Học sinh được hưởng lợi

GD&TĐ - Đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục là một chủ trương lớn, đúng đắn. Trong cuộc "cách mạng" về giáo dục này, không chỉ là sự cố gắng chuyển mình của ngành Giáo dục, mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành và toàn xã hội. Trước hết, khâu thi cử là mấu chốt mà bắt đầu bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh được hưởng lợi

Đổi mới là cần thiết

Trước đây, học sinh phải trải qua rất nhiều kỳ thi tốt nghiệp. Từ năm 2001 trở về trước, cả 3 khối Tiểu học, THCS và THPT vẫn phải thi tốt nghiệp. Điều này tạo ra nhiều áp lực cho học sinh. 

Từ năm 2002 trở đi, kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học được bỏ, học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 được tuyển vào lớp 6 không cần thi. Đến năm 2005, kỳ thi tốt nghiệp THCS cũng được bỏ, học sinh chỉ cần xét tốt nghiệp và lấy kết quả 4 năm học THCS để xét vào THPT. 

Như vậy cả 12 năm học chỉ phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông duy nhất sau khi học hết lớp 12, đó là thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là áp lực với học sinh. Bởi các em sẽ phải cùng một lúc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp vừa phải ôn thi Đại học. 

Những môn thi tốt nghiệp chẳng phải môn nào cũng được các em chọn làm môn thi đại học, bởi gồm các môn tự nhiên, lại có cả các môn xã hội. Với đầu ra của các ngành xã hội bây giờ, ít học sinh chọn thi vào các ngành khối C. 

Các môn thi tốt nghiệp thường là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 3 trong số 5 môn còn lại (Sử, Địa, Vật lý, Hóa học và Sinh). Nếu các em phải học đều để vượt qua cả 6 môn là một áp lực rất lớn. 

Vì thế, chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đưa ra được các em học sinh và các bậc phụ huynh đồng tình hưởng ứng.

Phương án 1 vừa sức với học sinh

Là một nhà giáo, một người làm quản lý giáo dục, đồng thời cũng là một phụ huynh học sinh, tôi xin có vài ý kiến sau:

Về số môn thi: Thi tốt nghiệp 4 môn là vừa sức với học sinh. Vì nó giảm khoảng cách về trình độ học sinh giữa các vùng miền.

Về cơ cấu các môn: Nên bắt buộc hai môn Toán, Văn; hai môn còn lại gồm một môn Sử (hoặc Địa) và môn Vật lý (hoặc Hóa học hay Sinh vật). 

Việc chọn lựa các môn còn lại do Sở GD&ĐT các tỉnh (thành phố) bắt thăm ngẫu nhiên vào khoảng đầu tháng Ba hằng năm và quy định thống nhất trong tỉnh (thành phố) của mình. Học sinh có thể đăng ký thi thêm môn ngoại ngữ để cộng vào điểm thi tốt nghiệp.

Đây là kỳ thi tốt nghiệp duy nhất của bậc học phổ thông, chủ yếu là kiến thức phổ thông trong sách giáo khoa, không nên “đánh đố” các em, mà cần tạo điều kiện để các em được tốt nghiệp. 

Nếu em nào đủ điểm tốt nghiệp (trung bình điểm 5, không có điểm chết là 0) thì được dự thi CĐ, loại khá giỏi mới được thi ĐH; những em còn lại sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và chỉ được học nghề. 

Như vậy sẽ giảm áp lực cho kỳ thi đại học với lượng thí sinh ảo, đỡ gây tốn kém lãng phí, lại phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp, tạo cơ hội tuyển sinh cho các trường dạy nghề, giải quyết thực tế "thừa thầy thiếu thợ".

Đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục là một chủ trương lớn, đúng đắn. Trước hết, khâu thi cử là mấu chốt mà bắt đầu bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Trong cuộc "cách mạng" về Giáo dục này, không chỉ là sự cố gắng chuyển mình của ngành Giáo dục, sự nhận thức của học sinh và các bậc phụ huynh, mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành và động thái hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ