(GD&TĐ) - Một bộ phận giới trẻ hiện nay không am hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc đã trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác giáo dục. Để hạn chế tình trạng này, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc đưa giáo dục di sản vào trường học.
Thiết thực với những giờ học
Học qua di sản là cách bồi dưỡng tình yêu quê hương cho HS |
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc sử dụng di sản vào dạy học được cụ thể hóa sinh động trong các giờ học. Quá trình trải nghiệm, học tập tại di tích lịch sử triều Nguyễn, các đình làng, các nhà thờ họ hiếu học, các làng nghề truyền thống…, học sinh được quan sát trực tiếp hay gián tiếp qua ảnh tư liệu và những thông tin từ nhân chứng sống. Trên cơ sở đó các em có thể thu thập, tổng hợp thông tin đối chiếu với kiến thức đã học để giải thích về hiện tượng, sự kiện liên quan đến di sản.
Ở Trường THPT A Lưới, tổ chuyên môn đã tổ chức tiết dạy lịch sử địa phương với hình thức tổ chức đối thoại cùng các anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Vai, Kan Lịch, A Đờm. Buổi học đã để lại cho các em nhiều ấn tượng sâu sắc về truyền thống đánh giặc cứu nước anh dũng bất khuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hay tại Trường THPT Đặng Huy Trứ, tận dụng triệt để những di sản tại địa bàn, nhà trường đã tổ chức cho HS trải nghiệm và có những thu lượm bổ ích từ hoạt động này. Học sinh rất hào hứng khi hiểu rõ hơn về di tích lịch sử trên quê hương. Có thể thấy rằng, nhờ sự hướng dẫn của giáo viên mà học sinh được tiếp cận với di sản văn hóa. Theo đó, các hiện tượng sự vật, các giá trị ẩn chứa trong di sản được các em tìm hiểu, khám phá. Những điều tưởng như quen thuộc trở nên hấp dẫn hơn, sống động hơn và học sinh sẽ có hứng thú với việc học tập ở di sản, từ đó các em có được động cơ học tập đúng đắn.
Học sinh phải là chủ thể tích cực
Phú Thọ là miền đất lưu giữ nhiều giá trị văn hoá dân tộc đặc sắc của tổ tiên, mang đậm tính giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Do đó, Phú Thọ có điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông.
Ông Nguyễn Hữu Chiển, chuyên viên Sở GD&ĐT cho biết: Để thực hiện tốt việc đưa di sản vào dạy học, điều đầu tiên các địa phương quan tâm đó là cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, ngành văn hóa và toàn xã hội ủng hộ, đồng thuận, tạo động lực cho việc triển khai sử dụng di sản văn hoá trong dạy học và các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả và có sức lan tỏa, bền vững…
Việc sử dụng di sản văn hoá trong dạy học và các hoạt động giáo dục phải gắn liền mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh về đức, trí, thể, mỹ; Đồng thời gắn liền với việc đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức dạy học (không nhất thiết phải đưa học sinh đến tham quan, học tập tại di sản nếu không có điều kiện).
Điều quan trọng là cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc sưu tầm, tìm hiểu, sử dụng di sản văn hóa trong giờ học và các hoạt động giáo dục (học sinh phải là chủ thể, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình sử dụng di sản trong giờ học và các hoạt động giáo dục); Đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học, đưa nội dung di sản văn hóa vào bài kiểm tra sao cho phù hợp về thời lượng và khả năng nhận thức của học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Khi tiến hành dạy học và các hoạt động giáo dục có sử dụng di sản văn hóa, giáo viên cần phải có nhận thức đúng về khái niệm sử dụng di sản vào dạy học; Tránh tình trạng nặng nề, quá tải, không tăng thời lượng chương trình vì di sản được sử dụng như một phương tiện, nguồn kiến thức để hỗ trợ bài học, làm cho bài học sinh động, gây hứng thú hơn cho học sinh.
Tích hợp lồng ghép trong các môn học
Quảng Nam là tỉnh có hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và đền tháp Mỹ Sơn. Vì vậy, HS ở đây có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu về những di sản độc đáo này. Trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo công tác giáo dục bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Thầy Phạm Phú Cường, GV Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (Duy Xuyên – Quảng Nam), cho biết: Ngoài việc thực hiện dạy học ở trường, ở lớp trên tiết dạy, bản thân thầy đã chủ động lập kế hoạch tham mưu với lãnh đạo nhà trường tổ chức cho HS tham gia hoạt động ngoại khóa tại di tích trên địa bàn. Sau những buổi ngoại khóa, HS không những hiểu biết thêm về các di sản văn hóa mà còn được thực hành và rèn thêm các kỹ năng như thuyết trình, phân tích tổng hợp số liệu, kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng giáo tiếp, chia sẻ với thầy cô, bạn bè. Những kỹ năng này rất thiết thực, giúp ích các em trong cuộc sống.
Để việc đưa di sản vào dạy học một cách hiệu quả hơn, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có kiến nghị về việc thành lập ban biên soạn bộ tài liệu sử dụng di sản trong dạy học theo từng bộ môn và gắn với từng tiết dạy trên lớp để có sự thống nhất cho giáo viên trực tiếp giảng dạy. GV sẽ có điều kiện tiếp cận và truy cập tư liệu hình ảnh để phục vụ tiết dạy của mình. Để có điều kiện áp dụng rộng rãi việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, cần coi việc giới thiệu, đưa di sản vào trong dạy học cũng là một cách bồi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh.
Hà Đông