Học sinh 2k4 tỏa sáng ở Olympic

GD&TĐ - Năm 2022, đội tuyển Vật lý tiếp tục mở màn cho mùa gặt hái huy chương của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế khi cả 8 học sinh dự thi đều đoạt giải tại cuộc thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương (APhO 2022).

Lê Minh Hoàng (thứ 3 từ trái sang) cùng các bạn học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Lê Minh Hoàng (thứ 3 từ trái sang) cùng các bạn học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

Người đoạt Huy chương Bạc, thành tích tốt nhất của đội tuyển là Lê Minh Hoàng - học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3 năm liên tiếp có huy chương quốc tế

Sinh năm 2004 tại Nghệ An, Lê Minh Hoàng bén duyên với môn Vật lý khá sớm. Trong những năm học THCS, năm nào Hoàng cũng đi thi học sinh giỏi Vật lý cấp trường, thành phố và đều đạt thành tích cao nhất. Ngoài môn Vật lý, em cũng học rất giỏi môn Toán, mang giải thưởng về cho trường.

Từ năm lớp 8, do yêu cầu học sinh dự thi học sinh giỏi chỉ được chọn 1 trong 2 môn nên Hoàng quyết định chọn thi học sinh giỏi môn Vật lý, môn học em yêu thích nhất. Kết quả em đã đạt thủ khoa học sinh giỏi cấp thành phố môn Vật lý năm lớp 8; giải Nhất, thủ khoa học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý năm lớp 9.

Kể về con, chị Nguyễn Thúy Cường chia sẻ: “Từ nhỏ, Hoàng đã đam mê nghiên cứu khoa học và ước mơ trở thành nhà khoa học trong tương lai. Những năm học tiểu học, Hoàng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên THCS, con học giỏi đều các môn, đặc biệt là môn Vật lý”.

Cho rằng, Vật lý là môn học có tính ứng dụng rất cao nên Hoàng đã dành nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu. Năng khiếu bộc lộ rõ hơn từ năm học lớp 6, khi Hoàng bắt đầu làm quen với môn Vật lý ở trường. Bố mẹ đều là giảng viên đại học nhưng lại không học chuyên sâu vật lý nên mọi kiến thức Hoàng học được đều qua thầy cô và bạn bè.

“Ngoài thời gian học ở lớp, Hoàng còn tranh thủ thời gian ở nhà lên mạng tìm hiểu về môn học, các anh chị đi trước đã từng đạt giải quốc tế môn Vật lý qua các kỳ thi. Hoàng còn tìm hiểu về các thầy, cô giáo dạy giỏi môn Vật lý như thầy Trần Văn Nga, cô Lê Thị Hòa… rồi nhờ mẹ đưa đến gặp các thầy cô xin bồi dưỡng thêm kiến thức”, chị Nguyễn Thúy Cường kể.

Với thành tích là học sinh giỏi toàn diện, đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh, Hoàng được tuyển thẳng vào lớp chuyên Vật lý Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2019.

Chọn môi trường học tại Hà Nội, Hoàng phải xa gia đình để sống tự lập trong khu ký túc xá. Thời gian sống tại ký túc xá đã mang lại cho Hoàng nhiều trải nghiệm quý giá, rèn luyện tính tự lập, bản lĩnh, nghị lực. Với tinh thần vượt khó và được sự quan tâm, chia sẻ động viên của các thầy, cô giáo cùng bạn bè, Hoàng đã khắc phục được những khó khăn để vươn lên trong học tập.

“Thời gian đầu ra Hà Nội, em rất bỡ ngỡ và nhớ nhà. Nhưng nhờ sự động viên của thầy Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, thầy Trần Đăng Khánh - giáo viên chủ nhiệm, thầy Nguyễn Công Toản - chủ nhiệm bộ môn Vật lý cùng các anh chị đi trước đã giúp em sớm ổn định cuộc sống ở môi trường mới và tiếp tục với niềm đam mê, khám phá môn học”, Hoàng nhớ lại.

Lê Minh Hoàng (thứ 2 từ trái sang) tại lễ trao giải kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương 2022. Lê Minh Hoàng (thứ 2 từ trái sang) tại lễ trao giải kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương 2022.

Gặt huy chương trong mùa Covid-19

Trong thời gian học tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Hoàng đạt được nhiều thành tích đáng nể như giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật lý phân tán quốc tế năm 2020, Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á năm 2021 và mới đây nhất là Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á năm 2022.

Kể về kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm nay, Hoàng cho biết: Năm thứ 2 tham dự kỳ thi nên em có thêm kinh nghiệm hơn so với lần trước. Giống như năm trước, kỳ thi năm nay có 2 phần thi lý thuyết và thực hành, mỗi phần thi trong 5 giờ trên máy tính. Phần thi thực hành là những thí nghiệm ảo, mô phỏng giống thí nghiệm thực.

“Do tình hình dịch nên thi quốc gia và tuyển chọn bị chậm, thời gian tập huấn còn 2 tuần. Dù vậy, các thầy cô đã dành nhiều tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho chúng em. Các bạn trong đoàn cũng cố gắng hết sức dù kết quả chưa được như mong muốn. Những ngày tập huấn đã mang lại cho em kỷ niệm đáng quý với những thầy cô và các bạn” - Hoàng nói.

Thầy Nguyễn Công Toản - chủ nhiệm bộ môn Vật lý, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - cho biết: Hoàng thông minh, có nghị lực, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian học tập tại trường. Hoàng còn luôn chia sẻ kiến thức với bạn bè, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập. Tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm 2022, Hoàng đoạt được Huy chương Bạc, thành tích đáng tự hào khi em đã trải qua thời gian rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đánh giá về đội tuyển Việt Nam năm nay, theo thầy Lục Huy Hoàng - Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năng lực khá đồng đều mặc dù các em có lứa tuổi khác nhau, từ lớp 10 - 12. Thành tích của Lê Minh Hoàng và các bạn đạt được rất đáng tự hào bởi các em đã nỗ lực hết sức mình trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thầy Hoàng nhắn nhủ học sinh của mình không ngừng học tập, rèn luyện. Không chỉ dừng lại ở những tấm huy chương mà mong Hoàng và các em trong đội tuyển Olympic Vật lý luôn duy trì được niềm đam mê Vật lý nói riêng và khoa học cơ bản nói chung để có những đóng góp lớn lao cho nền khoa học của đất nước.

Mục tiêu trước mắt của Lê Minh Hoàng là đạt được thành tích tốt hơn tại Olympic Vật lý quốc tế được tổ chức vào tháng 7 tới. Sau đó, Hoàng đặt mục tiêu được xét học bổng vào một trường đại học lớn, có uy tín khi em học xong lớp 12. Trong tương lai, em mong muốn được tiếp tục học tập nâng cao chuyên ngành Vật lý để trở thành nhà khoa học và làm việc theo đam mê của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ