Đội tuyển Olympic quốc tế: Những tấm gương vượt khó

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách học sinh đội tuyển của Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế năm 2022. Trong số này, có nhiều em nổi bật không chỉ vì thành tích học tập mà còn ở nỗ lực vượt khó.

Võ Trương Thiên Kỳ và thầy giáo chủ nhiệm Trần Đắc Hùng.
Võ Trương Thiên Kỳ và thầy giáo chủ nhiệm Trần Đắc Hùng.

Chàng trai làng biển vào đội tuyển Olympic Vật lý

Vượt qua vòng loại để có mặt tại đội tuyển Olympic Vật lý năm nay là một kỳ tích của Võ Trương Thiên Kỳ - học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Em cũng là học sinh đầu tiên của tỉnh Phú Yên được lựa chọn vào đội tuyển quốc tế.

Xuất thân từ gia đình nghèo ở làng biển Phú Lạc (thị xã Đông Hòa, Phú Yên), cha là thợ sửa chữa tàu đánh cá, mẹ không có nghề nghiệp ổn định, việc học tập của Kỳ hoàn toàn do em tự quyết. Từ nhỏ, Kỳ đã có thiên hướng học tốt các môn khoa học tự nhiên, đạt danh hiệu học sinh giỏi trong tất cả năm học. Học hết lớp 9 tại “trường làng”, Thiên Kỳ thi đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Vật lý của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Nhà cách trường hơn 20 cây số, em phải thuê nhà trọ để theo học trong suốt 3 năm.

Tại Trường Lương Văn Chánh, nhờ sự giúp đỡ, dìu dắt của các thầy cô, Kỳ đã có kết quả học tập ấn tượng. Năm học lớp 11, Kỳ đoạt giải Nhất cấp tỉnh môn Vật lý, đồng thời đoạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 các tỉnh phía Nam. Năm lớp 12, Kỳ tiếp tục giành giải Nhất kỳ thi cấp tỉnh và xuất sắc đoạt giải Nhất cấp quốc gia môn Vật lý.

Trong kỳ thi chọn đội tuyển tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và quốc tế, Kỳ đã vượt qua nhiều thí sinh xuất sắc khác để lọt vào tốp 8. Đây là niềm vinh dự không chỉ với Thiên Kỳ mà cả ngành Giáo dục Phú Yên.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Kỳ cho biết: Trước hết phải có niềm đam mê học tập, tiếp đó là phương pháp học phù hợp. Trước đây, em chỉ tập trung giải các bài tập để rút ra hướng giải quyết từng dạng bài, nhưng hơn một năm qua, em đã chuyển hướng sang tập trung để học kỹ, hiểu sâu lý thuyết. Học kỹ lý thuyết, nắm vững kiến thức thì khi gặp bất kỳ dạng bài tập khó nào cũng có thể áp dụng để giải quyết nhanh nhất.

Kỳ cũng cho biết gần tới các kỳ thi, em dành nhiều thời gian để tập trung ôn luyện. Còn bình thường, sau các buổi học ở trường, em dành khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ để học sâu, học kỹ bài học, giải bài tập. Thời gian còn lại, em dành để thư giãn, nghe nhạc, chơi thể thao thư giãn tinh thần.

Kể về học trò, thầy Trần Đắc Hùng - giáo chủ nhiệm của Kỳ chia sẻ: Kỳ có năng lực đặc biệt trong bộ môn Vật lý. Em có khả năng tự học, tự đọc tài liệu và tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, từ đó, phát hiện và giải quyết vấn đề nhanh, rất thông minh.

Nhận xét Kỳ là học sinh có đam mê lớn, luôn khát khao chinh phục và khả năng tự học rất cao, thầy Huỳnh Tấn Châu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh nói: Tất cả tài liệu vật lý trong thư viện nhà trường, Kỳ đều đã đọc, tham khảo. Em còn tự tìm tòi bài giải, bài giảng hay từ các trường nổi tiếng trong nước và bài bằng tiếng Anh của quốc tế để tham khảo, nghiên cứu.

Nguyễn Phúc Lâm.
Nguyễn Phúc Lâm.

Học sinh chuyên Toán 2 lần đạt giải Nhất môn Sinh

Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Nguyễn Phúc Lâm đã nỗ lực rất nhiều để vươn lên trong học tập. Sự cố gắng được đền đáp khi em đạt nhiều giải thưởng, thành tích, thi đỗ vào Trường THPT chuyên Quang Trung. Hai năm liên tiếp, Lâm mang về cho nhà trường 2 giải Nhất quốc gia và xuất sắc lọt vào đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế.

Góp mặt tại đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế là một kỳ tích của Nguyễn Phúc Lâm không chỉ bởi Sinh học là một môn học khó mà đây không phải là thế mạnh của học sinh Bình Phước cũng như của các tỉnh miền núi. Hơn nữa, Lâm lại là người “ngoại đạo” khi là học sinh của lớp chuyên Toán.

Học giỏi Toán từ nhỏ, Lâm thi vào lớp chuyên đạt điểm 10 và lọt vào đội tuyển Toán của trường. Tuy nhiên, sau đó, Lâm lại cảm thấy môn Sinh thú vị hơn và lựa chọn thử sức ở đội tuyển Sinh học. Tham gia đội tuyển, em được tìm hiểu kỹ càng, đào sâu lý thuyết ở các chuyên đề khác nhau, do đó càng hứng thú hơn với môn học.

Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, Phúc Lâm còn là chàng trai hòa đồng, dễ mến và có tính tự lập cao. Năm lớp 10, Phúc Lâm bắt đầu ở nội trú tại ký túc xá của trường. Xa gia đình, mỗi khi cảm thấy áp lực, mệt mỏi trong việc học hoặc nhớ nhà, Lâm gọi điện thoại về gia đình để chia sẻ với bố mẹ. Khi có thời gian rảnh, nam sinh tham gia hoạt động thể thao ở trường.

Thầy Lữ Văn Tập - giáo viên hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học, Trường THPT chuyên Quang Trung cho biết: Lâm là học sinh có tư duy, khả năng chịu khó, tự học, tìm hiểu kiến thức tốt. Lâm luôn xác định rõ mục tiêu, đam mê nên chịu khó tìm tòi để phát triển bản thân.

Còn Phí Quang Huy, bạn cùng lớp 12 chuyên Toán nhận xét Lâm luôn hòa đồng với các bạn trong lớp dù thời gian bạn ôn luyện đội tuyển tương đối nhiều. Không chỉ giỏi môn Sinh, Lâm còn giỏi nhiều môn khác như Toán, Tiếng Anh và cả Ngữ văn. Đặc biệt, Lâm ít khi dùng mạng xã hội và không sử dụng điện thoại trong thời gian tự học để tránh mất tập trung.

Chia sẻ về bí quyết học giỏi môn Sinh học, theo Lâm, nhờ tinh thần tự học của bản thân cùng sự dìu dắt, “truyền lửa” cảm hứng của thầy cô và động viên của gia đình, bạn bè. Để có kết quả cao cần xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, hướng vào những vấn đề trọng tâm. Khi tham gia kỳ thi cần có tâm thế bình tĩnh và tự tin. Cái khó của môn Sinh là phải nhớ được nhiều kiến thức, vận dụng kiến thức đó để giải quyết các bài tập và đặc biệt phải liên hệ thực tiễn cuộc sống. Vì thế, cần nghiên cứu nhiều tài liệu, làm nhiều dạng bài tập khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.