Học sinh Hà Nội tự tin biểu diễn nhạc cụ truyền thống trên sân khấu hiện đại

GD&TĐ - Những tiết mục văn nghệ đặc sắc đã góp phần quảng bá hình ảnh học sinh Hà Nội năng động, trẻ trung và giàu truyền thống văn hóa.

Học sinh tự tin biểu diễn những nhạc cụ truyền thống.
Học sinh tự tin biểu diễn những nhạc cụ truyền thống.

Quảng bá hình ảnh học sinh Hà Nội năng động, giàu truyền thống

Chiều 14/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vòng sơ khảo Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 với sự tham gia của 37 đội đến từ 37 trường.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, số trường tham gia năm nay tăng 3 trường so với lần tổ chức đầu tiên năm 2023 nhưng số giải thưởng được tăng cường gấp 4 lần: Từ 7 giải lên 28 giải. Điều này nhằm động viên, khuyến khích các em học sinh đam mê âm nhạc.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, liên hoan không chỉ là sân chơi nghệ thuật bổ ích mà còn là dịp để các em học sinh thể hiện tài năng, đam mê và sự sáng tạo của mình. Đây cũng là cơ hội để các em giao lưu, học hỏi, cùng nhau lan tỏa những giá trị tốt đẹp của âm nhạc đến cộng đồng.

"Là những người làm công tác giáo dục, chúng tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện cho học sinh. Những hoạt động như Liên hoan ngày hôm nay chính là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, đầu tư của ngành GD-ĐT Hà Nội trong việc tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em học sinh phát huy tối đa tiềm năng của bản thân", ông Cương nói.

z6504921238757-88b61e532a2e0dfac32dc6331cb74520.jpg
Các nhóm nhạc hào hứng tham dự liên hoan.
img-0956.jpg
Các ban nhạc và khán giả có mặt tại hội trường Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
cuong-1.jpg
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu khai mạc vòng sơ khảo.

Liên hoan cũng nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục và nâng cao đời sống tinh thần, khả năng cảm thụ văn hóa - nghệ thuật cho học sinh; phát hiện và bồi dưỡng tài năng âm nhạc trên địa bàn Thủ đô theo định hướng của chương trình GDPT 2018, góp phần quảng bá hình ảnh học sinh Hà Nội năng động, trẻ trung và giàu truyền thống văn hóa.

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo liên hoan đánh giá cao sáng kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc khởi xướng, phát triển các cuộc thi âm nhạc trong học sinh Thủ đô và đã mang về những thành công ngoài mong đợi. Đây là bước đột phá và hiện chỉ có Hà Nội làm được. Hy vọng rằng, từ các sân chơi âm nhạc chất lượng sẽ có nhiều học sinh tài năng tiếp tục đam mê và phát triển theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp trong tương lai.

giam-khao.jpg
Ban tổ chức tặng hoa cho Ban Giám khảo.
img-0689.jpg
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT tặng hoa các nhà trường tham gia liên hoan.
img-0714.jpg
Ban tổ chức tặng hoa các nhà trường tham gia liên hoan.

Kết hợp truyền thống với hiện đại

Mở đầu liên hoan, nhóm nhạc TMIC đến từ Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành trình diễn bản nhạc "Tứ quý", một làn điệu quen thuộc trong các chiếu chèo truyền thống. Sau đó là các bản nhạc Bài ca trường Nguyễn Tất Thành, bài hát Hồ Trên Núi. Các em học sinh đã tự tin trình diễn và kết hợp nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau như sáo, đàn tranh, đàn nguyệt, trống...

Nguyễn Hà Linh, thành viên của ban nhạc, đảm nhận vị trí chơi đàn nguyệt chia sẻ: Đến với liên hoan, chúng em đều rất vui. Sau thời gian luyện tập vất vả, chúng em mang đến liên hoan các tiết mục văn nghệ kết hợp truyền thống với hiện đại, khẳng định học sinh Hà Nội không chỉ sẵn sàng tiếp thu tinh hoa của thế giới và còn luôn trân trọng những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Trong khi đó, nhóm nhạc Tre Xanh, gồm 5 thành viên là học sinh Trường THPT Sóc Sơn mang đến liên hoan tiết mục hát xẩm truyền thống. Với sự hỗ trợ của NSND Xuân Hoạch và nghệ nhân Tạ Hạnh - chủ nhiệm CLB Nghệ thuật hát Xẩm Hà Nội, các em có được những hiểu biết đầy đủ về nghệ thuật hát Xẩm.

Nguyễn Danh Khoa là nhân vật đặc biệt của nhóm Tre xanh của như của liên hoan năm nay. Dù gặp khó khăn về thị giác nhưng Khoa là người khơi nguồn đam mê cho các bạn và thầy cô trong trường. Không chỉ chơi piano, Khoa còn chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, đàn nguyệt, tiêu, sáo và trống. Tài năng của em khiến mọi người phải nể phục.

Danh Khoa chia sẻ, trong quá trình luyện tập, các nghệ sỹ, nghệ nhân nắn nót từng câu hát, từng câu đàn, từng câu phách, giúp chúng em có những kỹ năng cần thiết để thực hiện tiết mục một cách tốt nhất. Cùng với đó, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thanh cùng Ban giám hiệu nhà trường cũng giúp nhóm có thêm điều kiện, động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

488517518-1090493089789255-4874747648226410610-n.jpg
Nhóm nhạc Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành luyện tập trước giờ biểu diễn.
img-0749.jpg
Tiết mục biểu diễn của nhóm nhạc Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.
img-0947.jpg
Tiết mục của nhóm TOS Band, Trường THCS&THPT Olympia.
pdp.jpg
Tiết mục đặc sắc của nhóm nhạc đến từ Trường THPT Phan Đình Phùng.

Tham dự liên hoan năm nay, nhóm nhạc Phan Dinh Phung Band đến từ Trường THPT Phan Đình Phùng đem đến một bản mashup mới giữa hai ca khúc quen thuộc “Quê nhà” cùng “Ôi quê tôi” và bản hòa tấu Son mang đậm không khí hoài niệm, đồng thời vẫn giữ được các giá trị đặc trưng của ca khúc gốc.

Vũ Quang Minh, học sinh lớp 12D5, thành viên Phan Dinh Phung Band đảm nhận vị trí chơi bass chia sẻ: Liên hoan là hoạt động sôi nổi, bổ ích của học sinh Thủ đô, giúp chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học kiến thức. Âm nhạc cũng giúp học sinh hiểu nhau hơn, được giao lưu, kết bạn, gặp gỡ, gắn kết với chung niềm đam mê âm nhạc.

"Sau thời gian luyện tập sôi nổi, chúng em sẽ mang đến liên hoan những màn trình diễn bùng nổ, ấn tượng, cháy hết mình trên sân khấu. Đó là niềm tự hào, niềm hy vọng, từng nhịp đập của bao trái tim yêu thương, kết nối của các thầy cô, bạn bè đã và đang học tập, công tác dưới mái trường Phan, đó cũng là truyền thống của nhà trường THPT Phan Đình Phùng", Quang Minh nói.

Vòng sơ khảo Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT thành phố Hà Nội lần thứ II được tổ chức trong các ngày 14, 15, 16/4. Ở vòng thi này, mỗi ban nhạc, nhóm nhạc sẽ thể hiện 2 tác phẩm liên tục thể loại hòa tấu và đệm hát. Vòng chung khảo diễn ra vào tối 28/4, được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, Đài Truyền hình Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ