Biện pháp trên nhằm nâng cao tiêu chuẩn chung về giáo dục trên cả nước.
Tuy nhiên, quy định này hiện đang đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh và người dân địa phương. Nhiều người phản đối vì cho rằng quy định đang cấm những học sinh Bờ Biển Ngà có học lực yếu không được theo đuổi học tập.
Tại quận Adjame, thành phố Abidjan, quy tắc gây xôn xao trong các cộng đồng người địa phương, thậm chí là chủ đề bàn tán trong các khu chợ.
Chị Mariam Eid, phụ huynh có 3 con đang học phổ thông, cho biết: “Chúng tôi sẽ làm gì với những học sinh bị đuổi học. Quy định này là quá khắt khe. Việc học tập cần phải được trau dồi từng chút một, nếu không chúng ta sẽ biến những đứa trẻ thành kẻ cướp”.
Gia đình chị Mariam luôn quan tâm và sát sao với việc học tập của con cái. Từ đầu năm học, vợ chồng anh chị đã chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và không để các con thiếu thốn gì so với bạn bè đồng trang lứa.
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Pierre Amondji, thành phố Abidjan, các học sinh bậc phổ thông đón nhận quy định với thái độ tích cực.
Đang ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Djenebou, học sinh năm cuối trung học, bày tỏ: “Quy định này thúc đẩy chúng em tăng gấp đôi nỗ lực và làm việc chăm chỉ hơn. Đây là một biện pháp tốt. Mục tiêu là giúp nâng cao kiến thức để học sinh xây dựng lớp nền vững chắc”.
Đồng tình với Djenebou, em Seydou hy vọng quy định mới không tạo kẽ hở cho việc gian lận, đặc biệt là hành vi hối lộ hay mua bán điểm thi để học sinh từ trượt thành đỗ.
Chia sẻ về quy định mới, bà Mariatou Kone, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia, cho biết, biện pháp vốn đã được ban hành và triển khai từ những năm 1970 tại Bờ Biển Ngà. Hiện nay, Bộ Giáo dục chỉ khôi phục lại quy định nhằm khuyến khích học sinh học tập và chống lại sự suy giảm trong giáo dục.
“Học sinh sẽ không bị cấm tiếp cận giáo dục. Bộ Giáo dục sẽ tăng cường những cầu nối giữa giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề”, bà Kone nói thêm, mong muốn “trấn an phụ huynh”. Theo đó, học sinh có điểm trung bình học tập dưới 8,5 có thể theo học chương trình nghề hoặc các kỹ năng khác nhau.
Bà Kone nhấn mạnh mục đích của cải cách nhằm “nâng cao tiêu chuẩn” của các cơ sở giáo dục tại Bờ Biển Ngà và nâng giá trị các văn bằng được cấp. Ước tính trong 2 năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông tại Bờ Biển Ngà là 30%, giảm so với con số 45% trong những năm trước dịch Covid-19.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Claude Kadio Aka, Chủ tịch Tổ chức Phụ huynh học sinh và học sinh Bờ Biển Ngà (OPEECI), khẳng định không học sinh nào bị gạt ra khỏi xã hội. Tất cả trẻ em đều là tương lai của đất nước nên những em học chưa tốt có thể chuyển sang đào tạo ở những lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại quy định mới chưa đủ giúp cải thiện hệ thống trường học đang thiếu nhân lực và vật lực nghiêm trọng. Nhiều học sinh, phụ huynh phản ánh trường còn thiếu phòng học, lớp học thiếu bàn học, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm và chất lượng học tập của học sinh.
Tại Bờ Biển Ngà, trung bình một lớp học có 60, thậm chí 80 học sinh trong khi nhiều trường phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. Ngoài ra, do lạm phát, chi phí giáo dục tại nước này đang tăng cao, ảnh hưởng đến các hộ gia đình thu nhập thấp.