Học phí các trường tăng đều
Ngay sau khi dịch Covid-19 đi vào trạng thái thích ứng, sinh viên có thể trở lại trường học tập trực tiếp, học phí các trường theo cơ chế tự chủ và ngoài công lập đều tăng nhẹ. Mức tăng của các trường công lập dao động từ 3 - 5% so với học phí năm 2021, còn với các trường ngoài công lập mức tăng học phí từ 7 - 10% (trong mức quy định).
Trong khối các trường ngoài công lập tại TPHCM, trường có mức tăng học phí ở ngưỡng 8 - 10% so với năm 2021 là Trường ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang; Mức tăng học phí ở ngưỡng 5 - 7% có Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến. Trường có mức học phí ổn định và thấp nhất là ĐH Gia Định với bình quân học phí 11 - 15 triệu đồng/năm.
ThS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng HUTECH cho biết: Việc tăng học phí là không thể khác khi các chi phí về đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng, duy tu và sửa chữa hạ tầng nghiên cứu… sau 1 năm không tăng. Mức tăng 7% của trường nhằm bảo đảm công tác giảng dạy, chất lượng đào tạo.
Ở khối công lập, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Luật TPHCM và ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM có mức tăng ổn định khoảng 5%/năm. Các trường đại học thuộc ĐHQG TPHCM khi chuyển đổi sang hình thức tự chủ tài chính có mức tăng cao hơn. Đơn cử như học phí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hệ đại trà năm nay có mức thu từ 16 - 24 triệu đồng/năm tùy theo khối, ngành, chương trình đào tạo. Tương tự, học phí Trường ĐH Kinh tế - Luật ở mức 22,6 triệu đồng/năm, Trường ĐH Công nghệ Thông tin là 30 triệu đồng/năm.
Theo nhiều cán bộ quản lý đại học, việc tăng học phí của các trường sau 2 năm thực hiện hàng loạt chính sách ổn định học phí, tăng cường hỗ trợ cho sinh viên bị ảnh hưởng dịch Covid-19, gia tăng quỹ học bổng… là buộc phải làm, nếu không muốn đối mặt bài toán lạm chi.
Để giảm áp lực học phí cho sinh viên khó khăn, các đơn vị xây dựng cơ chế hoạt động mới và mức học phí mới đều tính toán các giải pháp, nguồn quỹ để hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn về tài chính. Đơn cử như ĐHQG TPHCM ngoài quỹ tín dụng vay vốn học tập lãi suất 0%, còn có các nguồn lực lớn hỗ trợ từ doanh nghiệp như học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp…
“Năm học 2022 - 2023, sinh viên thuộc 6 ngành nhóm khoa học xã hội và nhân văn (Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học) được ĐHQG TPHCM hỗ trợ 35% học phí”, ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM cho biết.
Tăng để bảo đảm chất lượng đào tạo
Học phí tăng chất lượng đào tạo có tăng luôn là thắc mắc của phụ huynh và sinh viên mỗi khi các trường thực hiện việc tăng học phí. Thực tế, việc tăng học phí sau mỗi năm được các trường thực hiện theo mức trần tăng học phí quy định của Bộ GD&ĐT.
Với các trường thực hiện theo cơ chế tự chủ được quyền tự xác định mức học phí theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy. Tuy vậy, mức tăng để bảo đảm cho việc chi thường xuyên vẫn phải theo nguyên tắc không gây sốc cho người học.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Bối cảnh giáo dục mới mà chất lượng là đòi hỏi hàng đầu thì việc tăng học phí để bảo đảm các điều kiện hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học… đáp ứng cho mục tiêu trên là điều khó có thể khác.
“Chúng ta luôn đòi hỏi một hệ thống giáo dục đại học chất lượng, nguồn nhân lực chất lượng trong khi chi phí đào tạo/1 sinh viên không tăng thì rất khó cho các trường. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã nêu rất rõ về mức trần học phí/tháng của từng sinh viên.
Theo đó, mức trần học phí năm học 2021 -2022 đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định từ 980.000 - 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng. Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng…. Rõ ràng với các mức học phí hiện nay ở nhiều trường chưa phải là quá cao”, TS Lý chia sẻ.
Thực tế, để bảo đảm chất lượng đào tạo, gia tăng chỉ số học thuật, nghiên cứu của đơn vị trên trường quốc tế, nhiều trường buộc phải đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phòng thí nghiệm và các chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia sâu vào công tác nghiên cứu, kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cũng nhìn nhận việc tăng học phí nằm trong khung hàng năm nhằm bù đắp cho chi phí trượt giá và đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là giúp nhà trường bảo đảm các điều kiện gia tăng chất lượng và xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo.
Nhìn nhận vấn đề tài chính với các trường ĐH-CĐ ngoài công lập luôn là bài toán khó, TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT của hệ thống Giáo dục Đại Việt (có đề án Trường ĐH Đại Việt) cho rằng, điều căn bản và cốt lõi sau mỗi lần tăng học phí là sinh viên được thụ hưởng những gì.
“Với các trường tư thục, bài toán thu - chi sẽ luôn là yếu tố hàng đầu để xây dựng chi phí đào tạo. Không thể duy trì mức học phí cũ mãi khi giá cả và mọi thứ đều tăng phi mã qua từng năm. Việc tăng học phí cần phải song hành với các chính sách hỗ trợ, cấp học bổng, quỹ tín dụng cho sinh viên và cả việc đầu tư cho cơ sở vật chất. Hiện, mức học phí hệ cao đẳng của trường khoảng 16 triệu đồng/năm, bù lại quỹ học bổng của trường tăng từ 15 tỷ đồng (2020) lên 20 tỷ đồng vào năm 2022”, TS Lê Lâm nói.