xã Đăk Pne) bị bẻ gãy vụn, chỉ còn lởm chởm đá. Không những vậy, khu vực này tạo thành một hố sâu, cách mặt đường hơn 2m.

Ông Lê Văn Thận (thôn 2) cho biết, từ ngày con đường bị bẻ gãy người dân trong thôn phải đi con đường đất xuyên qua vườn cà phê của 1 hộ dân. Tuy nhiên, việc đi lại ảnh hưởng đến vườn cây nên chủ nhà nhiều lần ngăn cấm.

Cũng theo ông Thận, việc đi xuyên qua lòng suối với lởm chởm đá rất nguy hiểm. Nhiều người bị té ngã, trầy sước.

“Vào năm ngoái có một xe ô tô chở 5 người đi qua con đường này. Tuy nhiên, do không có biển báo và rào chắn nên chiếc xe bị lật, cắm thẳng xuống lòng suối. May mắn không có ai bị thương nhưng phương tiện bị hư hỏng nặng”, ông Thận nói.

Chị Nguyễn Thị Sơn mong muốn con đường được sửa chữa để ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Sơn mong muốn con đường được sửa chữa để ổn định cuộc sống.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Sơn, Chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết, con đường dân sinh nối thôn 2 với trục đường chính đã bị sạt lở trong cơn bão số 9 năm 2020. Từ khi con đường bị hư hỏng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa.

Theo ông Sơn, đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở là đường nông thôn nên địa phương đang chờ vốn từ nguồn kinh phí mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, con đường này sẽ được ưu tiên xây dựng, sửa chữa để bảo đảm việc đi lại của người dân.

Còn ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho hay, đơn vị đã xin ý kiến các cấp, ban ngành để khắc phục, sửa chữa đoạn đường bị cơn bão số 9 năm 2020 đánh sập.

“Dự kiến vào khoảng tháng 5/2022 địa phương sẽ triển khai đầu tư, làm mới tuyến đường để đảm bảo giao thông cho người dân. Đoạn đường được khắc phục có chiều dài khoảng 260m, với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng. Vốn đầu tư khắc phục đoạn đường từ nguồn ngân sách tỉnh cho các công trình cấp bách và cân đối ngân sách huyện. Khi tuyến đường được sửa chữa sẽ ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Thuỷ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.