Học sinh chế thuốc trừ sâu từ thực vật

GD&TĐ - Chế phẩm sinh học từ rau má lá sen chứa các hoạt chất kháng khuẩn, diệt sâu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe con người là sản phẩm của nhóm HS Cà Mau.

Nhóm học sinh và chế phẩm sinh học trừ sâu từ rau má lá sen.
Nhóm học sinh và chế phẩm sinh học trừ sâu từ rau má lá sen.

Tận dụng hoạt chất kháng khuẩn trong lá sen

Nhóm học sinh tìm ra công thức từ rau má lá sen để diệt trừ sâu bọ, gồm: Hứa Nguyễn Duy, Nguyễn Thiện Phúc và Phan Thiện Nhân, cùng học lớp 11C1, Trường THPT Tắc Vân (TP Cà Mau, Cà Mau). Sản phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Cà Mau lần thứ 7 (2023 - 2024) và giải Nhất Cuộc thi mời gọi vốn đầu tư của CamaUP'24.

Hứa Nguyễn Duy cho biết, trong bối cảnh nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, nhóm áp dụng kiến thức đã học và tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có để nghiên cứu ra chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

Mô hình khởi động nghiên cứu khi các bạn nhìn thấy sự phát triển tươi tốt của giống rau má lá sen trong khuôn viên trường mà không bị sâu làm hại. Những cậu học trò nhỏ tò mò và suy nghĩ rằng những vùng đất trống, vùng sản xuất kém hiệu quả hẳn đang cần một loại chế phẩm diệt trừ sâu bọ an toàn thay cho các loại thuốc hoá học độc hại cho sức khoẻ và môi trường. Thế là cả nhóm quyết tâm và cùng đồng lòng tìm tòi để chế ra công thức sản phẩm.

“Cà Mau có nhiều diện tích đất nhiễm phèn, mặn, người dân nuôi tôm khá nhiều nên phần đất canh tác không thể trồng và sản xuất nông nghiệp. Thấy được điều này, chúng em cảm thấy rau má lá sen phát triển tốt trong điều kiện đó và có thể cạnh tranh sinh trưởng với các loài khác, nên chúng ta có thể tận dụng lẫn chủ động trồng, tạo nên nguồn nguyên liệu.

Thêm nữa, việc sản xuất nông sản của người dân đạt hiệu quả chưa cao, chúng em muốn tạo ra sản phẩm phải đáp ứng được hai yếu tố, vừa bảo vệ môi trường, vừa kích thích sinh trưởng, để nông dân có thể bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh hiệu quả”.

Từ lúc hình thành ý tưởng đến sản phẩm hoàn thiện, nhóm mất gần 2 năm thử nghiệm qua nhiều công thức. Do nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm ở ngay khuôn viên nhà trường nên nhóm không mất nhiều công sức chuẩn bị.

Quy trình sản xuất chế phẩm gồm các bước chính như: Thu hoạch rau má lá sen, sơ chế, chiết xuất hoạt chất bằng phương pháp tự nhiên và phối trộn theo tỷ lệ phù hợp. Sản phẩm có nhiều ưu điểm như được làm từ 100% hữu cơ, an toàn cho con người và thân thiện với môi trường, giúp kích thích sinh trưởng cho cây trồng, phòng ngừa sâu hại hiệu quả, mùi thơm dễ chịu. Sản phẩm đựng trong chai nhựa thể tích 500 ml, giá bán dự kiến 80.000 đồng/chai.

Sẽ chế tạo sản phẩm dạng bột

Nắm trong tay mô hình hoàn chỉnh, định hướng phát triển trong tương lai của nhóm là mong muốn chế tạo chế phẩm này dưới dạng bột, với ưu điểm bảo quản được lâu hơn và dễ dàng vận chuyển lẫn sử dụng.

Hứa Nguyễn Duy hào hứng cho biết, nhóm đã phát triển sản phẩm hoàn chỉnh và đang có ý tưởng phát triển thêm các sản phẩm mới. Nhóm mong muốn phát triển theo hướng hợp tác kinh doanh, nhóm sẽ chịu trách nhiệm công thức sản phẩm. Về thị trường, sản xuất, quản lý nguồn tiền... sẽ do doanh nghiệp có kinh nghiệm thực chiến muốn hợp tác với nhóm đảm nhận.

“Công dụng chính là khi phun lên cây sẽ phòng trừ sâu bọ vô cùng tốt. Chế phẩm được chế tạo từ những nguyên liệu rất thân thiện với môi trường và dễ tìm”, Nguyễn Duy nói.

Cô Dương Nguyên Ngọc - Trường THPT Tắc Vân, giáo viên hướng dẫn nhóm, đánh giá: “Ý tưởng nghiên cứu của học sinh đã thay đổi được giá trị của rau má lá sen. Từ một loài thực vật không có giá trị kinh tế trở thành nguồn nguyên liệu chế tạo sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp sạch.

Với sự quan tâm của Ban giám hiệu, giáo viên hướng dẫn, các em đã mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu. Hiện nay, sản phẩm đang được thử nghiệm trên diện rộng để ghi nhận phản hồi thực tế nhất, hướng đến việc cải thiện và phát triển sản phẩm”.

Mô hình Chế phẩm sinh học RM-EM phòng trừ sâu hại, kích thích sinh trưởng cho cây trồng từ rau má lá sen, là sản phẩm của dự án nghiên cứu khoa học. Ban đầu, nhóm bạn trẻ dự định tham gia cuộc thi sáng tạo công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau tổ chức. Thế nhưng, sau cuộc thi này, nhận thấy tiềm năng phát triển và bán được sản phẩm trên thị trường, các bạn đã quyết định bước tiếp con đường khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ