Học sinh Nguyễn Tiến Đạt (lớp 12A1, THPT Hà Đông) cũng như nhiều bạn khác trong lớp đều chọn môn Lịch sử và Địa lý để đăng kí nguyện vọng môn thi tự chọn.
Đạt cho biết: “Trong lớp 12A1 có 12/48 học sinh hướng nghiệp theo ban C nên môn Lịch sử sẽ được nhiều bạn đăng kí thi là điều chắc chắn vì đây là thế mạnh của các em".
Còn em Đoàn Thị Lan Phương, lớp 12D2 - Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Em rất phấn khởi và biết ơn Bộ GD&ĐT đã có phương án để kỳ thi tốt nghiệp này nhẹ nhàng hơn đối với học sinh.Chúng em rất hào hứng khi chỉ phải thi 4 môn, trong đó lại được tự chọn 2 môn thi theo sở trường của mình”.
Hầu hết các bạn trong lớp 12D2 đều hướng nghiệp theo ban D (Toán – Văn – Anh) nên cùng có nguyện vọng thi Tiếng Anh cho môn tự chọn. Một môn còn lại nhiều bạn chọn môn Lịch sử, có bạn chọn môn Sinh học.
Thầy Bùi Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Hà Đông - cho biết: Qua thăm dò sơ bộ tại trường, nhiều em hướng nghiệp Ban A có nguyện vọng thi 2 môn Vật lý và Hóa học.
Ngoài số học sinh có hướng nghiệp tốt, đã có sẵn nguyện vọng cho môn tự chọn thì những học sinh chưa quyết đoán trong lựa chọn môn thi sẽ đăng kí môn thi theo tâm lý số đông là hai môn Vật lý và Hóa học. Ở những học sinh yếu kém thì Vật lý và Hóa học cũng là hai môn được lựa chọn nhiều.
Cũng theo thầy Hoàng: Nhiều học sinh trong trường đã hướng nghiệp theo ban C như trường hợp của em Đạt và các bạn lớp 12A1 thì lựa chọn số 1 là môn Lịch sử, bên cạnh đó là môn Địa lý để đăng kí môn thi tự chọn.
Nhiều học sinh ở Hà Nội khi tiếp xúc với chúng tôi cho biết sự lựa chọn môn thi lại không hoàn toàn nằm trong 3 môn thi hướng nghiệp.
Cụ thể, em Nguyễn Thu Vân (lớp 12A4 THPT Tư thục Hà Đông) và em Nguyễn Hoài Phương (lớp 12 D1 THPT Trần Hưng Đạo) cùng hướng nghiệp theo ban D với 3 môn Toán – Văn – Anh, nhưng Hoài Phương lại chọn môn Vật lý, Thu Vân chọn môn Sinh học thay vì cho Tiếng Anh để đăng kí môn thi tự chọn.
Hai em cho biết: Các em đều học khá môn Tiếng Anh nhưng sở dĩ sẽ không đăng kí thi tiếng Anh là do từ trước đến nay đã làm quen với đề trắc nghiệm môn này.
Theo phương án thi năm nay, đề thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh lại có thêm phần viết luận, không biết độ khó thế nào nên các em không chọn thi.
Vai trò tư vấn của các thầy cô
Thầy Vũ Đình Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo - nhận định: Ở các trường THPT đại trà có chất lượng giáo dục thuộc tốp trung bình trở lên của TP Hà Nội, học lực của học sinh tương đối đồng đều và đã có động lực hướng nghiệp rất rõ ràng.
Chính vì vậy, nhiều em đã có phương án đăng kí môn thi tự chọn. Với một số trường tốp dưới, nhiều trường dân lập, lựa chọn môn thi mới là vấn đề đặt ra khi ở đây vẫn còn một bộ phận học sinh có học lực yếu, kém.
Trao đổi với thầy Bùi Hoàng - Hiệu trưởng trường THPT Tư thục Hà Đông - chúng tôi được biết: Do chất lượng đầu vào của trường còn thấp, sau nhiều cố gắng kết quả xếp loại học lực gần đây nhất của 471 học sinh khối 12 chỉ có 43% học sinh khá giỏi, còn lại 57% học sinh xếp loại học lực trung bình và yếu kém.
Thầy Hoàng nhận định, số học sinh có học lực khá, giỏi thì đã có sẵn phương án lựa chọn môn thi. Ở một bộ phận học sinh yếu, kém không có môn nào nổi trội thì lựa chọn môn thi cũng là vấn đề khó.
Với những trường hợp này các thầy cô giáo bộ môn phải tư vấn để các em có sự lựa chọn môn thi tốt nhất; bên cạnh đó là có kế hoạch kèm cặp, ôn luyện thật tốt để giúp học sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.