Các em đến trường, đồng nghĩa với việc thầy cô được sống với nghề, sẽ có thu nhập trang trải cuộc sống của gia đình.
Khấp khởi niềm vui
Từ khi nhận được thông báo, học sinh khối 9 và 12 đi học trở lại, thầy Bùi An Thạch - Chủ tịch Công đoàn, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Lý Thái Tổ (Lê Chân, Hải Phòng) không giấu nổi niềm vui. Thầy Thạch bộc bạch: “Chúng tôi mong đứng, mong ngồi ngày học sinh được trở lại trường học tập. Tôi mường tượng rằng, đó sẽ là ngày hội của thầy - trò. Nay điều đó đã thành hiện thực, dẫu chưa thực sự được trọn vẹn”.
Thầy Thạch chia sẻ: Không tay bắt, mặt mừng, không ôm nhau thắm thiết nhưng trong ánh mắt, nụ cười và cả cánh tay vẫy chào nhau cũng đủ để nói lên niềm vui ngày tựu trường của thầy - trò, đồng nghiệp. “Chúng tôi luôn có niềm tin về một ngày không xa, Việt Nam sẽ chiến thắng dịch Covid-19” - thầy Thạch khấp khởi niềm vui. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, điều mà thầy Thạch cảm thấy an vui nhất đó là vấn đề lương, thu nhập của mình và đồng nghiệp. Bởi học sinh đến trường, đồng nghĩa với việc giáo viên có lương và cuộc sống gia đình sẽ ổn định, sung túc trở lại như những ngày chưa có dịch Covid-19.
Thầy Thạch cho biết: Ai nấy đều vui mừng, phấn khởi và háo hức đến trường. Một số giáo viên, trong đó có tôi, dù không có tiết nhưng cũng đến trường để được gặp bạn bè, đồng nghiệp, nhìn ngắm học trò miệt mài bên trang sách, nghe âm thanh quen thuộc - ồn ào, náo nhiệt của cô cậu học trò.
“Thầy - trò chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, của ngành Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhà trường yêu cầu mỗi học sinh ngồi một bàn, mỗi lớp không quá 20 học sinh. Trước khi đến trường và vào lớp học, 100% học sinh được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Học sinh đến trường bắt buộc phải đeo khẩu trang, và không được tụ tập đông người” - thầy Thạch chia sẻ.
Chờ từng ngày
Tại Trường THPT Thăng Long (Ngô Quyền, Hải Phòng), thầy Phó Hiệu trưởng Đặng Quang Tuân cho biết: Thầy và trò đều vui mừng, phấn khởi khi trở lại trường dạy – học. Tâm lý thoải mái, tâm thế sẵn sàng, tự tin nên buổi học đầu tiên của thầy – trò Trường THPT Thăng Long diễn ra hiệu quả.
“Chúng tôi xác định: Dạy thực chất, học thực chất ngay từ buổi học đầu tiên. Trong quá trình dạy học, yêu cầu giáo viên hệ thống lại kiến thức cho học sinh trong thời gian học online. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19” - thầy Tuân nhấn mạnh, đồng thời trao đổi: Với trường ngoài công lập, việc học sinh được trở lại trường học tập không chỉ có ý nghĩa với chính bản thân các em, mà còn với đội ngũ cán bộ, giáo viên. Học sinh đến trường, đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ có nguồn thu học phí để trang trải thu chi, trong đó có vấn đề thu nhập của giáo viên.
Cần Thơ dự kiến đầu tháng 5 cho học sinh quay lại trường học tập. Thầy Trần Văn Kỳ Nam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Quốc Văn (TP Cần Thơ) chia sẻ: Chúng tôi mong từng ngày để thầy – trò được trở lại trường giảng dạy và học tập. Nhất là với trường ngoài công lập, việc này sẽ giúp các trường cân đối thu chi và bảo đảm lương, thu nhập cho giáo viên. Hơn nữa, dù sao dạy học trực tuyến cũng chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay. Mọi công việc được chuẩn bị chu đáo, an toàn, đúng quy định để sẵn sàng đón học sinh trở lại học tập.
Cô Đinh Thị Hậu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Linh (TP Sơn La, Sơn La) bộc bạch: Phụ huynh của gần 600 học sinh và 48 cán bộ giáo viên đều mong từng ngày, từng giờ để được trở lại trường. Dù không phải đến trường, nhưng nhiều giáo viên vì nhớ lớp nên vẫn đến mở cửa phòng học cho thông thoáng và dọn dẹp vệ sinh, lau chùi đồ dùng dạy - học. Nhiều giáo viên tranh thủ soạn bài, làm giáo án điện tử và gửi những bài học trực tuyến cho phụ huynh để giáo dục các con.
Mặc dù được công ty hỗ trợ nhưng vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên giáo viên không có lương từ tháng 4. Hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ, giáo viên chúng tôi mong chờ từng ngày để học sinh được trở lại trường. Học sinh đi học, đồng nghĩa với việc giáo viên được trở lại với công việc của “cô nuôi dạy hổ”. Và một lý do quan trọng là sẽ có lương, thu nhập để trang trải cuộc sống. - Cô Đinh Thị Hậu